Thời gian 22/11/2024 11:54 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Bảo tồn di sản trong quá trình đô thị hóa: Quyết sách từ khâu quy hoạch

Quá trình đô thị hóa đang gây sức ép rất lớn cho việc bảo tồn di sản tại Hà Nội. Trên thực tế, lâu nay người ta quan tâm nhiều đến việc quy hoạch để phát triển hiện đại, chứ chưa thực sự chú ý đến những thứ cần bảo tồn nằm trên quy hoạch đó. Điều này phải khắc phục, nếu muốn Hà Nội thực sự phát huy được các giá trị nghìn năm văn hiến cho hiện tại và tương lai.

 

http://cdn.kinhtedothi.vn/524/2020/7/8/bao%20ton%20di%20san%20do%20thi%20hoa.jpg

Gợi ý phương án kết nối không gian Lễ hội Văn hóa lịch sử kết hợp mở rộng cây xanh, sinh hoạt cộng đồng từ Lăng Vân Sơn nằm trong khuôn viên dự án với Miếu Voi Phục trong làng.

Giá trị di tích làm nên hồn cốt vùng đất 

Giữa cánh đồng Dinh (làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) có một khu đất linh thiêng, dân làng cung kính gọi là Lăng Vân Sơn, tương truyền là mộ của tướng quân Văn Dĩ Thành. Vùng đất xưa được gọi là Tổng Cối Sơn, gọi chệch đi là Tổng Gối, Tân Hội là Gối trên, Tân Lập là Gối dưới (cùng huyện Đan Phương ngày nay). Xã Tân Hội nay gồm 4 làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long.

Nước Việt (khi ấy gọi là Đại Ngu) vào năm 1407, nhà Hồ bị nhà Minh đánh bại, chúng xâm chiếm nước ta. Tổng Gối thời ấy có tướng quân Văn Dĩ Thành tập hợp lực lượng, cùng Lê Ngộ nổi dậy chống quân Minh, ông đóng đại bản doanh ở gò Đống Đám, giữa cánh đồng Dinh của làng Thượng Hội, thường dùng sắc phục toàn một màu đen nên được gọi là "Quân Hắc Y". Văn Dĩ Thành là Nguyên súy Hắc Y Nhất Bộ. Ông đã anh dũng hy sinh cùng nhiều binh sĩ vào ngày 12/3/1416 trong trận chiến với quân Minh tại Đống Đám.

Thương tiếc vị tướng trí dũng song toàn, cả bốn làng thuộc Tổng Gối đã suy tôn ông làm Thành Hoàng làng và xây dựng miếu Voi Phục làm nơi thờ phụng (nay còn trong làng Thượng Hội) hiện lưu giữ 40 đạo sắc phong ban tặng từ Hậu Lê (1620) đến Hậu Nguyễn (1924). Hàng năm mở lễ hội vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, trong đó cứ 25 năm tổ chức một "Hội hát chèo tàu" kéo dài đến ngày 21 tháng Giêng, chọn một làng làm chủ lễ, ba làng khác kết hợp tổ chức. Sau thời gian dài bị ngắt quãng, hát chèo tàu bị mai một nhiều, xã Tân Hội đã thành lập câu lạc bộ hát chèo tàu để khôi phục loại hội hát có tính chất nghi lễ này. Miếu Voi Phục là nơi mà câu lạc bộ sinh hoạt và tập luyện.

Tương truyền, tại nơi ông về với đất trời, mối đã đùn cao che chở, dân làng cho là điềm thánh theo đó đã đắp mộ. Mộ được xây dựng năm Chính Hòa Thượng Giáp 1688. Vào năm 1940, mộ được xây dựng như ngày nay, tên trên ngai thờ là “Văn Dĩ Thành Sơn” nghĩa là công to như núi, thường gọi là Lăng Văn Sơn. Lăng xây hình bát giác tượng trưng cho các phép biến trong binh thư và kinh dịch.

Truyền thống anh dũng chống giặc xâm lăng tiếp nối đời này qua đời khác và cũng chính tại đây, sau 60 ngày đêm quyết chiến với giặc Pháp bảo vệ Hà Nội, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội sang Đông Anh. Sau đó, ngày 22/2/1947, Trung đoàn Thủ đô đã tập kết tại miếu Voi Phục và gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đây. Ngày 20/12/1998, nhân dịp xã Tân Hội được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Đại tướng đã về thăm lại miếu Voi Phục và trồng cây đa ở Lăng Vân Sơn. Với những giá trị lớn lao, Miếu Voi Phục và Lăng Văn Sơn được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 7/1997.

Bài học từ xứ Đoài lên phố

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Đan Phượng là một huyện của Hà Nội và sắp tới đây sẽ trở thành quận. Nhiều làng xóm đang cựa mình lên phố với sự xuất hiện của những dự án đô thị. Thậm chí, từ năm 2005 huyện Đan Phượng đã trong “tầm ngắm” của các dự án bất động sản. Khi Hà Tây đã vẽ đường Tây Thăng Long nối Khu đô thị Tây Hồ Tây tới Sơn Tây, hai bên đường là hàng trăm dự án bất động sản. Riêng kẻ Gối (xã Tân Hội, Tân Lập, huyện Đan Phượng) đã có hàng chục dự án có quy mô vài chục đến vài trăm hecta lấp kín đồng lúa chỉ để lại những ngôi làng, thị trấn hiện hữu như những ốc đảo dân cư truyền thống giữa biển dự án bao quanh.

Giờ đây, các đô thị đã hiện hình dọc theo trục đường 32 và từng đoạn đường Tây Thăng Long, đường Vành đai 4. Có nơi đông vui nhưng cũng rất nhiều dự án triển khai chậm chạp. Kinh doanh bất động sản không chỉ cung cấp sản phẩm nhà ở tiện nghi mà đi kèm theo nó là những tiện ích nhằm gia tăng chất lượng sống. Có dự án mở rộng cây xanh, mặt nước, có nơi đắp núi trồng hoa trên nền ruộng lúa… làm đủ mọi cách nhưng không dễ thu hút người mua nhà.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tiếp nhận dự án phát triển kinh tế, thương mại nhưng kết hợp giữ gìn và gia tăng giá trị văn hóa lịch sử bản địa, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng cư dân đô thị mới cũng như cư dân truyền thống. Câu trả lời có thể tìm thấy tại một dự án bất động sản được quy hoạch trên nền ruộng lúa và “ôm” trọn di tích Lăng Văn Sơn tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Khi thiết kế dự án, xây dựng nhà ở và các công trình thương mại bao quanh di tích lịch sử Lăng Vân Sơn và đầu tư trang trí xung quanh di tích một công viên cây xanh, vườn hoa công cộng. Cách làm này thể hiện tầm nhìn xa của những người trong cuộc.

Quy hoạch, phát triển các công trình hiện đại nhưng đồng thời vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị của di tích, giữ được hồn cốt văn hóa của vùng đất xứ Đoài. Tuy vậy, nếu dự án kết nối không gian lễ hội giữa Lăng Vân Sơn nằm trong khuôn viên dự án với Miếu Voi Phục trong làng, tạo nên cảnh quan lễ hội, vừa tổ chức các hoạt động lễ nghi văn hóa lịch sử, vừa mở rộng không gian kết nối cộng đồng thì mới là phương án bảo tồn di sản một cách toàn diện. Điều này góp phần làm gia tăng giá trị thương mại, du lịch của dự án.

KTDT

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng