Chi tiết về 5 tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam
Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết có 5 Tiêu chí Kiến trúc xanh Việt Nam gồm: Địa điểm bền vững; Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; Chất lượng môi trường trong nhà; Kiến trúc tiên tiến, bản sắc; Tính xã hội, nhân văn bền vững.
I. ĐỊA ĐIỂM BỀN VỮNG
Mục tiêu: Nhằm tạo lập cảnh quan hài hòa, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình kiến trúc với cảnh quan xung quanh và khai thác, phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trương sống của con người.
1.1. Địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch: (i).Nằm trong khu vực quy hoạch đã được duyệt, có diện tích đất để xây dựng phù hợp với chức năng công trình hiện tại và phát triển trong tương lai; (ii).Thuận tiện cho giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc; (iii).Tuân thủ các qui định về quản lý quy hoạch, về khu bảo vệ và các khoảng cách li đối với các công trình xây dựng tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và quản lý quy hoạch có liên quan.
1.2. Bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên: (i).Gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên: (a).Không ô nhiễm và không tác động gây ô nhiễm môi trường và công trình lân cận; (b).Ít can thiệp làm biến đổi địa hình, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; (ii).Trong quá trình xây dựng công trình phải có biện pháp giám sát những ô nhiễm do thi công gây ra và những ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh.
1.3. Phòng/chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu: Giải pháp quy hoạch, kiến trúc, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại của thiên tai (lũ lụt, sạt lở đất, bão, lốc…)
1.4. Hòa nhập với cảnh quan tự nhiên: Giải pháp không gian kiến trúc vừa thích ứng với cảnh quan thiên nhiên, vừa góp phần làm tăng giá trị cảnh quan thiên nhiên.
1.5. Phục hồi, nâng cấp môi trường cảnh quan: Giải pháp tổ chức cây xanh, mặt nước, tiểu cảnh, kiến trúc công trình và công nghệ được áp dụng nhằm phục hồi và cải thiện điều kiện vi khí hậu và nâng cao giá trị cảnh quan tự nhiên khu vực.
II. SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN, NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ
Mục tiêu: Nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng tài nguyên đất đai, nước, năng lượng, vật liệu… để phát triển kiến trúc.
2.1. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm đất đai trong xây dựng: (i).Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất xây dựng phù hợp với tính chất, yêu cầu sử dụng công trình, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực; (ii).Khai thác sử dụng đất hoang hóa, không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái. (iii). Có giải pháp phát triển không gian xanh; khai thác không gian ngầm, sử dụng hiệu quả quỹ đất cho công trình.
2.2. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: (i).Giải pháp quy hoạch, kiến trúc, lựa chọn vật liệu xây dựng, áp dụng công nghệ, trang thiết bị đảm bảo sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa năng lượng; tận dụng các nguồn năng lượng sẵn có tại khu vực, năng lượng tái sinh; phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành liên quan. (ii). Sử dụng các hệ thống kiểm soát cũng như hệ thống quản lý thích hợp hướng tới giảm thiểu việc sử dụng năng lượng của các hệ thống phục vụ công trình.
2.3. Khai thác, sử dụng hiệu quả không khí và ánh sáng tự nhiên: Giải pháp quy hoạch, kiến trúc, sử dụng vật liệu xây dựng, công nghệ, trang thiết bị đảm bảo sử dụng hiệu quả không khí và ánh sáng tự nhiên có lợi cho sức khỏe, giảm thiểu sử dụng điều hòa không khí và ánh sáng nhân tạo.
2.4. Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước: (i).Tiết kiệm nước sạch và tài nguyên nước, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành liên quan. (ii).Có biện pháp tiết kiệm nước, phòng chống rò rỉ hiệu quả. (iii).Thu, gom, xử lý và sử dụng lại nước thải, nước mưa. (iv).Đảm bảo an toàn nguồn nước, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường sống.
2.5. Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường: (i).Vật liệu sử dụng cho công trình bảo đảm không phát thải độc hại (phát xạ, hóa chất, thải hữu cơ…). (ii).Khuyến khích sử dụng vật liệu tại chỗ, không làm suy kiệt tài nguyên, có khả năng tái sử dụng.
2.6. Áp dụng công nghệ xanh: Áp dụng giải pháp kỹ thuật – công nghệ – trang thiết bị trong thiết kế, thi công, xây dựng công trình kiến trúc, khu đô thị bảo đảm giảm thiểu tiêu hao năng lượng, chi phí và ô nhiễm môi trường.
2.7. Quản lý hiệu quả trong xây dựng, khai thác sử dụng công trình kiến trúc, khu đô thị: (i).Giải pháp phân loại và xử lý phế thải, không gây ô nhiễm lần thứ hai. (ii).Giải pháp tái sử dụng, tái chế các phế liệu xây dựng và giảm thiểu lượng rác thải đổ đến các khu chôn lấp; tái chế phế thải phát sinh trong suốt quá trình sử dụng của công trình. (iii).Chế độ quản lý việc sử dụng năng lượng, nước, vật liệu bảo đảm yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả theo quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành liên quan. (iv).Giải pháp quản lý vận hành khai thác công trình kiến trúc, khu đô thị bảo đảm giảm lượng phát khí thải (CO2), phế thải thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.
III. CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG TRONG NHÀ
Mục tiêu: Tạo được môi trường trong nhà có chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiện nghi, sử dụng hiệu quả công trình.
3.1. Tổ chức không gian trong nhà: (i).Tổ chức không gian trong nhà, công trình phù hợp với nhu cầu sử dụng, tâm sinh lý con người, cộng đồng. (ii).Có không gian cho người tàn tật theo yêu cầu. (iii).Giải pháp về không gian kiến trúc đáp ứng nhu cầu giao tiếp cộng đồng.
3.2. Vỏ bao che: (i).Giải pháp bố cục không gian – hình khối, kết cấu, kiến trúc vỏ bao che đảm bảo yêu cầu phòng, chống, giảm thiểu tác động của các yếu tố môi trường tự nhiên, nhân tạo như: bức xạ nhiệt, ánh sáng, gió, mưa; yêu cầu cách nhiệt, che nắng, thông gió, độ phản xạ, chiếu sáng, chống ồn và các hiện tượng ngưng tụ ẩm hoặc phát tán độc chất. (ii).Việc sử dụng vật liệu vỏ bao che bảo đảm khai thác, tận dụng lợi thế của tự nhiên; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
3.3. Vật liệu nội thất: Việc sử dụng vật liệu nội thất như sơn, thạch cao, đồ gỗ, nhựa… bảo đảm không phát thải khí độc hại và tác động xấu đến sức khỏe, tâm sinh lý người sử dụng.
3.4. Chất lượng không khí trong nhà: (i). Không khí trong nhà, đáp ứng yêu cầu vệ sinh, sức khỏe cho người sử dụng, có chất lượng cao so với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. (ii). Thông gió tự nhiên: Khai thác hiệu quả các luồng gió tự nhiên có lợi, cung cấp không khí trong lành cho người sử dụng; Hạn chế luồng gió có hại đến sức khỏe của người sử dụng. (iii). Thông gió cơ khí: (a).Đảm bảo không khí, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió trong nhà, đáp ứng yêu cầu về tiện nghi và sức khỏe cho người sử dụng. (b).Giảm thiểu sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng cho làm mát và sưởi ấm không gian ở. (iv). Độ ô nhiễm, độc hại của không khí trong nhà thấp hơn tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
3.5. Tiếng ồn: Đảm bảo mức ồn trong nhà, khu đô thị thấp hơn giới hạn cho phép.
3.6. Chiếu sáng: (i).Đảm bảo độ rọi, chỉ số chiếu sáng, hiệu quả thị giác, và giảm thiểu năng lượng sử dụng.
(ii).Có giải pháp quản lý, kiểm soát chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, thuận tiện cho việc sử dụng.
IV. KIẾN TRÚC TIÊN TIẾN, BẢN SẮC
Mục tiêu: Nhằm hướng tới nền kiến trúc tiến bộ gắn với kế thừa các giá trị truyền thống, tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam.
4.1. Giải pháp quy hoạch, kiến trúc: Tương thích với nhu cầu sống, làm việc của con người trong xã hội phát triển, đồng thời giúp cho cộng đồng hướng tới các giá trị văn hóa của xã hội tương lại.
4.2.Bảo tồn, kế thừa và khai thác các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống, đặc trưng dân tộc, vùng, miền.
4.3. Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu; đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội.
V. TÍNH XÃ HỘI – NHÂN VĂN BỀN VỮNG
Mục tiêu: Phát triển kiến trúc phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ, nuôi dưỡng môi trường xã hội – nhân văn ổn định, bền vững.
5.1. Hòa nhập với môi trường nhân văn: Bảo đảm sự hòa nhập với yếu tố nhân văn như: truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nếp sống…
5.2. Đáp ứng các nhu cầu vật chất, văn hóa tinh thần của cá nhân, cộng đồng, dân tộc: Tôn trọng quyền, lợi ích hưởng thụ của cộng đồng dân cư, không tạo xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp lợi ích; bảo đảm sự hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật; tăng cường sự trợ giúp của xã hội đối với người nghèo.
5.3. Tôn trọng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa:.(i).Tôn trọng, gìn giữ, bảo tồn giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. (ii).Phát hiện di sản, đề xuất giải pháp giữ gìn và đưa di sản gắn bó với hoạt động kinh tế – xã hội của địa phương.
5.4. Môi trường – kinh tế – xã hội ổn định: (i).Đảm bảo hài hòa lợi ích cộng đồng dân cư sở tại, không gây tác động tiêu cực, góp phần tạo lập sự ổn định và phát triển bền vững về kinh tế – xã hội địa phương. (ii).Mô hình quản lý hiệu quả, tôn trọng, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng, khai thác sử dung công trình kiến trúc, khu đô thị.
Phương pháp đánh giá
Một công trình được công nhận đạt tiêu chí kiến trúc xanh phải được xét trên cả 5 tiêu chí kiến trúc do Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xướng.
Các tiêu chí được phân loại A, B, C (Tốt, Đạt, không đạt), trong đó: A (Tốt) – Đạt tốt các tiêu chí; B (Đạt) – Đạt các tiêu chí và C (không đạt).
Công trình kiến trúc được công nhận kiến trúc xanh khi đạt 70% tiêu chí loại A, không có tiêu chí loại C.
Theo HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT NAM
Tin tức khác