Thời gian 22/11/2024 5:48 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Đô thị sinh thái trong phát triển đô thị Việt Nam

“Eco” viết tắt của từ sinh thái trong cụm từ đô thị sinh thái “Ecocity”, vốn đọc chệch từ “Oikos” của tiếng Hy lạp cổ nghĩa là “gia đình” (“hộ gia đình”) trong đó mọi người cùng làm việc để tạo ra một đơn vị chức năng nào đó. Tương tự như vậy, các đô thị sinh thái “ecocities” muốn nhấn mạnh mối quan hệ lành mạnh giữa các phần của thành phố với chức năng của chúng hơn là đơn thuần nói đến hàng loạt các chỉ số đo độ xanh, sạch đẹp của đô thị.

http://redsvn.net/wp-content/uploads/2020/01/p33d2_pcfivestarecocity1533394943.jpg

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết của PGS.TS. Lưu Đức Hải – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Đối với đô thị sinh thái, “gần gũi” là điều có ý nghĩa quyết định. Nếu như có một chỉ số đơn lẻ để xác định đô thị sinh thái, đó chính là khả năng dân cư có thể và ưa thích việc tiếp cận hầu hết dịch vụ cơ bản bằng cách đi bộ, đi xe đạp và vận chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. Thực hiện tốt vấn đề mật độ là điều mà nhiều các chính quyền thành phố đã và đang làm khi áp dụng các nguyên tắc của đô thị sinh thái vào trong các quy hoạch thành phố của mình. Trong khi rất nhiều quy hoạch đô thị rập theo khuôn cũ với những thành phố xám xịt, bê tông hoá cao. Chúng ta bắt đầu có thế hệ các nhà kiến trúc quy hoạch mới với những tác phẩm quy hoạch chứng minh cuộc sống đô thị vẫn rất khỏe mạnh và đầy đủ những hấp dẫn khi các dịch vụ cơ bản và những nhu cầu về văn hoá được đáp ứng ở khoảng cách đi bộ hoặc đạp xe.

Lịch sử ra đời của đô thị sinh thái

Ý tưởng về đô thị sinh thái có nguồn gốc từ những năm 80 của thế kỷ XX và đã được công bố công khai lần đầu tiên bởi các học giả Đức, nó liên quan trực tiếp đến các cuộc tranh cãi về trách nhiệm đối với hệ sinh thái vốn đã được đưa ra từ những năm 60. Các khái niệm đô thị sinh thái đầu tiên được tập trung vào sự trao đổi về những hoạt động diễn ra trong đô thị (vòng tròn năng lượng, nước, chất thải, khí thải…).

Trong vài năm qua, phong trào xây dựng các đô thị sinh thái, thành phố trong sự cân bằng với thiên nhiên đã phát triển trên toàn thế giới. Khai sinh ra phong trào Ecocity là Richard Register, một chuyên gia thiết kế đô thị được quốc tế công nhận. Ông đã thành lập Khoa Đô thị sinh thái ở Berkeley (Mỹ) vào năm 1975, và đã cố gắng tổ chức một số hội nghị địa phương để biến đổi Berkeley để thành một Ecocity. Nhóm Sinh thái học đô thị sau này được chuyển thành Ecocity Builders, một tổ chức phi chính phủ gắn trách nhiệm môi trường với phát triển đô thị thông qua giáo dục cộng đồng và tư vấn với các chính phủ và các nhà quy hoạch. Phương châm của nhóm là “để xây dựng lại nền văn minh của chúng ta trong sự cân bằng với thiên nhiên”.

Năm 1990, Những gì do Register và The Ecocity Builders khởi xướng đã trở thành một thành phần quan trọng của phong trào Ecocity; Hội nghị Ecocity quốc tế, đã được tổ chức hai năm một lần sau đó, trên năm châu lục khác nhau. Tháng 8 năm 2002, hội nghị được tổ chức tại Thẩm Quyến, một đô thị vườn của Trung Quốc. Kể từ năm 1990, hội nghị đã trở thành một trong những diễn đàn quan trọng nhất về phát triển bền vững.

Các nguyên tắc của phong trào Ecocity khá đơn giản: mọi người có thể sống, làm việc, mua sắm tại các cửa hàng, vui chơi trong một khoảng cách gần và giao thông là thứ mà người dân cần sử dụng khi họ đang ở chỗ mà họ không muốn ở. Lựa chọn giao thông đầu tiên trong ecocity phải là đi bộ, xe đạp là thứ hai, thứ ba là phương tiện giao thông công cộng, và cuối cùng mới đến các xe ô tô.

Các tiêu chí đánh giá đô thị sinh thái trên thế giới

Công ty tư vấn nguồn nhân lực và dịch vụ tài chính Mercer có trụ sở tại New York, Mỹ đã công bố bảng xếp hạng các thành phố sinh thái của thế giới năm 2010. Bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên các yếu tố như nguồn nước sẵn có, nước uống, nước thải, rác thải, ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông.

Theo khảo sát của Mercer, Calgary là một trong hai thành phố của Canada lọt vào top 10, với Ottawa xếp vị trí số 3. Ngoài Canada, Mỹ là nước còn lại duy nhất có 2 thành phố lọt vào top 10, gồm Honolulu xếp vị trí thứ 2 và Minneapolis giành vị trí số 6. Mười thành phố sinh thái của thế giới là: 1. Calgary, Canada; 2. Honolulu, Hawaii, Mỹ; 3. Ottawa, thủ đô Canada; 4. Helsinki thủ đô Phần Lan; 5. Wellington, thủ đô New Zealand; 6. Minneapolis, Minnesota; 7. Adelaide, Australia; 8. Copenhagen, thủ đô Đan Mạch; 9. Kobe, Honshu, Nhật Bản; và 10. Oslo, thủ đô Na Uy.

Tiêu chuẩn quốc tế về đô thị sinh thái (International Ecocity Standard – IES) được tập hợp từ nhóm các nhà xây dựng đô thị sinh thái (Ecocity Builders), tập hợp các thành viên của các tổ chức từ khắp nới trên thế giới. IES đánh giá hiện trạng và quá trình phát triển mới của các đô thị trong việc hướng tới để trở thành đô thị sinh thái. IES đánh giá mức độ đạt được trên các quy mô khác nhau từ các khu vực nhỏ đến toàn bộ vùng, dựa trên nguyên tắc của các hệ thống và các thiết kế sức khỏe sinh thái.

Các tiêu chí xem xét đánh giá đô thị sinh thái, theo IES, bao gồm các nhóm:

–    Cơ cấu đô thị: về sử dụng đất và kiến trúc đô thị;
–   Giao thông đô thị với thứ tự ưu tiên: giao thông đi bộ, xe đạp, thang vận (elevators, escalators), giao thông công cộng bằng xe điện hoặc tàu điện ngầm, giao thông công cộng bằng xe bus, rồi mới đến xe ô tô con;
–    Năng lượng: sử dụng năng lượng có thể tái tạo như gió, mặt trời…, hạn chế sử dụng tài nguyên không tái tạo được, dùng các giải pháp bảo tồn năng lượng;
–    Xã hội: đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về kiến trúc và thiết kế chỗ ở và sinh hoạt cho người dân, đảm bảo về giáo dục và việc làm…;
–    Nông nghiệp;
–    Quy hoạch các khu vực đặc thù và các công cụ quản lý;
–    Chính sách và thể chế quản lý;
–    Kinh tế…

Dự án đô thị sinh thái do Liên minh Châu Âu (EU) thực hiện trong 3 năm bắt đầu từ 2/2002, bao gồm 30 tổ chức từ 9 nước thuộc EU, đại diện các trường đại học, tư vấn chính phủ và đại diện cộng đồng. Theo dự án này, nguyên tắc của thành phố sinh thái nhìn chung cũng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về đô thị sinh thái (IES) nêu trên.

Tiêu chí đô thị sinh thái ở Việt Nam

Ở Việt Nam, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định khái niệm về đô thị sinh thái cũng như các tiêu chí cụ thể khi xem xét đánh giá đô thị có phải là đô thị sinh thái hay không. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà nghiên cứu về đô thị sinh thái, các tiêu chí quy hoạch đô thị sinh thái có thể được khái quát trên các phương diện sau: kiến trúc công trình, sự đa dạng sinh học, giao thông, công nghiệp và kinh tế đô thị:

– Về kiến trúc, các công trình trong đô thị sinh thái phải đảm bảo khai thác tối đa các nguồn mặt trời, gió và nước mưa để cung cấp năng lượng và đáp ứng nhu cầu nước của người sử dụng. Thông thường là nhà cao tầng để dành mặt đất cho không gian xanh.

– Sự đa dạng sinh học của đô thị phải được đảm bảo với các hành lang cư trú tự nhiên, nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học và đem lại sự tiếp cận với thiên nhiên để nghỉ ngơi giải trí.

– Giao thông và vận tải cần hạn chế bằng cách cung cấp lương thực và hàng hóa chủ yếu nằm trong phạm vi đô thị hoặc các vùng lân cận. Phần lớn dân cư đô thị sẽ sống và làm việc trong phạm vi bán kính đi bộ hoặc xe đạp để giảm thiểu nhu cầu di chuyển cơ giới. Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nối liền các trung tâm để phục vụ nhu cầu di chuyển xa hơn của người dân. Chia sẻ ô tô con địa phương cho phép mọi người chỉ sử dụng khi cần thiết.

– Công nghiệp của đô thị sinh thái sẽ sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái sinh. Các quy trình công nghiệp bao gồm cả việc tái sử dụng các sản phẩm phụ và giảm thiểu sự vận chuyển hàng hóa.

– Kinh tế đô thị sinh thái là một nền kinh tế tập trung sức lao động thay vì tập trung sử dụng nguyên liệu, năng lượng và nước, nhằm duy trì việc làm thường xuyên và giảm thiểu nguyên liệu sử dụng.

Có 4 nguyên tắc chính để tạo dựng những thành phố sinh thái: (1) Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên; (2) Đa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người; (3) Trong điều kiện có thể, cố giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng; (4) Giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu (GS.TS. Lê Huy Bá).

Theo TẠP CHÍ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng