Quản lý cây xanh đô thị là một lĩnh vực hoạt động phức hợp, liên quan đến rất nhiều các đối tượng và ngành nghề khác nhau trong đô thị; và đòi hỏi sự hợp tác biện chứng nhiều tầng thứ giữa các bên nhằm đem lại lợi ích tối đa cho người dân đô thị.
Khái niệm các thuật ngữ cơ bản về cây xanh đô thị, lâm nghiệp đô thị, quản lý lâm nghiệp đô thị
Theo Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, “Cây xanh đô thị” là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị; “Quản lý cây xanh đô thị” bao gồm: Quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.
Quản lý cây xanh đô thị được gắn liền với thuật ngữ “Lâm nghiệp đô thị” hay “quản lý rừng đô thị”. Khái niệm Lâm nghiệp đô thị có nguồn gốc ở Bắc Mỹ trong những năm 1960, Jorgensen đã giới thiệu các khái niệm này bao gồm giải quyết các vấn đề cây trong thành phố, quản lý cả các cây đơn lẻ và trong toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng bởi đô thị hoá; bao gồm cây xanh đường phố, cây xanh công viên, cây xanh tại các khu vực công cộng khác, cây xanh tại vườn nhà riêng và tất cả các mảng xanh tự nhiên còn sót lại trong khu vực này.
Hình 1. Mức độ và phạm vi ảnh hưởng của Lâm nghiệp đô thị.
Khái niệm này còn bao gồm việc lập kế hoạch và quản lý cây xanh, rừng và thảm thực vật liên quan trong cộng đồng đô thị để tạo ra và tăng thêm giá trị của cây xanh, và quản lý tổng thể tất cả các vấn đề về rừng đô thị kết hợp các vấn đề về trồng cây, kiến trúc cảnh quan, làm vườn, bệnh cây và lâm nghiệp.
Tài nguyên rừng đô thị liên quan đến vị trí của cây xanh đô thị:
1) Các không gian mở, vị trí của cây xanh đường phố, cây xanh quảng trường, hàng cây và các lối đi;
2) Các cây riêng lẻ hoặc các khóm cây nhỏ trồng trong vườn, công viên, nghĩa trang, trên đất hoang, trong các khu công nghiệp…;
3) Vị trí của cây trong thảm thực vật và cây bụi. Tất cả được tìm thấy trong hoặc gần khu vực đô thị và đều liên quan đến yếu tố thực vật thân gỗ.
Vai trò của cây xanh đô thị được thể hiện các vai trò khác nhau liên quan đến:Tổng thể hoạch định chính sách, quy hoạch và thiết kế các biện pháp kỹ thuật (lựa chọn cây trồng và thiết lập nơi trồng) và công tác quản lý.
Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau, nhiều người tán thành về các thế mạnh cơ bản của các phương pháp tiếp cận lâm nghiệp đô thị:
1) Là sự tích hợp, hợp nhất các yếu tố khác nhau trong cấu trúc xanh đô thị;
2) Đó là chiến lược, nhằm phát triển các chính sách dài hạn và kế hoạch cho tài nguyên cây đô thị, kết nối với các lĩnh vực, chương trình nghị sự và các chương trình khác;
3) Nhằm mục đích cung cấp nhiều lợi ích, nhấn mạnh đến kinh tế, môi trường, văn hóa – xã hội tốt và các dịch vụ mà rừng đô thị có thể cung cấp;
4) Đó là đa ngành và mục tiêu trở thành liên ngành, bao gồm đến các chuyên môn về tự nhiên cũng như khoa học xã hội;
5) Đó là sự tham gia, mục tiêu phát triển quan hệ đối tác giữa tất cả các bên liên quan. Mô hình lâm nghiệp đô thị là mô hình đa lĩnh vực và đa vai trò của các bên liên quan trong các hoạt động chính của cây xanh đô thị.
Hình 2. Mô hình lâm nghiệp đô thị đa lĩnh vực và vai trò của các bên liên quan trong các hoạt động chính của hệ thống cây xanh đô thị.
Hình 3. Sơ đồ khung chương trình cho việc phân tích hệ thống xã hội- sinh thái học (Nguồn: https://www.sciencemag.org).
Một số quan điểm về quản lý cây xanh đô thị
1. Quan điểm hệ thống xã hội – hệ sinh thái cây xanh đô thị
Bản chất của xã hội và sinh thái tự nhiên của rừng cây xanh đô thị là một hệ thống (SES- Hệ thống xã hội- sinh thái); trong đó các hệ thống sinh thái (hệ thống phụ thuộc lẫn nhau của các sinh vật và các đơn vị sinh học) có một mối quan hệ với các hệ thống con người (xã hội). Hệ thống xã hội- sinh thái được cấu tạo từ nhiều hệ thống con và các biến nội bộ trong những hệ thống con ở nhiều cấp độ. Khi các hệ thống xã hội và sinh thái được liên kết, nó trở nên phức tạp và có nhiều lớp, bao gồm: Hệ thống tài nguyên (RS- Resource system), đơn vị tài nguyên (RU- Resource), người sử dụng (U- Users), và hệ thống thể chế quản lý (GS- Governance system). Mô hình này cung cấp lý thuyết cơ bản cho việc ứng dụng vào các nghiên cứu thứ cấp có liên quan (Hình 3).
Trong nghiên cứu về quản lý cây xanh đô thị, cơ chế quản lý, hệ thống pháp lý, các chính sách đóng vai trò nòng cốt cho việc phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Đồng thời, ứng dụng quan điểm này ta có thể thấy mối quan hệ tương tác giữa cơ chế quản lý và người sử dụng, đây cũng là tiền đề cho việc xã hội hoá trong công tác quản lý cây xanh đô thị được ứng dụng tại các đô thị hiện đại.
2. Quan điểm cây xanh đô thị là nguồn tài nguyên dùng chung
Năm 1968, Garrett Hardin đã đưa ra thuật ngữ về nguồn tài nguyên dùng chung (CPRs- Common Pool Resource) vì những lợi ích của chúng cho cả cộng đồng dân cư chứ không phải riêng cá nhân nào. Ví dụ, cây xanh hấp thụ lượng khí nhà kính mang lại ích lợi cho tất cả cư dân trong thành phố mà không chỉ riêng những người sống và sở hữu những cây trồng.
Đặc biệt, với những vai trò và vị trí của mình, cây xanh đường phố nói riêng được coi là một nguồn yền tài nguyên quan trọng và là một tài nguyên dùng chung và chúng cũng có tính cạnh tranh tốt. Tính cạnh tranh này trong bối cảnh đô thị là kết quả của sự cạnh tranh sử dụng các không gian cây xanh và cạnh tranh ưu đãi về các cây xanh đường phố. Sự gia tăng sử dụng vỉa hè hoặc sự phát triển các công trình xây dựng dẫn đến tính cạnh tranh với các không gian mà cây cần để phát triển. Hơn nữa, các hoạt động của con người trên vỉa hè là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc loại bỏ các cây xanh đường phố. Cây xanh cũng được đề cập liên quan đến việc đáp ứng với vấn đề an toàn công cộng hoặc khi chúng can thiệp vào các tiện ích công cộng – là những giá trị mang tính xã hội và kinh tế. Từ đó, chúng ta nhận ra tính bền vững từ giá trị cây xanh đô thị. Đây là nguyên nhân dẫn tới quan điểm phát triển bền vững trong quản lý cây xanh đô thị.
