“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.”
(“Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm)
Nhắc đến tranh dân gian Việt Nam, không thể không nhắc đến dòng tranh Đông Hồ, dòng tranh của thôn quê và xóm làng, dòng tranh của dân gian ngàn người vô danh, nhưng cũng vì thế mà sống mãi trong lòng dân tộc. Tranh Đông Hồ là tranh của trăm nhà vạn người, là tranh của tập thể người dân, là tranh của làng quê thôn xóm, ngay từ chủ đề, bước vẽ mẫu tranh, cho tới bước chuẩn bị giấy điệp, cho tới bước in tranh, hay những lời đề trên tranh, tất cả đều nói lên tính cộng đồng của dòng tranh này.
Về chủ đề của tranh, tranh Đông Hồ rất đa dạng phong phú, từ những cảnh sinh hoạt đời sống nhân dân như “Hứng dừa”, “Đấu vật”, cho đến những bức tranh về ước mơ, khát vọng của người dân như “Lợn đàn”, “Gà đàn”… Do đề tài gần gũi với người dân, nên tranh Đông Hồ đã sớm được họ đón nhận và tiếp tục trường tồn trong đời sống văn hoá. Tranh Đông Hồ được rất nhiều người dân trước đây ưa thích, đặc biệt thường được mua về để treo làm tranh Tết.
Về bước vẽ mẫu tranh, tranh mẫu của tranh Đông Hồ thường do các nghệ nhân (thường là các nhà nho trong làng) sáng tác, rồi sau đó treo lên trong nhà để mọi người trong làng tới góp ý. Sáng tác mẫu tranh tuy không thể coi là một công việc mang tính tập thể, là thành quả của tất cả mọi người, nhưng ngay từ chính công đoạn này, tranh Đông Hồ cũng đã thể hiện được “tính mở” và sự liên kết gắn bó trong cộng đồng làng xóm, những người sẽ tham gia vào các công đoạn tiếp theo của quá trình làm tranh.
Về chất liệu giấy, có thể nói giấy điệp chính là tinh hoa của tranh Đông Hồ. Kích thước tấm giấy thường không lớn, chủ yếu để dán vào vách tường, chính vì vậy còn được gọi là tranh “lá mít” (độ to nhỏ tương tự như lá mít). Để làm nên một tấm giấy điệp, cần đến sự góp công góp sức của rất nhiều người dân làng nghề ở khắp các nơi. Trong sách “Người nông dân Châu thổ Bắc Kỳ” của Pierre Gourou (1936) (bản dịch của NXB trẻ, 2015) có chép:
“Làng Đạo Tú (Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) làm giấy điệp, nhưng phải mua giấy ở nơi khác, và thợ thủ công của làng, sau khi phết lên mặt giấy một lớp xà cừ, lại đem bán giấy này cho thương nhân Hà Nội để những người này hoàn thành khâu cuối cùng bằng cách phủ lên giấy một lớp dầu bóng nào đó; đây là một trường hợp điển hình đặc biệt: giấy được chế tạo ở một điểm, được phết lớp xà cừ ở điểm thứ hai, được đánh bóng và hoàn thiện ở điểm thứ ba, sau đó giấy đã sẵn sàng để cho người thợ thứ tư sử dụng. Lại còn điển hình hơn nữa là làng láng giềng của Trưởng Xá (Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng làm giấy điệp, nhưng không làm bột xà cừ và bột gạo cần thiết cho việc làm giấy điệp, mà phải đi mua các thứ bột ấy ở Đạo Tú”.
Đúng vậy, điệp được sử dụng để làm giấy điệp không phải là vỏ điệp bình thường mà là điệp đã mục rữa (thường là điệp hóa thạch, còn gọi là “quặng điệp”) ở Hạ Long hoặc các làng ven biến khác, sau đó nhặt tạp chất, rửa sạch phơi khô, giã nhỏ lọc lấy bột mịn, khi dùng phải quấy tan bột điệp vào hồ nước và trộn thêm một lượng hồ nếp theo tỷ lệ, sau đó mới có được dung dịch điệp để quết lên giấy dó. Dụng cụ quết điệp là một loại chổi lá thông được người dân địa phương gọi là “thét”, nhờ có loại chổi đặc biệt này mà những đường quết dài, hơi uốn lượn, sẽ để lại dấu “hoa văn” riêng trên nền giấy, điểm tô bằng những vẩy điệp lóng lánh. Trước đây điệp được lấy từ vịnh Hạ Long hoặc làng ven biển Thái Bình, sau đó được làm thành giấy điệp ở làng Đạo Tú bên cạnh làng Đông Hồ, mà giấy dó cũng lấy từ làng Yên Thái ở Tây Hồ; để làm nên một tấm giấy điệp, không ít làng nghề đã phải cùng chung tay góp sức. Điều này cũng thể hiện phần nào tình hình chuyên môn hóa của làng nghề thủ công nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ trước đây, và càng làm nổi bật lên, dòng tranh Đông Hồ là tác phẩm của rất nhiều người dân lao động.
Về ván in, tranh Đông Hồ được tạo nên bằng cách in nhiều màu, mỗi màu một ván in riêng. Ván in của tranh Đông Hồ hình dáng nhỏ nhắn, vừa tay, có tay cầm đằng sau để tiện nhấc lên, có thể được chia làm hai loại, ván in nét và ván in màu. Ván in nét được làm từ gỗ thị, gỗ mỡ hay lồng mực, bề mặt đanh, thớ dai và mịn, giữ nét khắc bền, ít gãy sứt. Ván in màu làm từ gỗ giổi hay vàng tâm, chất gỗ nhẹ xốp, ăn màu và nhả màu tốt, phù hợp để in các mảng màu. Nét khắc ván in vì để có thể in được nhiều, sản xuất hàng loạt, nên khá đơn giản, dày đậm, chắc khỏe, chứ không phải nét khắc thanh mảnh chi tiết như trong tranh Hàng Trống hay tranh Kim Hoàng.
Về kỹ thuật in, tranh Đông Hồ dùng kỹ thuật in sấp, đặt tấm tranh ở dưới rồi dùng ván in ấn xuống chứ không phải in ngửa như tranh Hàng Trống hay tranh Kim Hoàng (đặt ván in ở dưới, đặt tấm tranh bên trên). Tranh có bao nhiêu màu thì lần lượt in màu các màu khác nhau cho tới hết, sau đó cuối cùng mới in nét đen, công đoạn in nét này thường do người khéo tay nhất thực hiện. Ở làng Đông Hồ, hầu như già trẻ gái trai ai cũng biết in tranh. Kỹ thuật in của tranh Đông Hồ có thể nói là thuở đầu tiên của quá trình “sản xuất hàng loạt”, dùng ván in để có thể sản xuất ra thật nhiều các bức tranh trong thời gian ngắn nhất, giảm giá thành, mà vẫn không làm ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng bức tranh. Tất nhiên, công việc in tranh cũng đòi hỏi sự khéo léo nhất định, nhưng các công đoạn đã được tinh giản hơn nhiều so với cách tô vẽ từng nét bằng tay thủ công, để cho càng nhiều người hơn có thể làm tranh, và có lẽ chính điều này cũng là một trong những lý do khiến cho tranh Đông Hồ có sức sống mạnh mẽ và phổ biến nhất trong các dòng tranh dân gian ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Về màu sắc, tranh Đông Hồ do đặc điểm được làm hoàn toàn từ các bước in ván, cho nên màu sắc thường khá cơ bản, đơn giản, dùng màu nguyên gốc chứ ít pha màu, trong một bức tranh thường chỉ có ba tới bốn màu. Phổ màu đặc trưng của tranh Đông Hồ là màu trắng của giấy điệp, màu đen của nét chính được làm từ tro than của than xoan hay than lá tre, sắc bóng đẹp không thua mực Tàu, màu đỏ từ sỏi son và nước gỗ vang, màu vàng từ hoa hòe, màu xanh từ gỉ đồng và lá chàm, quấy với hồ nếp để làm thành phẩm màu chứ không phải keo da trâu như ở tranh Kim Hoàng. Những chất màu này đều được lấy từ những sản vật thân thương quen thuộc tại chính làng quê, nói lên mối quan hệ khăng khít của tranh Đông Hồ với cuộc sống thôn quê. Hơn thế nữa, trắng, đen, đỏ, vàng, xanh cũng tương ứng với thuyết dân gian về ngũ hành, với vàng là “thổ” (đất), màu trắng là “kim” (kim loại), màu đen là “thủy” (nước), màu xanh là “mộc” (cây cối), và màu đỏ là “hỏa” (lửa), trong mỗi bức tranh Đông Hồ giản đơn lại chứa đựng tầng sâu của văn hóa Việt.
Về thơ đề trên tranh, nếu như tranh Kim Hoàng có đặc trưng là dùng thơ chữ Hán, thì tranh Đông Hồ lại nổi danh từ thơ và lời đề bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, đặc biệt là bằng chữ Nôm, ví dụ như trong tranh “Hứng dừa” hay “Đánh ghen”. Những lời đề trong tranh Đông Hồ này cũng là một nguồn tư liệu quý giá về sự phát triển của ký tự tiếng Việt, cung cấp cho chúng ta nhiều bằng chứng khảo cứu quan trọng.
Tranh Đông Hồ là tranh của trăm nhà vạn người, bởi nó được chính người dân sáng tác và được chính những người dân đón nhận và nuôi dưỡng. Sức sống của tranh Đông Hồ, cũng như rất nhiều những nét văn hóa khác của văn hóa Việt, đều đến từ cộng đồng.
Theo CULUMBUK.COM
Tin tức khác