Thời gian 22/11/2024 3:55 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Tìm hiểu về Chân- Thiện – Mĩ trong nghệ thuật tạo hình cây cảnh

GS-TS Ngô Quang Đê

Chúng ta thường nói nghệ thuật sinh vật cảnh, nhất là nghệ thuật chậu cảnh- cây xanh luôn hướng con người đến Chân- Thiện- Mĩ.

Ba từ ra này trên phương diện triết học thuộc phạm trù thuần giá trị, hình thành hoạt động tinh thần phong phú, đa dạng. Thông qua trí tuệ biểu hiện ra văn hóa nhân loại. Chân- Thiện- Mĩ là trung tâm của suy tư, tìm hiểu thế giới, mà Thiện được coi là trung tâm của trung tâm, trở thành lí tưởng, hoài bão mà con người không ngừng theo đuổi. Chúng ta luôn luôn học tập, tư duy để tìm hiểu tri thức, thông qua tri thức thì chân lí được phát hiện để giúp chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề thực tế. Nhưng trong quá trình tìm hiểu không phải lúc nào cũng thuận lợi; có khi chúng ta gặp phải trở ngại từ mục tiêu định trước, từ dự kiến trong đầu, mà cái đó trái ngược với sự vật, hiện tượng. Vì thế cần luôn luôn tìm hiểu tri thức, nói cách khác là luôn học hỏi và hoạt động thực tiễn để phát hiện chân lí. 

Chân lí từ đặc tính của nó mà nói, tức là cái gì viên mãn, gắn liền với sự vật ở trong trạng thái hoàn mĩ. Nho giáo coi con người là trung tâm của vũ trụ. Cái thiện của nhân tính có thể tích lại và truyền bá bốn phương, xây dựng điển hình, có tính mô phạm khiến người sau tôn kính và làm theo. Vì thế thông qua Thiện mà hình thành qui phạm, hình thành đạo đức. Điều đó nói nên quan hệ không thể chia cắt giữa tính thiện và đạo đức. 

Đạo đức đến độ viên mãn thì hình thành ý chí vô thượng của con người, khiến con người nắm vững ý chí để làm cái việc cần làm, cái việc phải làm. Những anh hùng, nghĩa sĩ vì chính nghĩa hi sinh thuộc loại trách nhiệm vô điều kiện, tính thiện trong nhân tâm được phát động để kiên quyết diệt trừ cái ác, cái xấu. Vì Thiện quên thân đã là đạo lí. 

Mục đích của đạo đức ở chỗ tích thiện trừ ác. Thiện ác đều do hành vi của con người gây ra. Vì thế mỗi chúng ta cần tích thiện mới làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Thiện là biểu đạt của hành vi đạo đức. Thiện được thực hiện tức là hoàn thành đạo đức. Lí tưởng chính trị, mục tiêu tư pháp, lời khuyên tôn giáo, nhất là Phật giáo đều kiên định đi tìm quả Thiện. 

Mĩ là cái đẹp. Cái đẹp trong cuộc sống có vẻ không hữu dụng bằng Chân, Thiện, nhưng cái đẹp lại rất thực tế, luôn luôn hiện hữu. Con người ở mọi lứa tuổi, mọi giai tầng, không phân biệt già trẻ, sang hèn, thậm chí không phân biệt chủng tộc, quốc gia vv.... đều thích và yêu quí cái đẹp và đều thích làm đẹp. Có thể nói, yêu cái đẹp là thiên tính của con người. Yêu cầu của mĩ cảm, của cái đẹp kích phát đến hầu như mọi mặt của đời sống, bao gồm: ăn, mặc, ở, đi lại vv....Về ăn đã hình thành kĩ xảo nấu nướng văn hóa ẩm thực. Về mặc đã hình thành thiết kế thời trang. Về đi lai cũng đã hình thành các thiết kế và màu sắc của các phương tiện xe tàu vừa tiện nghi, vừa đẹp mắt. Về ở chúng ta cần những ngôi nhà không chỉ để che mưa che nắng, tránh nguy hiểm từ bên ngoài mà còn cần tiện nghi và đẹp. Vì vậy đã hình thành nghệ thuật kiến trúc. Từ trạng thái thực dụng đã chuyển thành mĩ cảm ở trạng thái cao hơn. Bí mật của cái đẹp là gì và định nghĩa của cái đẹp luôn luôn là một câu hỏi trong đời sống. Trước mỗi sự vật, cái đẹp là một loại phản ứng, một loại cảm giác, một loại tình cảm được thăng hoa sau khi thấu qua trực giác. Trước một phong cảnh, một vật phẩm nghệ thuật thì có nhiều nhận xét, kiểu giải khác nhau. Việc nhận thức cái đẹp của sự vật phụ thuộc vào trực giác quan sát và năng lực thưởng thức của mỗi người khác nhau. Cái đẹp tồn tại khách quan nhưng việc nhận thức cái đẹp lại phụ thuộc vào chủ quan và cảm xúc của từng người. Cái đẹp là đại tự nhiên xung mãn. Trong tự nhiên có tiêu chuẩn khách quan về cái đẹp khiến chúng ta chú ý. Thí dụ như cân đối, điều hòa, so sánh, thống nhất, sự thống nhất trong đa dạng, trùng phục vv... đều là tiêu chuẩn khách quan của cái đẹp. 

Cái đẹp là một loại cảm ứng. Từ cái đẹp của vật thể người ta suy tư phát triển đến cái đẹp tâm hồn, khiến con người trong sáng hơn, mạnh mẽ hơn và thăng hoa đến độ viên mãn. 

Nghệ thuật chậu cảnh cây xanh luôn phản ánh cái chính diện. Một số loại hình nghệ thuật khác (kịch, điện ảnh) ngoài phản ảnh chính diện thì có lúc, có khi, có trường đoạn phản ảnh cái phản diện của đời sống. Cây cảnh nghệ thuật luôn phản ảnh cái đẹp, cái tinh túy của đời sống xã hội và nó luôn được mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi thưởng thức và yêu quí. Cái đẹp lay động chiều sâu tâm hồn. Mỗi dáng cây đẹp đều khiến người ta suy tư liên tưởng và liên hệ. Cây dáng trực cho ta cảm giác vững chẵc, oai phong lẫm liệt, cành lá hài hòa, người ta suy tưởng tới cái đẹp không nhất thiết ở chỗ màu mè mà nó giản dị thuần phác vốn có. Vũ Kim Thông đã viết “ Tươi đẹp với đời bằng thế đứng, không cần hương sắc, chẳng cần hoa”. Người ta cũng đã tạo ra cây mai dáng xiêu, gốc già , thân vặn, nhưng trên ngọn lại nở đẩy hoa trắng đã gợi cho người xem nhiều suy tư. Người già có thể suy ngẫm già nhưng vẫn đưa lại chồi non lộc biếc, vẫn chắt chiu đơm hoa kết trái, làm đẹp cho đời, là hình ảnh “ lão mai sinh quí tử”. Người trẻ tuổi có thể suy ngẫm để thấy được sự khổ luyện mới tới vinh quang, phải chịu khó, chịu khổ trước rồi mới có kết quả sau hoặc không có hạnh phúc nào mà không có hi sinh phấn đấu. Câu thơ của Doãn Trang đã miêu tả điều đó “ Vặn thân một nỗi cơ cầu, mà xuân nở rộ trên đầu nhẹ tênh”. Khi cái đẹp tồn tại trong tâm mỗi con người, khiến người ta thăng hoa đến sự thuần khiết vô cùng, biểu hiện cái tâm trong sáng, một ý thức cao thượng tạo thành qui phạm và nguyên tắc của hành vi. Động lực thuần khiết cũng có thể thúc đẩy con người đến con đường chính nghĩa, đến thiện tâm. Lúc này cái đẹp (Mĩ) có thể thay thế Thiện. Mĩ có công năng của Thiện, vì thế người ta xem giáo dục mĩ học là cơ sở của giáo dục. 

Khi giá trị Mĩ cảm chiếm thượng phong, áp đảo giá trị thực dụng thì Chân- Thiện -Mĩ đạt được sự thống nhất cao hơn ở một tầng thứ. Mĩ không chỉ giới hạn ở ngoại hình, Chân không chỉ hạn chế ở tri thức, Thiện không giới hạn ý niệm đạo đức. Chân- Thiện -Mĩ đã là thể thống nhất. Mĩ là Chân, Chân là Mĩ. Thiện tâm là nhật nguyệt vĩnh hằng. Tính vĩnh hằng của Thiện cấu thành hình thức cao nhất, hàm chứa Chân và Mĩ và hợp nhất làm một. Người xưa vẫn nói tích Thiện hữu phúc đa; nhất nhật hành Thiện, Phúc tuy chưa tới nhưng Họa mãi lùi xa. . ..

Theo Tạp chí VNHS

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng