Thời gian 22/11/2024 12:00 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Cây xanh trong kiến trúc – cái nhìn từ văn hóa và tinh thần của người Việt

Dân ta sáng tạo trong kiến trúc xanh đến vậy, nhưng các KTS lại ít để ý điều đó. Ngược lại, chúng ta hay bị “choáng” khi nhìn thấy những tác phẩm của KTS nước ngoài với vật liệu đẹp, cây đẹp. Sau đó, chúng ta lại cố gắng để được “đẹp” giống như họ. Nên chăng chúng ta hãy nghĩ về cái đẹp trong kiến trúc xanh của chính cha ông chúng ta.

http://redsvn.net/wp-content/uploads/2019/04/Nha-vuon.jpg

Hiện nay, dường như là kiến trúc xanh đang trở thành “mốt” ở Việt Nam. Các giải thưởng quốc gia và quốc tế mà các KTS ta đạt được đều bởi vì chúng tôn vinh cái “xanh”. Điều đó là tốt – Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa, các KTS ta đã tìm thấy một mảnh nhỏ “sân chơi” của mình trên bản đồ kiến trúc thế giới.

Nhưng chúng ta phải rất tỉnh táo để kiến trúc xanh không trở thành một trào lưu bề mặt, là thứ để các KTS đánh đổi các giá trị sâu thẳm khác của kiến trúc nhằm đạt được một giải thưởng nào đó. Liệu có nên quá chú trọng tới các giải pháp kỹ thuật và mong muốn đạt giải thưởng mà quên đi cái sơ khởi của nghệ thuật kiến trúc phải từ tâm hồn? Nếu không có tâm hồn, thì chúng ta phải gọi là các “công trình xây dựng xanh” chứ không phải là các “công trình kiến trúc xanh”. Phải nói thật, hiện phần lớn các công trình xanh hiện nay (không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới) là những “công trình xây dựng xanh”, dù cho nó có vẻ tạo hình bề ngoài khá tốt và đã đạt giải thưởng nào đấy. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận, vẫn luôn có những công trình kiến trúc xanh với chiều sâu triết lý và tâm hồn.

Việc dò tìm và xác định cái tâm hồn của các công trình kiến trúc xanh là không hề đơn giản, bởi trào lưu kiến trúc xanh ngày nay được phát triển trên cơ sở giải pháp kỹ thuật bên ngoài chứ không phải từ cái tinh thần mỹ học thiết yếu bên trong.

Thực ra, kiến trúc xanh từ lâu đã được thực hiện trên toàn thế giới và Việt Nam. Thế mới có vườn treo Babylon cổ đại, mới có các vườn thiền ở Nhật, mới có các đài phun nước ở châu Âu… Và chúng ta cũng chẳng lạ gì những câu tục ngữ của các cụ ngày trước như “trước trồng cau, sau trồng chuối”“nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn”“gió Nam, không nằm cũng ngáy”… Thú vị hơn, có những bộ phận thông gió tự nhiên của ngôi nhà mà các cụ nhà ta đặt cho cái tên rất bậy nhưng gần gũi với đời sống con người như “khu đĩ”, “l… mèo”…

Có vẻ như các giải pháp cho kiến trúc xanh ngày trước ở Việt Nam đã gắn chặt với lối sống, văn hóa, ngôn ngữ, tâm hồn của con người. Đó là thứ mà các công trình kiến trúc xanh ngày ngay chưa thể đạt tới, thậm chí là cả các công trình xanh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo ý kiến chủ quan của tác giả bài viết này, một trong những hướng tiếp cận khả dĩ nhất để xây dựng lý luận mỹ học kiến trúc xanh của Việt Nam là tiếp cận theo hướng hiện tượng học.

Hiện tượng học, mà đặc biệt là hiện tượng học của Heidegger, đã có ảnh hưởng lớn đến địa lý, xã hội học, đô thị học đương đại, và nó đang cho thấy ảnh hưởng ở những KTS hàng đầu hiện nay như Steven Holl và Peter Zumthor.

Heidegger cho rằng: Nơi chốn (place), hoặc chốn ở (dwelling) là nơi cho thấy sự tồn tại (being) của con người, cho cảm giác của một thực thể có sinh có diệt trên mặt đất (tức không phải là thánh thần trên bầu trời). Con người sống và ở theo cách họ giữ gìn bốn yếu tố mặt đất, bầu trời, con người, thánh thần trong một tồn tại chung. Và cách để một công trình xây dựng (building) trở thành một chốn ở (dwelling) thì nó phải đảm bảo sự hài hòa và thống nhất bốn yếu tố trên, nói cách khác là sự tồn tại đồng thời của con người với nơi chốn, không gian và tinh thần.

Khái niệm “nơi chốn” là một trong những hệ quả quan trọng của hiện tượng học trong đô thị và kiến trúc. Và chuyên đề “Nơi chốn trong tạo dựng công trình xanh” của Tạp chí Kiến trúc số này (đồng thời cũng là một hướng tiếp cận phù hợp đối với kiến trúc xanh Việt Nam) là rất đáng hoan nghênh. Ở trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tác giả xin được bàn một chút về tâm hồn của cây xanh trong cái tinh thần nơi chốn chung của công trình kiến trúc.

Từ xưa, người Việt Nam đã trân trọng, thậm chí tôn thờ cây xanh. Khắp các làng quê đều có cây đa, cây gạo ở đầu làng hoặc giữa làng để trấn yểm, bảo vệ cư dân trong làng. Ở mỗi cây cổ thụ như thế, người Việt cho rằng có một thần cây trú ngụ. Vì thế khắp các làng quê hay các thành thị nước ta, không khó để bắt gặp những bát hương được đặt trên thân cây cổ thụ như cây đa, đề, gạo, si… Chả thế mà tục ngữ có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. 

Ngày nay, các công trình giao thông hoặc dân dụng nào đó mà theo quy hoạch mà bị “dính” vào một cây cổ thụ thì người ta sẽ tránh mạo phạm đốn chặt “thần cây” đó. Ví dụ nằm sừng sững giữa phố Trấn Vũ ở Hà Nội là một cây đa với bàn thờ bát hương thoang thoảng và hoa tươi thờ cúng gần như 365 ngày trong năm. Hoặc trong dự án mở rộng nút giao ở dốc Bưởi, cây đa ở cổng làng Nghĩa Đô bị rơi vào quy hoạch đường Võ Chí Công, và người ta phải làm đường sao cho tránh cây đa đó. Đó không phải vì người ta muốn giữ một cây xanh tạo bóng mát mà bởi vì người ta sợ thần cây phạt. Nếu là các cây không thiêng khác như xà cừ, sưa, phượng vĩ… thì chắc chắn người ta sẽ chặt ngay.

Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới lại có cách hành xử tôn kính như vậy đối với cây cổ thụ khi tiến hành xây dựng các công trình như ở Việt Nam. Điều đó cho thấy sự cảm nhận tinh thần cây xanh của người Việt ở mức rất cao khi so với các dân tộc khác. Ai cho rằng đó chỉ là một tín ngưỡng cổ xưa của một nền văn hóa thấp thì đó là một sai lầm nghiêm trọng. Thật ra, đó là một phẩm chất quý giá của vô thức tập thể, cái mà nhà tâm lý học Carl Jung khao khát tìm lại cho con người hiện đại đang ngạo nghễ tư duy bằng ý thức.

Cây xanh, đối với người Việt còn là biểu tượng cho các giá trị hoặc vị thế của con người. Vì vậy, khi chủ nhà chọn trồng cây gì ở ao vườn là có ý gửi gắm lòng mình và cũng là để cái “ý” đó lan tỏa vào ngôi nhà của mình. Ví dụ như trúc là biểu tượng của tiết tháo vô tư; sen là biểu tượng cho trong sạch, thanh cao, như câu ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Cây và hoa, hơn thế, còn là biểu tượng cho phẩm chất của tất cả những con người đô thị nào đó, như khi nói về người Hà Nội thì ai cũng biết câu:

“Chẳng thơm cũng thể hòa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.”

Rồi một con người nào đó đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực nào đó thì được gọi là “đại thụ” (cây lớn). Ví dụ trong hội họa có các đại thụ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái; trong sử học có các đại thụ Lâm, Lê, Tấn, Vượng…

Cây và hoa, đối với người Việt còn là một thú chơi, chả thế mà tục ngữ có câu: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”. Trong sân vườn nhà người Việt phải có vài loại cây cảnh để trang trí, để thư thái ngắm nhìn, chăm chút hàng ngày.

Từ thời Lý, Trần, rồi Lê, ông cha ta đã có thú chơi cây cảnh. Trong các bài thơ trong Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi, chúng ta thấy rằng người Thăng Long xưa đã chuộng các cây như mai, lan, trúc, cúc, đào, mẫu đơn, thiên tuế, nhài, sen, hòe… Bản thân Nguyễn Trãi cũng thích chơi cây hoa trong vườn nhà mình ở Thăng Long, như bài thơ của bạn ông Nguyễn Mộng Tuân tả lại:

“Một dòng nước lạnh, nhà quan Tam quán
Bốn vách nghèo xơ, chỉ toàn sách vở
Trăng vẽ bóng mai lên trướng đỏ
Gió đưa hương sen vào song thưa”
(Trần Quốc Vượng dịch)

Đọc bài thơ trên chúng ta có thể cảm nhận thấy cái tâm hồn của cây xanh tác động như thế nào đến ngôi nhà và người chủ ngôi nhà. Dường như ở đó, con người, cây xanh và vũ trụ hòa làm một. Đó cũng chính là điều mà Heidegger mong mỏi khi nói về tinh thần của nơi chốn, về sự hòa hợp của con người với đất trời và siêu nhiên. Đi đến tận cùng thì triết lý của phương Đông và phương Tây rồi sẽ gặp nhau ở đâu đó.

Một điều thú vị nữa là kiến trúc xanh của người Việt còn gắn với kinh tế. Người Việt trồng cây ngoài tạo bóng mát hay ngửi hương thơm còn có thể dùng để ăn, uống, chữa bệnh và mang ra chợ bán. Giàn thiên lý, giàn mướp, hàng chè xanh, cây vối, cây mít, cây nhãn, cây quất, cây bưởi… được trồng khắp các vườn cũng là vì lý do thực dụng như vậy. Trong dân gian có câu: “Nhất canh trì, nhì canh viên, ba canh điền”, ý chỉ rằng làm kinh tế ở ao vườn nhà mình còn hơn ở ngoài đồng.

Và chúng ta cũng có thể thấy cách trồng cây xanh kết hợp là thực phẩm ở trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” nổi tiếng của cụ Nguyễn Khuyến:

“Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa…”

Ngày nay, rất nhiều gia đình ở thành phố vẫn còn lưu giữ văn hóa trồng rau ở nông thôn xưa bằng cách trồng những hộp rau sạch trên sân thượng hoặc ngoài ban công, vừa làm mát nhà, vừa có rau sạch ăn.

Có thể nói, trong văn hóa và tinh thần người Việt, cây xanh trong kiến trúc không chỉ là giải pháp cải thiện vi khí hậu cho ngôi nhà, mà còn là thú chơi, là cách làm kinh tế, là phương thức để con người hòa nhập với tinh thần siêu nhiên, là phương tiện thể hiện khí chất và vị thế của mình…

Dân ta sáng tạo trong kiến trúc xanh đến vậy, nhưng các KTS lại ít để ý điều đó. Ngược lại, chúng ta hay bị “choáng” khi nhìn thấy những tác phẩm của KTS nước ngoài với vật liệu đẹp, cây đẹp. Sau đó, chúng ta lại cố gắng để được “đẹp” giống như họ. Nên chăng chúng ta hãy nghĩ về cái đẹp trong kiến trúc xanh của chính cha ông chúng ta.

Theo KTS VŨ HIỆP / TẠP CHÍ KIẾN TRÚC

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng