Thời gian 03/12/2024 11:39 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Bác Hồ và tình yêu thiên nhiên

Qua những đợt sinh hoạt, nghiên cứu để thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", được đọc, tham khảo thêm một số bài hồi ký, bút ký, mẩu chuyện viết về Bác của một số nhà văn, nhà báo và các đồng chí đã từng sống, làm việc cùng Bác, cho thấy ngoài những phẩm chất đạo đức cao quý của Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta thế hệ này nối tiếp thế hệ khác học tập như: Lòng yêu nước thương dân, đức tính Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công - Vô tư... Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn luôn quan tâm tới sinh vật cảnh (SVC), Người coi đây là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống.Vì vậy, lúc sinh thời, mặc dù bận trăm công nghìn việc "đại sự quốc gia" nhưng Người vẫn dành thời gian gieo trồng, uốn sửa, tạo dáng cho cây, hoa làm đẹp thêm cuộc sống.

Sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, năm 1941, những ngày đầu về nước chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Bác sống ở hang Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Trước cảnh Pắc Bó non xanh suối biếc, Bác cảm hứng đặt tên cho suối là suối Lê-nin, núi là núi Các-Mác, những cái tên đầy ý nghĩa với phong trào cách mạng khi đó. Trong những ngày làm việc ở đây, mặc dù công việc bộn bề nhưng Bác vẫn tranh thủ thời gian lúc thư giãn kiên trì, tỉ mỉ tạo ra những tác phẩm SVC khá tinh tế, hấp dẫn. Một hình ảnh rất thú vị là khi ở lán Khuổi Nậm, bên khe suối, già Thu (bí danh của Bác thời đó) đã đào một cái hố con rồi lấy nhũ đá xếp thành hòn non bộ có đủ hang động đèo khe, vách đá cheo leo, có cả rêu xanh, cây cỏ. Người còn lấy cả những cây sậy kết thành chiếc cầu nhỏ có tay vịn để bắc từ bờ hồ ra chân núi tạo nên cảnh "Sơn thủy hữu tình".

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, khi ở chiến khu Việt Bắc, Bác vẫn nuôi chim làm cảnh nhưng là chim bồ câu, biểu tượng của khát vọng hòa bình.

Kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, Bác về Thủ đô Hà Nội nhưng Bác không ở trong tòa nhà Phủ Toàn quền Đông Dương cũ, nay đã trở thành Phủ Chủ tịch mà chọn ngôi nhà ngói đơn sơ gần đó để sống và làm việc. Tại đây Bác cùng cán bộ và chiến sĩ bảo vệ cuốc đất trồng cây, rau mầu, hoa cảnh. Khi ngôi nhà sàn bên ao cá được xây dựng, hình ảnh Bác với mái tóc và chòm râu bạc phơ, như một ông tiên bên hồ nước chiều chiều cho cá ăn đã trở nên quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ làm việc trong khu vực Phủ Chủ tịch. Rồi mọi người lại truyền nhau chuyện về cây đa trong vườn Bác, có một cành do Người kỳ công vít dần dần cho nó cắm xuống đất để ra rễ tạo thành một gốc phụ giúp cho gốc chính thêm tươi tốt, bền vững. Người đã đặt tên cho cây đa đó là “cây đa kiên trì”. Và cũng chính nhờ ở tính kiên trì mà Bác đã luyện cho đàn cá dưới ao thành thói quen đến mức hễ nghe tiếng vỗ tay là chúng đã nổi lên châu đầu bên bậc cầu ao chờ Bác cho ăn.

Vào thăm vườn Bác, ta thấy nào là khế, bưởi..., nào là xoài, táo, hồng... Đặc biệt là cây vú sữa do đồng bào từ mũi Cà Mau gửi tặng. Bác yêu quý cây vú sữa như yêu chính bản thân mình. Mỗi độ đông về trên đất Bắc, trời rét là Bác lại tự lấy rơm bó vào vòng quanh gốc cây để giữ ẩm và ấm cho cây. Mong cho cây chóng lớn, phát triển.

Vào cuối những năm 1950, Bác đã đề xướng "Tết trồng cây". Đặc biệt trong thơ mừng Xuân 1962, Bác viết: "Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân".

Trong một bài báo với bút danh Trần Lực, Bác nêu gương những điển hình trồng cây gây rừng ở các địa phương. Người còn khuyến khích trồng cây cảnh để làm đẹp cho gia đình, đất nước.

Bình sinh, Bác rất thích hoa nhài (hoa lài) và hoa dạ hương. Hàng ngày, mỗi buổi sáng sớm, sau khi tập dưỡng sinh xong, bác lại hái mấy cành hoa nhài cắm vào bình để tận hưởng mùi hương tinh khiết của loài hoa đồng nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: "Bác luôn sống gần gũi với thiên nhiên, mỗi khi tìm đến chỗ ở, Bác thường ưng những nơi có sông, có núi. Khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, Bác nói: "Khi nào đất nước hòa bình, độc lập thống nhất, riêng phần tôi sẽ làm một mái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng rau".

Trong vườn Bác, ngoài các loại cây ăn trái, Bác còn chăm sóc các giò phong lan. Các chiến sĩ ở chiến trường ra được Bác dẫn đi xem và Bác ngắt những nhánh lan đẹp tặng các cháu gái có nhiều thành tích. Có một cây hoa lan Bác trồng trong dịp tiếp nữ phi công vũ trụ Liên Xô Terescova sang thăm Việt Nam, Bác đặt tên là “cây lan vũ trụ”.

Yêu thiên nhiên, yêu vườn cây, ao cá, hoa lá, chim muông... luôn thích hòa mình với thiên nhiên, nếp sống thanh cao giản dị của Bác, là một điều đáng để cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những người làm SVC noi gương học tập.
 

Sưu tầm & biên tập : Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng