Một gợi mở lãng mạn của kẻ không có chút kiến thức lâm nghiệp, cũng không phải là một người “gốc” Hà Nội, nhưng lại có thừa tình yêu đối với Hà Nội!
Từ nhiều năm nay tôi nghe nhiều người, cả thông tin đọc trên báo chí truyền thông đã xếp đường Văn Cao vào hàng những con đường đẹp nhất thủ đô. Thậm chí một số bạn bè văn chương, báo chí của tôi trong lúc trà dư tửu hậu ngay bên hè đường Văn Cao đã chẳng ngại ngùng khi khẳng định một câu xanh rờn: - Đẹp và mát nhất Hà Nội chứ không thể nói “vào hàng vào hiếc” gì nữa!
Đường Văn Cao được khai mở mặt bằng vào cuối năm 2002, sau đó tiến hành thi công và khánh thành đưa vào sử dụng cùng với Cung Văn hóa thể thao Quần Ngựa ít ngày trước khi diễn ra Lễ khai mạc Sea Games 22 - tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam (tháng 12/2003). Lúc đầu đường có tên gọi là đường Liễu Giai kéo dài, gần 2 năm sau, vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ tài ba, tác giả của bài Tiến quân ca bất hủ Văn Cao (năm 2005), thành phố Hà Nội chính thức đặt tên, gắn biển là đường Văn Cao.
Đường Văn Cao không mấy dài, chỉ 540 m, nhưng lại rộng tới 50m với hai làn ô tô nối đường Liễu Giai - Đội Cấn chạy đến sát mép Hồ Tây. Giữa 2 làn đường có dải phân cách khá rộng trồng cỏ và mấy loại cây trang trí xanh mướt mát quanh năm.
Đường Văn Cao với hàng cây bằng lăng.
Nhà tôi ở trong một con ngõ của đường này, nên rất nhớ. Sau Sea Games một thời gian ngắn, khoảng gần giữa năm 2004 người ta tiến hành trồng dọc hai bên đường Văn Cao những cây bằng lăng con, thân tròn cỡ cổ tay, cao trên dưới 1 mét. Lúc đầu, cũng chẳng mấy ai biết đó là cây gì? Hỏi, người nọ nói với người kia mới biết là bằng lăng. Thời đó ở Hà Nội mới có lác đác một số cây bằng lăng được trồng và nở hoa rất đẹp vào mùa hè ở vài tuyến phố như Thợ Nhuộm, cuối đường Kim Mã, đối diện với khu nhà ngoại giao đoàn.
Mới đó mà đã hơn 10 năm. 10 năm, cùng với những ngôi nhà, cửa hàng cửa hiệu được sửa sang và xây mới mọc lên… hàng bằng lăng dọc hai bên đường Văn Cao đã vổng cao 5 - 7 mét, nhiều cây 8-9 mét. Đặc điểm cây bằng lăng thân thẳng, cành nhiều tầng, tỏa đều ra xung quanh thành tán rộng và dày. Lá bằng lăng màu xanh đậm hình oval hoặc elip và dài chừng 8 -15 cm, rộng 4 - 7 cm.
Mùa hè, hai bên đường Văn Cao rợp bóng râm. Không chỉ có vậy, từ năm sáu năm trước (cũng là 5 - 6 năm sau khi trồng) cây bằng lăng đã ra lứa hoa đầu. Từ đó, hằng năm độ đầu và giữa tháng tư là thời kỳ cành bằng lăng mọc ra tua tủa những cành non tròn như chiếc đũa, dài chừng 25 – 30 cm. Cành non nhú đối xứng chi chít nụ, màu tím nhạt và nhỏ dần theo hình tháp đến đỉnh cành.
Nụ bằng bằng lăng lớn dần và lần lượt nở xòe vào tháng 5. Đứng nhìn từ xa thì mỗi cây bằng lăng lại như một chiếc “phất trần tím” khổng lồ quét lên trời xanh. Mỗi cây bằng lăng có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc phất trần hoa như thế huơ huơ dưới nắng, gió mùa hè. Thật bắt mắt và nhẹ lòng đối với những ai có dịp đi qua đây!
Đường Văn Cao được đánh giá vào hàng những con đường đẹp nhất, hay đẹp nhất Hà Nội bởi nó rộng, hai bên vỉa hè cũng rộng, thoáng. Và nữa, đây là con đường duy nhất ở Thủ đô - đến thời điểm này - có hai hàng cây bằng lăng rợp bóng mát, hoa nở tím cả tháng đầu hè. Đáng khen thay cho tổ chức hay cá nhân nào là “tác giả” của dự án trồng cây bằng lăng trên đường Văn Cao năm nào!
Những ngày tháng 5/2015 này, tự nhiên tôi lẩn quẩn bởi ý nghĩ: Sao Hà Nội không lấy đường Văn Cao là “mô hình” để rồi nhân rộng ra nhiều con đường bằng lăng tím khác?
Hãy bắt đầu bằng cây bằng lăng như đường Văn Cao. Sau mùa nở rộ, hoa bằng lăng đậu quả, tròn và to cỡ như quả vải với 6 -7 lớp múi, trong mỗi ngăn múi có hạt dẹt, dài tựa như hạt cam. Quả bằng lăng khô, nỏ và rụng về cội cùng với lá vào cuối năm khi mùa đông giá về.
Theo tìm hiểu của người viết bài này thì việc ươm hạt, gieo giống bằng lăng không mấy khó, việc tổ chức trồng cũng chẳng mấy tốn kém. Còn thời gian cây bằng lăng phát triển, cho bóng mát và làm đẹp cho đường phố, đô thị như thế nào thì đã rõ rồi.
Cũng cần nói thêm, qua các tài liệu kỹ thuật, tuổi thọ của cây bằng lăng tương đối dài và phát triển cao nhất chỉ chừng 10 -15 m, đường kính thân cây tối đa cũng chỉ 20 - 25 cm. Như vậy, cây bằng lăng không mấy nguy hiểm, nếu bị đổ. Thực tế nhiều mùa mưa bão đã đi qua, người dân dọc hai bên đường Văn Cao chưa hề chứng kiến cây bằng lăng nào đổ và gây tai nạn chết người và với xe cộ lưu thông qua lại!
Sắc tím hoa bằng lăng.
Có thể nói, cây bằng lăng hội đủ nhiều ưu điểm. Nếu Hà Nội trồng, biết đâu đấy, mươi mười lăm năm sau thủ đô sẽ có nhiều con đường bằng lăng nữa? Biết đâu đấy, khi đó Hà Nội sẽ có thêm một cái tên - Thành phố hoa bằng lăng tím - Như người ta đã gọi Hải Phòng là Thành phố hoa phượng đỏ!
Cuối cùng, biết đâu đấy khi đó Hà Nội lại đem đến cảm xúc để xuất hiện thêm những lời thơ, dòng nhạc về những con đường, hoa bằng lăng tím lay động lòng người tựa như: “…cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng” hay “…Xanh xanh liễu rủ mặt Hồ Gươm. Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng” (Hà Nội đêm trở gió – Lời Chu Lai, nhạc Trọng Đài). Chúng ta đều biết, hiện cành me, cây sấu đã trở thành của hiếm ở Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội cần có thêm nhiều cây xanh rợp bóng mát và những con đường hoa đẹp - Một ý tưởng, hay ít ra là một gợi mở lãng mạn của kẻ không có chút kiến thức về nông, lâm nghiệp cũng như môi trường, đô thị… và, cũng không phải là một người “gốc” Hà Nội, nhưng lại có thừa tình yêu đối với Hà Nội!
Sưu tầm của nhà văn Bùi Đức Khiêm.
Tin tức khác