3. Quan điểm quản lý cây xanh đô thị bền vững
Duy trì cây xanh đô thị là quản lý nguồn tài nguyên này để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và của các thế hệ tương lai bằng cách quản lý hệ thống để duy trì sản xuất dịch vụ hệ sinh thái theo không gian và thời gian. Đối với hệ thống cây xanh đô thị, phát triển bền vững là tập trung vào những lợi ích ròng của cây ở mức độ rộng và đòi hỏi phải có một tập hợp các hoạt động quản lý từ cây đơn lẻ đến toàn hệ thống cây xanh đô thị trong một khu vực đô thị [3]. Quản lý cây xanh đô thị là một quá trình phức tạp và đòi hỏi những nỗ lực giữa nhiều người sử dụng. Các mô hình quản lý hiệu quả là các mô hình song song nhiều biến xác định trong hệ thống xã hội – sinh thái, nó ảnh hưởng cụ thể đến tính bền vững của hệ thống này.
Một hệ thống cây xanh đô thị bền vững phải kết hợp đa dạng sinh học, các loài bản địa, kích thước và tuổi của cây khác nhau. Cộng đồng phải có một tầm nhìn chung về một hệ thống cây xanh đô thị để xác định mục tiêu cụ thể và kế hoạch quản lý và tài trợ chương trình toàn diện cho các mục tiêu cần hoàn thành.
Kết luận
Quản lý cây xanh đô thị là một lĩnh vực hoạt động phức hợp, liên quan đến rất nhiều các đối tượng và ngành nghề khác nhau trong đô thị; và đòi hỏi sự hợp tác biện chứng nhiều tầng thứ giữa các bên nhằm đem lại lợi ích tối đa cho người dân đô thị.
Quản lý cây xanh đô thị bền vững đảm bảo sự cân bằng các yếu tố về xã hội, kinh tế và môi trường, góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái đô thị thích ứng với những điều kiện mới; trong đó, con người là một thành tố quan trọng. Phát triển đa dạng hệ sinh thái đô thị bằng việc sử dụng nhiều loài cây có giá trị thẩm mỹ, đa dạng về hình thái và chủng loại giúp thu hút các loài động vật liên quan; nhưng công tác lựa chọn cây đô thị vẫn cần đảm bảo ưu tiên sử dụng các loài cây bản địa hoặc những loài cây đã được thử nghiệm cho kết quả tốt trong thời gian dài.
Quản lý cây xanh đô thị là trách nhiệm của cộng đồng. Việc thể chế quản lý xã hội hóa, tổng hợp nhiều bên tham gia để tạo ra một sức lan tỏa cộng đồng trong việc quản lý nguồn lợi ích chung (đồng thời cũng là nguồn rủi ro chung) của nguồn tài nguyên dùng chung này. Bên cạnh đó, việc phân cấp phân quyền theo phương thức xã hội hóa góp phần đảm bảo công tác quản lý cây xanh đô thị một cách toàn diện.
——————————–
Tài liệu tham khảo:
1. Bratkovich, Steve (2010) Urban Forestry: an Evolving Discipline. Dovetail Partners Inc;
2. Burden, Dan. (2006) Urban Street Trees: 22 Benefits and Specific Applications. Glatting Jackson and Walkable Communities, Inc;
3. Clark, James (1997). “A Model of Urban Forest Sustainability.” Journal Of Arborculture: p17-30;
4. ICLE (2006) Local Governance for Sustainability, Urban Forestry Toolkit for Local Governments;
5. Jorgensen E (1970) Urban forestry in Canada. In: Proceedings of the 46th International Shade Tree Conference. University of Toronto, Faculty of Forestry, Shade Tree Research Laboratory, Toronto, pp 43a–51a;
6. Konijnendijk,Cecil, C., Nilsson Kjell, and B. Randrup Thomas. (2005) “Urban Forests and Trees: A Reference Book”;
7. LiZhengSheng (2005)
8. Louks, Pamela (2009) The Urban Forest and Community Sustainability.” American Forest. Web. February 2012;
9. Nowak, David (2005) and Gordon Heisler. “Trees in the City: Measuring and Valuing the Urban Forest.” Northeastern Research Station FSRN;
10. Ostrom, Elinor (1990) Governing the Commons. 18th. New York: Cambridge University Press, 280. Print;
Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC
Tin tức khác