Quá trình đô thị hóa là một xu hướng khách quan, phản ánh sự phát triển của kinh tế - xã hội ở các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, làm cảnh quan thiên nhiên bị suy thoái. Việc thiết kế các vành đai xanh cho các khu đô thị, nông nghiệp ven đô là một giải pháp tối ưu để hạn chế những tiêu cực của quá trình đô thị hóa, nhằm xây dựng các đô thị phát triển xanh và bền vững.
Nông nghiệp đô thị là gì?
Nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong và ven đô thị, sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật và thực vật cảnh; dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị; tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị.
Nông nghiệp đô thị bao gồm: Nông nghiệp nội thị và nông nghiệp ngoại thị với các hoạt động chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản.
1. Nông nghiệp đô thị tại một số quốc gia trên Thế giới.
Từ cuối thế kỷ XX, nông nghiệp đô thị đã trở thành xu thế trong quá trình phát triển đô thị ở các quốc gia. Theo báo cáo hằng năm của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), năm 2008 “gần 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho đô thị trên thế giới là từ nông nghiệp đô thị, 25 – 75% số gia đình ở thành phố phát triển theo mô hình nông nghiệp đô thị” (Báo cáo của FAO: Tổng quan tình hình lương thực thế giới 2008.) Rất nhiều đô thị nổi tiếng trên thế giới phát triển mạnh về nông nghiệp đô thị. Ở Matxcơva (Nga) 65% gia đình có mô hình VAC đô thị, ở Dactxalam là 68%, Maputo 37%,… Tại Béclin (Đức), có 8 vạn mảnh vườn trồng rau ở đô thị; hàng vạn cư dân ở Niu Oóc (Hoa Kỳ) có vườn trồng rau trên sân thượng. Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu…, nông nghiệp đô thị, ven đô cung cấp tới 85% nhu cầu về rau xanh, 50% về thịt trứng của người dân. Theo Tổ chức Làm vườn quốc gia Hoa Kỳ, năm 2007, người dân Hoa Kỳ chi khoảng 1,4 tỷ USD cho việc trồng cây rau, quả tại nhà, tăng 25% so với năm 2006.
Một số quốc gia điển hình về phát triển nông nghiệp đô thị hiện nay. Tại Cu Ba phát triển mạnh mẽ nông nghiệp đô thị để cung ứng thực phẩm tươi sống tại chỗ cho cư dân đô thị, nhờ đó thủ đô Lahabana đã tự túc được đến 90% loại thực phẩm này. Năm 2008 có hơn 20 vạn thị dân Cu Ba làm việc trong ngành nông nghiệp đô thị sử dụng 140 km2 đất đô thị. Chương trình nông nghiệp đô thị của Cuba là một thành công ấn tượng. Các nông trại, trong đó nhiều nông trại nhỏ hiện là nguồn cung cấp phần lớn lượng rau cho Cuba. Các nông trại này cũng cung cấp khoảng 300.000 việc làm trên toàn Cuba với lương khá cao và làm thay đổi thói quen ăn uống ở một quốc gia vốn quen với chế độ ăn có gạo và đậu cùng các sản phẩm đóng hộp từ Đông Âu. Theo tổ chức FAO, ngày nay, người Cuba nạp vào cơ thể khoảng 3.547 calo/ngày – hơn cả lượng calo mà chính phủ Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ. GS Catherine Murphy, một nhà xã hội học đã có hàng chục năm nghiên cứu về các nông trại ở Lahabana nhận xét: “Đây là một mô hình thú vị nếu xét rằng Cuba là quốc gia có gần 80% dân số sống ở đô thị. Điều này chứng tỏ các thành phố có thể tự sản xuất lương thực mà vẫn đảm bảo các lợi ích xã hội và môi trường”. Tại Cai Rô (Ai Cập) đầu thập kỷ 1990, một nhóm giáo sư nông nghiệp Trường Đại học Ain Shams phát triển phương pháp trồng rau trên sân thượng tại khu vực đô thị đông dân, mới đầu với quy mô nhỏ nhưng rồi được mở rộng nhanh sau khi có hậu thuẫn chính thức của Tổ chức Lương Nông (FAO) vào năm 2001. Tại Mumbai (Ấn Độ) là một trong các thành phố có mật độ dân cao nhất thế giới, 48.215 người/km2. Trong bối cảnh thiếu đất, hiếm nước, đông người nghèo, Tiến sĩ Doshi đưa ra phương pháp làm vườn hữu cơ quy mô nhỏ trên ban công, thậm chí treo trên tường, trên cơ sở dùng bã mía trộn đất đựng trong túi nhựa hay trong các loại hộp, ống, lốp xe, để hộ dân có rau ăn tại gia và tăng thu nhập. Theo cách thức của ông, hộ gia đình có thể tự túc được 5kg rau quả mỗi ngày trong 300 ngày của năm. Ở Trung Quốc Nông nghiệp đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng thích nghi của các thành phố, giải quyết rất tốt các vấn đề do đô thị hóa quá nhanh gây ra cho các đô thị. Điều này sẽ được chứng minh qua ví dụ ở thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải.
2. Nông nghiệp đô thị tại Hà Nội và TP.HCM
Tại Hà Nội, từ lâu người dân đã trồng rau muống trên ao hồ kênh mương, nổi danh với húng Láng, rau Tây Tựu, đào Nhật Tân, cam Canh bưởi Diễn, cá rô Đầm Sét, tôm cá Hồ Tây,… Thủ đô là địa bàn vừa sản xuất, vừa gắn với thị trường tiêu thụ lớn và có nhiều đơn vị nghiên cứu của Trung ương về nông nghiệp nên có lợi thế hơn hẳn các tỉnh, thành khác trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Điển hình như mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc bưởi Diễn ở khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), Phương Đình (Đan Phượng) cho giá trị thu nhập đạt trên 150-200 triệu đồng/ha, mô hình trồng cam Canh ở Cao Viên (Thanh Oai) cho thu nhập 250-300 triệu đồng/ha, chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì, Gia Lâm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm… Hà Nội còn có các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều nhà máy chế biến thức ăn, các cơ sở sản xuất giống giải quyết đầu ra cho nông sản..
Hiện nay, nhiều hộ gia đình đang kinh doanh chim cảnh, cá cảnh, chó cảnh, cây cảnh rất có hiệu quả. Hà Nội mở rộng càng tạo điều kiện làm phong phú hơn nữa NNĐT. Tuy nhiên, do việc mở rộng thành phố và đô thị hóa, có hàng nghìn hộ nông dân ngoại thành có đất trong diện quy hoạch đang chưa tìm được việc làm thích hợp; vấn đề này cần phải xoá bỏ và NNĐT được xác định là công cụ thích hợp để làm việc này. Hà Nội đang khẩn trương rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn; xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản ổn định với hệ thống cơ sở thương mại đều khắp ở các vùng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hợp tác trực tiếp với nông dân, hợp tác xã sản xuất các loại nông sản chất lượng cao dần thay thế các sản phẩm nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa; nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân.
Tại TP.HCM, nông nghiệp đô thị đang dần hình thành và đã xác định được những cây con, ngành nghề dịch vụ chủ lực của nông nghiệp để đầu tư; trong đó, hoa lan là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả có tầm ảnh hưởng cả nước và trong khu vực.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, việc sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã đem lại giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống.
Cụ thể, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 400 triệu/ha/năm, cao gấp 2 lần bình quân chung; sản xuất hoa cao cấp đạt bình quân 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 1,6 lần bình quân chung.
Sở NN-PTNT TPHCM vừa tổ chức Tuần lễ Sinh vật cảnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cây kiểng, cá cảnh để kết nối giao thương, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị.
Với đô thị có nhu cầu rất lớn về hoa, cây kiểng, cá cảnh như TPHCM, ông Trương Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sinh vật cảnh TPHCM, cho biết đến nay TP đã có 2.500ha trồng hoa cây kiểng với giá trị mang lại 1.750 tỷ đồng/năm; đạt 400ha cá kiểng, tiêu thụ trong nước 1.500 tỷ đồng, xuất khẩu hơn 15 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, sinh vật cảnh thành phố mới đáp ứng được 30% nhu cầu, còn lại phải đưa về từ các tỉnh, thành khác và nhập khẩu khoảng 20 triệu USD/năm. Do đó, sinh vật cảnh rất có tiềm năng phát triển trong tái cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp đô thị.
3. Sự cần thiết của nông nghiệp đô thị đối với Việt Nam
- Vai trò của Nông nghiệp đô thị với chiến lược phát triển bền vững của các đô thị trong tiến trình đô thị hóa hiện nay. Bên cạnh những thành tựu về kinh tế-xã hội đáng ghi nhận của quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo của khu vực đô thị, góp phần nâng cao mức sống của một số bộ phận dân cư, thì đô thị hóa cũng làm nảy sinh nhiều nhiều vấn đề phức tạp cần sớm được giải quyết như: vấn đề di dân nông thôn ra thành thị; tình trạng thất học, thất nghiệp và phân hoá giàu nghèo; vấn đề nhà ở và quản lý trật tự an toàn xã hội ở đô thị; vấn đề hệ thống cơ sở hạ tầng quá tải và ô nhiễm môi trường; vấn đề an toàn về lương thực, thực phẩm, vấn đề cảnh quan đô thị…Một thực tế hiện nay của quá trình đô thị hóa ở nước ta là diễn ra trên diện rộng nhưng các yếu tố kinh tế đô thị làm động lực cho đô thị hóa thì còn nhiều khó khăn chỉ chú trọng đô thị hóa theo chiều rộng mà ít dựa vào động lực nội tại – chiều sâu. Đô thị hóa trong điều kiện nền tảng như vậy càng làm cho các khó khăn nội tại như trên của các đô thị thêm phần căng thẳng và khó khăn trong việc tìm ra các giải pháp khắc phục. Dựa trên những ưu thế nổi bật trong việc phân tích vai trò của nông nghiệp đô thị cùng với việc tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm nhiều đô thị trên thế giới cho thấy phát triển nông nghiệp đô thị thực sự là một động lực nội tại rất quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của các đô thị của Việt Nam hiện nay.
- Trong điều kiện quỹ đất đô thị và vùng ven bị hạn chế, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng sản lượng cây trồng vật nuôi là vấn đề mang tính tất yếu và cấp bách. Trong khi một bộ phận khá lớn nông dân ở khu vực nông thôn chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ khoa học và công nghệ, còn tổ chức sản xuất sản xuất nông nghiệp theo lối quảng canh, truyền thống thì nông nghiệp đô thị có rất nhiều thuận lợi trong việc vận dụng những dịch vụ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như cung cấp cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ an dưỡng,…
- Nông nghiệp đô thị góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường. Nông nghiệp đô thị có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới,…cho sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng việc làm giảm ô nhiễm môi trường. Chất thải đô thị đang thực sự tạo thành áp lực ngày càng tăng cùng với sự gia tăng dân số ở đô thị. Bằng công nghệ xử lý thích hợp, có thể tận dụng một phần nguồn chất thải đô thị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, an toàn và hiệu quả. Điều này thật sự có ý nghĩa trong việc cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nông nghiệp là ngành sản xuất yếu cầu một lượng nước rất lớn tuy nhiên với nông nghiệp đô thị bằng cách tái sử dụng nguồn nước thải nó có thể cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho các đô thị.
- Tại các đô thị, tình trạng đất đai bị bẩn hóa, suy thoái, thiếu màu mỡ cũng được quan tâm không kém so với việc ô nhiễm và thiếu nguồn nước. Phần lớn đất đai kém phì nhiêu, bị nhiễm bẩn do các hóa chất công nghiệp, do bị ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng…Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nông nghiệp đô thị là tái tạo chất dinh dưỡng cho đất thông qua tái sử dụng các chất thải hữu cơ từ các hoạt động của đô thị. Điều này vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường cho các đô thị vừa giảm các hóa chất khi đưa phân bón hóa học vào đất dễ gây ô nhiễm thêm lại vừa giảm được chi phí mua phân bón. Nông nghiệp đô thị được sản xuất tại chỗ ven các đô thị nên sau thu hoạch, chi phí đóng gói, vận chuyển và bảo quản bằng kho lạnh được bỏ qua nên góp phần giảm giá thành đến mức tối đa. Chất lượng các sản phẩm được đảm bảo an toàn đồng thời góp phần giảm lượng xe cộ trọng tải lớn vào ra các đô thị, giảm tai nạn và ô nhiễm đáng kể cho khu vực đô thị.
- Nông nghiệp đô thị góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Phát triển “đô thị sinh thái” hay “đô thị xanh” là những cụm từ đang trở nên phổ biến tại các diễn đàn về phát triển đô thị hiện nay. Mục tiêu hướng tới là quy hoạch và xây dựng các đô thị có môi trường và cảnh quan thân thiện với thiên nhiên, đảm bảo các tiêu chuẩn tốt cho sức khỏe cộng đồng. Đối với mục tiêu này trong tiến trình đô thị hóa và phát triển của các đô thị, phát triển nông nghiệp đô thị thực sự là một giải pháp hiệu quả nhất. Ngoài các ý nghĩa như trên, nông nghiệp đô thị sẽ tạo ra hệ thống cảnh quan, các vành đai xanh rất ý nghĩa cho các đô thị ( Cây xanh, công viên, mảng xanh trên các ban công, hay các vành đai xanh bao quanh ven đô… là những hình thức và sản phẩm của nông nghiệp đô thị). Sản xuất nông nghiệp đô thị môt mặt vừa đảm bảo các nhu cầu về dinh dưỡng, mặt khác nó cũng chính là một hình thức lao động, giải trí góp phần nâng cao thể lực, trí lực cho cư dân đô thị.
HP
Tin tức khác