Ảnh: sưu tầm
Cần hiểu rõ một số khái niệm
Quan niệm về một thành phố "hiện đại" nghĩa là không sao chép, không lặp lại hình ảnh đô thị khác một cách thiếu chọn lọc. Hạn chế tối đa sự "phân cách không gian" và "phân cực xã hội", hướng tới sự ra đời của một cộng đồng đô thị hiện đại, hoà hợp với thành phố hiện hữu, cởi mở, về xã hội và có bản sắc. "Bản sắc đô thị" phải thể hiện sự tương đồng của thành phố tương lai với quá khứ, hiện tại; gắn kết với đô thị hiện hữu mang đến sự cảm nhận tốt cho cư dân đô thị về tính thân thiện và sự tự hào cần thiết; thể hiện được dấu ấn đô thị, tạo nên những công trình, những khu phố, những trục đường mang tính biểu tượng và những không gian thiên nhiên đặc trưng của Thành phố.
Phát triển đô thị "hiện đại" ngày nay không còn đi theo khuynh hướng duy nhất là khai thác triệt để những diện tích đất khu “vàng” trung tâm bằng cách xây dựng những toà nhà chọc trời vì lợi ích kinh tế mà phải tạo một môi trường đô thị bền vững, có bản sắc riêng, mang đến chất lượng sống tốt cho con người. Chức năng của các khu đô thị phải tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động kinh tế tri thức mà trong đó hoạt động giao tiếp thông tin đóng vai trò rất lớn. Do đó, tổ chức không gian kiến trúc đô thị phải đảm bảo cân bằng giữa khai thác kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái vì một sự phát triển bền vững.
Môi trường đô thị bền vững đồng nghĩa với môi trường sinh thái đa dạng, gần gũi với con người, với thiên nhiên, cung cấp cho con người nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp với thiên nhiên. Đô thị phải có những không gian xanh và thiên nhiên với bản sắc riêng của nó trong "khoảng cách rất gần" với con người, làm giảm căng thẳng bởi những công trình bê tông cốt thép ngày càng lấn át không gian hạn hữu đô thị.
Nhìn nhận về quản lý kiến trúc đô thị
Trước hết cần nhìn kiến trúc đô thị dưới dạng tổng thể, quản lý kiến trúc từ công trình đơn lẻ đến tổng thể kiến trúc đô thị
Sự “nóng vội” do tác động của quá trình đô thị hóa nhằm giải quyết nhanh những vấn đề có liên quan đến xã hội buộc chúng ta quá chú trọng đến việc phát triển quỹ đất ở, công trình dịch vụ xã hội, kỹ thuật hạ tầng... đáp ứng kịp thời những nhu cầu cần thiết trước mắt cho người dân. Có lẽ cũng bởi vậy mà chúng ta chưa có thời gian để “làm đẹp” cho đô thị. Chính vì thế, chúng ta đều nhận thấy đô thị còn thiếu trật tự, ngăn nắp, thiếu hài hòa và nhất là thiếu sự đồng bộ. Cái đẹp của đô thị không chỉ biểu hiện ở một công trình kiến trúc đơn lẻ, nói chính xác hơn, một vài công trình kiến trúc đẹp không thể làm nên một tổng thể đô thị đẹp. Bởi, một công trình kiến trúc có thể được coi là đẹp nhưng xây dựng không đúng chỗ, hoặc chúng được xây dựng theo kiểu “nhân bản vô tính” trên một tuyến phố cũng chỉ mang lại sự đơn điệu, nhàm chán. Đây cũng là bài học trong thời gian qua, mặc dù thành phố có nhiều công trình đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia, nhiều dự án được công nhận là khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, nhưng khi gộp tất cả chúng lại với nhau thì tổng thể là một bức tranh đô thị manh mún, diện mạo kiến trúc đô thị lại có “vấn đề”. Do đó, kiến trúc đô thị hay cụ thể hơn là quản lý kiến trúc đô thị, trước hết phải được nhìn dưới góc độ tổng thể bởi vì bản chất của quản lý kiến trúc đô thị chính là tổ chức và quản lý chất lượng không gian đô thị. Do đó, về mặt lý luận hay thực tiễn, quản lý kiến trúc đô thị không thể không xem xét kiến trúc đô thị dưới dạng tổng thể. Có như vậy đô thị mới là một chỉnh thể, không bị khu biệt bởi những công trình kiến trúc đơn lẻ và chất lượng không gian đô thị mới đạt được theo mong muốn của các nhà thiết kế quy hoạch và quản lý kiến trúc đô thị. Kiến trúc đô thị được hình thành từ các công trình kiến trúc hoặc quần thể công trình kiến trúc. Chúng được kết nối với nhau bởi các tuyến đường, các hành lang lưu thông, các quảng trường, các vườn hoa, công viên… tạo thành nhiều dãy phố, nhóm nhà ở, khu chức năng đô thị. Lẽ đương nhiên một công trình kiến trúc đơn lẻ không tạo nên tổng thể đô thị, nhưng đôi khi nó lại làm ảnh hưởng đến diện mạo chung của bộ mặt kiến trúc đô thị. Do đó, việc quản lý kiến trúc đô thị nhất thiết phải quan tâm cả đến từng công trình cụ thể và là công việc hàng ngày của mọi người dân và của các cấp quản lý.
Hai là, quản lý kiến trúc đô thị cần gắn với thiết kế đô thị (TKĐT)
Trong quy trình trước đây, đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị, ngoài việc nghiên cứu định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất…còn nghiên cứu quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, ở khía cạnh kiến trúc cảnh quan đô thị, phần lớn ở các đồ án quy hoạch vẫn chưa được nghiên cứu sâu và vì thế khó trở thành công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý kiến trúc đô thị sau này. Thực tế, những năm gần đây đã xuất hiện sự tranh luận về một loại công việc trong Quy trình lập quy hoạch xây dựng đô thị (Urban Planning) có liên quan đến chất lượng không gian đô thị nói chung, đến quản lý kiến trúc đô thị nói riêng. Đó là “Thiết kế đô thị” (Urban Design), một lĩnh vực không mới nhưng còn khá hạn chế trong quy trình quy hoạch xây dựng đô thị hiện nay của chúng ta.
Về mặt lý luận, đối tượng nghiên cứu của thiết kế đô thị (TKĐT) là hình thức, tiện ích, thẩm mỹ trong môi trường đô thị - môi trường gắn kết các yếu tố tự nhiên và nhân tạo trong một trật tự nhất định. Đó cũng chính là sự sáng tạo trật tự không gian hoặc sự mở rộng của thiết kế kiến trúc trong một không gian 3 chiều và một “không gian ảo” có ý thức trong cảm nhận của con người gắn với cuộc sống tâm linh. “Không gian ảo” ấy chính là sự hoàn thiện của kiến trúc đô thị trong tương lai được tạo dựng bởi “chiều thứ tư”: thời gian (của không gian bốn chiều)…để tạo nên hình ảnh, tạo nên dấu ấn
Về mặt thực tiễn, trong tư duy quản lý ngành, thời gian qua chúng ta đã nhận rõ: Bản chất của quản lý kiến trúc đô thị chính là việc quản lý chất lượng không gian đô thị. Chính vì thế TKĐT đã được cụ thể hóa một số điều của Luật Xây dựng, như: “Trong quy hoạch chung xây dựng đô thị, TKĐT phải quy định và thể hiện được không gian kiến trúc công trình, cảnh quan của từng khu phố, của toàn bộ đô thị, xác định được giới hạn chiều cao công trình của từng khu vực và của toàn bộ đô thị…”
“Nghiên cứu các vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị; đề xuất tổ chức không gian cho các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các tuyến phố chính, các trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn trong đô thị; Nghiên cứu xác định tầng cao tối đa, tầng cao tối thiểu của công trình xây dựng thuộc các khu chức năng và toàn đô thị.”
“Nghiên cứu, xác định các công trình điểm nhấn trong không gian khu vực quy hoạch theo các hướng, tầm nhìn khác nhau; tầng cao xây dựng công trình cho từng lô đất và cho toàn khu vực; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố và các ngõ phố; Nghiên cứu hình khối, màu sắc, ánh sáng, hình thức kiến trúc chủ đạo của công trình kiến trúc; hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, xác định cốt đường, cốt vỉa hè, cốt nền công trình, chiều cao khống chế công trình trên từng tuyến phố…”
Như vậy, TKĐT là một trong những công cụ để quản lý kiến trúc đô thị hữu hiệu (vì đây là cơ sở để xây dựng Quy chế quản lý đô thị).
Ba là, quản lý kiến trúc đô thị cần cụ thể hóa bằng “Quy chế đô thị”
Việc ban hành một quy chế để có thể điều hòa mọi hoạt động liên quan đến đầu tư, xây dựng và quản lý đô thị đã được nhiều thành phố vận dụng, tiêu biểu có thể nhắc đến “Quy chế đô thị Sapa-2004” (Ban hành kèm theo quyết định Số 60 /QĐ-UB ngày 8 tháng 9 năm 2004 của UBND Tỉnh Lào cai Về việc ban hành Quy chế đô thị Sa Pa – 2004). Chính quyền đã khai thác quy chế này như một công cụ đắc lực, vừa khoa học, vừa mang tính định hướng chung nhưng cũng rất cụ thể, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ có tính hệ thống nhằm nâng cao chất lượng đô thị và thẩm mỹ kiến trúc, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, nhà đầu tư chung tay kiến thiết đô thị theo mục tiêu và chiến lược đã được hoạch định. Tuy thực tế xây dựng đô thị Sapa diễn ra không được như mong muốn do nhiều nguyên nhân, nhưng cá nhân tôi đánh giá rất cao tính khoa học và tiên phong của bộ quy chế này.
Từ bài học kinh nghiệm có thể đúc kết một số yêu cầu mà một quy chế đô thị về cơ bản cần phải đáp ứng, đó là:
Quy định về bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc, khu danh lam thắng cảnh, khu di sản văn hóa, khu di tích lịch sử - văn hóa trong đô thị;
Quy định về phạm vi bảo vệ hành lang an toàn các công trình hạ tầng kĩ thuật của đô thị và các biện pháp bảo vệ môi trường;
Quy định chỉ giới đường đỏ của các tuyến phố chính, cốt xây dựng khống chế của đô thị, các khu vực cấm xây dựng;
Quy định các chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao tối đa, tối thiểu của công trình trong các khu chức năng đô thị;
Quy định về vị trí, quy mô và phạm vi, hành lang bảo vệ đối với các công trình xây dựng ngầm, trên mặt đất và trên cao;
Quy định hình khối kiến trúc, mặt đứng, mái, mái hiên, ô văng, ban công của các công trình; quy định màu sắc, ánh sáng, vật liệu xây dựng công trình; các quy định về công trình tiện ích đô thị, tượng đài, tranh hoành tráng, biển quảng cáo, các bảng chỉ dẫn, bảng kí hiệu, cây xanh, sân vườn, hàng rào, lối đi cho người khuyết tật…
Tóm lại, một không gian kiến trúc hiện đại luôn song hành với sự hài hoà giữa thẩm mỹ và tính tiện ích đô thị. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nghệ thuật sắp đặt không gian và kết cấu xã hội được hoạch định từ các nhà quản lý đô thị, thực thi từ nhận thức của mọi người dân và trải qua nhiều thời kỳ phát triển của thành phố. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi mà hoạt động xây dựng diễn ra rầm rộ, khát vọng vươn tới một thành phố đáng sống, hiện đại, văn minh đặt ra cho chúng ta trọng trách trong quản lý kiến trúc đô thị, cần lắm sự thận trọng và những giải pháp mang tính khoa học, chặt chẽ và đồng bộ.
* Tài liệu tham khảo:
1. Kim Quảng Quân (2000), Thiết Kế Đô Thị, NXB Xây dựng.
2. Kenvin Lynch (1965), The Image of the City, The MIT Press. Printed in the Unites States of America.
3. Peter Hall (1990), Cities of Tomorrow, Berkeley and London .
Tin tức khác