Ngày 13/5/2024 tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Hội Sinh vật cảnh Việt Nam (SVCVN) đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội (13/5/1989 – 13/5/2024).
Tới dự có TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; ông Phạm Hữu Duệ, Trưởng ban Tổ chức và Chính sách Hội (Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam); ông Dương Quang Chính, Kiểm toán trưởng kiểm toán khu vực 2; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; ban lãnh đạo và cán bộ chi nhánh Cửa Lò, trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.
TS. Nguyễn Hữu Vạn Chủ tịch Hội SVC Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ
Về phía Hội SVCVN có TS. Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Hội SVCVN; ông Nguyễn Sáng Vang, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKTTW, Phó Chủ tịch Hội SVCVN; ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Định, Phó Chủ tịch Hội SVCVN; ông Nguyễn Tất Diên, Phó Chủ tịch Hội SVCVN, Chủ tịch Hội SVC Nghệ An; ông Phạm Ngọc Tạo, Phó Chủ tịch Hội SVCVN; ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hội VVCVN cùng các Ủy viên BCH Hội SVCVN.
TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo
Trong diễn văn khai mạc, TS Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam nhận định: “Chặng đường 35 năm, hoạt động Hội và phong trào SVC trải qua bao khó khăn, các cung bậc thăng trầm của nền kinh tế trong nhiều giai đoạn lịch sử. Có cả những khó khăn của nhận thức xã hội về vị trí, vai trò, hoạt động Hội và hiệu quả, giá trị của sản phẩm SVC. Tuy nhiên, bằng sức mạnh của sự tâm huyết, tình yêu đối với SVC, lớp lớp cán bộ, hội viên Hội SVCVN đã không ngừng hun đúc quyết tâm, bền bỉ, miệt mài cống hiến, hy sinh, xây dựng tổ chức hội và phong trào SVC ngày một phát triển”.
TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội KHKT Việt Nam tặng hoa chúc mừng Hội nghị
TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng khẳng định: “Chúng tôi rất tự hào vì Hội SVCVN là thành viên tích cực, hoạt động có hiệu quả, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng”. TS. Phan Xuân Dũng mong muốn Hội sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thành một cách tốt nhất chức năng, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục củng cố và phát triển Hội từ trung ương đến cơ sở ngày một vững mạnh, kiến tạo nguồn cảm hứng mới của Hội để tập hợp và phát huy hơn nữa năng lực, tính chủ động, sáng tạo của hội viên đóng góp tích cực vào hoạt động nghề nghiệp của Hội, khẳng định hơn nữa tính chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu có giá trị trong các hoạt động của Hội.
Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam trao bằng khen cho hội SVC Việt Nam
Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ủy ban TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội SVCVN đã tặng Cờ thi đua, Bằng khen cho một số tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2023.
Hội SVCVN trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2023
Trước đó, Hội SVCVN đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành lần thứ 4. Tại báo cáo Hoạt động Hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hội cho biết, từ chỗ chỉ có những người tâm huyết sáng lập hội, một vài hội địa phương với hơn 1.000 hội viên, đến nay Hội SVCVN đã tập hợp, đoàn kết được đông đảo các tổ chức thành viên, đơn vị trực thuộc, hội viên trên cả nước. Phong trào SVC được các cấp hội duy trì nề nếp, hiệu quả, hình thức hoạt động đa dạng, phong phú.
Ở trung ương, Hội có bộ phận Thường trực tinh gọn và 15 đơn vị trực thuộc, 3 hội đồng tư vấn, 8 ban chuyên môn. Ở địa phương có 57/63 tổ chức Hội cấp tỉnh, thành phố (là hội thành viên của hội SVC VN). Tại cấp huyện, thị xã, có hàng ngàn tổ chức hội và câu lạc bộ. Mạnh lưới tổ chức hội đã hình thành đến cấp xã, thôn, bản…Số hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt của Hội đến nay khoảng 500.000 người với đủ mọi lứa tuổi, thành phần giai cấp, đủ lĩnh vực nghề nghiệp và địa bàn cư trú rộng khắp cả nước. Những năm gần đây, gắn với phong trào kinh tế SVC, ngày càng nhiều hội viên trẻ tuổi, các nhà khoa học, trí thức… tham gia, trở thành hội viên.
Vượt qua mọi khó khăn, tập thể Ban Chấp hành và lãnh đạo Hội qua các thời kỳ đã quan tâm chỉ đạo, động viên phát triển SVC một cách toàn diện, bền vững, dựa trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh SVC của địa phương, đa dạng hóa ngành nghề, tạo ra các sản phẩm SVC có giá trị ngày càng cao về văn hóa, kinh tế, tiến tới xây dựng các thương hiệu sản phẩm SVC, tăng nhanh giá trị các sản phẩm SVC để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị, khu dân cư văn minh, bảo vệ môi trường, sinh thái, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hội đã và đang quan tâm đào tạo, nhân rộng đội ngũ nghệ nhân, doanh nhân, lực lượng lao động có tay nghề cao, trình độ hiểu biết, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; quan tâm các hình thức đào tạo, tập huấn, giao lưu, nâng cao trình độ tay nghề, sáng tạo các sản phẩm độc đáo, có giá trị cao về nghệ thuật, giá trị cao về kinh tế. Đến nay, Hội đã có hàng trăm nghệ nhân SVC cấp trung ương, hàng ngàn nghệ nhân SVC cấp tỉnh, thành phố; rất nhiều mô hình nhà vườn SVC, khu sinh thái, cảnh quan SVC tiêu biểu; hàng trăm làng nghề SVC; hàng chục ngàn hecta chuyên canh hoa, cây cảnh; nhiều Hợp tác xã, câu lạc bộ, Nhóm hội SVC tại khắp các địa bàn, khu dân cư của các địa phương trong cả nước.
Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam trao bằng khen cho các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc 2023
Nói đến phong trào SVC còn phải nói tới các hoạt động, sự kiện triển lãm, trưng bày, hội thi SVC với các cấp độ, quy mô khác nhau, nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Những sự kiện của Hội luôn gắn với các sự kiện chính trị, xã hội của đất nước, các ngày lễ, tết, ngày hội truyền thống, sự kiện quan trọng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương. Trong gần 10 năm trở lại đây, Hội SVCVN đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công nhiều cuộc triển lãm, hội thi SVC cấp khu vực, quốc gia, quốc tế: Trưng bày, triển lãm SVC tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018; Trưng bày, triển lãm SVC chào mừng Đại lễ Phật đản – VESAC Liên hiệp quốc năm 2019 tại Chùa Tam Chúc, Hà Nam; Triển lãm, hội thi Bonsai – Suiseki Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 15 tại TP Hồ Chí Minh; Triển lãm, hội thi SVC khu vực miền Trung- tây Nguyên năm 2023 tại Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định… Những cuộc triển lãm này đã để lại tiếng vang lớn, nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Hội, khẳng định tiềm năng phát triển SVC và giá trị đặc hữu của những sản phẩm SVC Việt Nam.
Không chỉ xây dựng phong trào, những năm gần đây Hội còn chủ động đề xuất, tham gia vào quá trình tư vấn, phản biện, giám định xã hội, tham gia, góp ý sửa đổi, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, phát triển SVC. Hội đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2019-2025; tham gia nghiên cứu, soạn thảo, đề xuất với chính phủ và Bộ NNPTNT về bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và làng nghề; góp ý sửa đổi Nghị định số 45/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; tham gia ban soạn thảo trình ban hành Quyết định 4081 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về phê duyệt đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030… Hội đã tích cực đề xuất, phối hợp với Liên hiệp Hội Việt Nam và các bộ, ngành để tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị tập huấn, hướng dẫn tại các địa phương, khu vực cho các hội thành viên tham gia, lĩnh hội các chính sách mới, trao đổi các giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách phát triển ngành nghề nông nghiệp và kinh tế SVC.
Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế luôn được Hội quan tâm, đó là tổ chức tích cực, tham gia có trách nhiệm các sự kiện của Hiệp Hội Bonsai Châu á – Thái Bình Dương, các tổ chức quốc tế trong khu vực châu Á, Đông Nam Á; có các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với Hiệp Hội Bonsai Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới đây, Hội đã ký Bản ghi nhớ hoạt động hợp tác với Quỹ Môi trường Hàn Quốc, mở ra hướng phát triển mới về SVC và kiến trúc cảnh quan, môi trường.
Từ những kết quả nêu trên, cùng với sự tăng trưởng của cả nước, ngành sinh vật cảnh đã đóng góp tích cực cho ngành nông nghiệp. Nhận thức về vai trò, vị thế của Hội có sự chuyển biến rõ rệt, SVC không đơn thuần là thú chơi văn hóa tao nhã, mà được Nhà nước xác định là ngành kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Sản phẩm SVC là sản phẩm nông nghiệp, đa dạng về chủng loại, có giá trị cao. Phong trào SVC phát triển đồng đều, toàn diện, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển lãm, hội thi với số lượng, chất lượng sản phẩm và quy mô hoạt động ngày càng tăng. Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, có thêm các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển ngành hoa, cây cảnh.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, nhưng hoạt động Hội trong năm 2023 vẫn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục. Đột số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương chưa thật sự quan tâm tới việc chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động của hội xã hội nghề nghiệp, trong đó có hội SVC. Nhận thức và chỉ đạo hoạt động Hội nhiều địa phương chưa thực sự gắn kết với nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, các chương trình, mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa tại địa phương. Quá trình thực hiện chuyển đổi từ văn hóa SVC sang kinh tế SVC khá chậm. Việc duy trì công tác chỉ đạo, phối kết hợp hoạt động giữa Hội SVCVN và các hội địa phương, đơn vị trực thuộc gặp khó khăn do nhân sự văn phòng rất hạn hẹp, thiếu các nguồn thu bảo đảm (thu từ hội phí của các đơn vị thành viên mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu chi các hoạt động trong năm). Đến cuối năm 2023, vẫn còn 06 tỉnh chưa thành lập được tổ chức hội SVC cấp tỉnh (Bắc Kạn, Điện Biên, Quảng Nam, Đăk Nông, Bình Thuận, Hậu Giang).
Qua thực tế và tổng hợp các báo cáo được gửi về văn phòng Hội SVCVN, Ban Kiểm tra đã kiến nghị và đề xuất một số vấn đề sau: Lãnh đạo hội cần sâu sát hơn nữa với các tổ chức hội tại địa phương; các tỉnh chưa có Hội cần xem xét gây dựng tổ chức hội; các tỉnh Hội hàng năm có báo cáo hoạt động gửi về văn phòng Hội SVCVN. Để mục tiêu đưa ngành SVC phát triển là ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, các cấp hội cần nhận thức rõ giúp Hội viên phát triển kinh tết SVC trong đó có tổ chức các cuộc triển lãm thương mại, xúc tiến thương mại, xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với SVC…
Ngay tại Hội nghị, các đại biểu đã bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo đươc trình bày tại Hội nghị, đồng thời đóng góp những ý kiến tâm huyết để phát triển Hội cũng như ngành sinh vật cảnh ở Việt Nam.
Các đại biểu cũng nhất trí bầu bổ sung 8 Ủy viên Ban Chấp hành, 1 Ủy viên Ban Thường vụ, 1 Phó Chủ tịch và bổ nhiệm 1 Chánh văn phòng.
Trao Cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc thuộc hội SVC Việt Nam năm 2023
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, TS. Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội SVCVN yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức hội, hội viên về thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động hội theo đúng tôn chỉ mục đích và điều lệ; phát triển SVC theo hướng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa SVC, nâng tấm giá trị kinh tế SVC; SVC chủ động tham gia, gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hôi, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị, cảnh quan văn minh, môi trường xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh SVC; tích cực tham gia các hoạt động tôn tạo cảnh quan, di tích, công trình công cộng, không gian văn hóa, phát triển du lịch dịch vụ, bảo vệ môi trường sinh thái; tích cực tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày triển lãm với các quy mô phù hợp, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội, dịp lễ, tết của địa phương, đất nước…
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn phát triển tổ chức các cấp hội, chú trọng tính hiệu quả, thiết thực trong hoạt động thu hút các hội viên là các doanh nghiệp, HTX, các cá nhân là nhà khoa học, nhà trí thức, nhà nghiên cứu SVC, các hội viên trẻ tuổi, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc kiện toàn tổ chức, mở rộng mô hình các chi hội, CLB theo hướng chuyên sâu, tăng cường chất lượng, năng lực cho bộ máy lãnh đạo hội và các hội thành viên duy trì hoạt động hội theo điều lệ Hội.
Thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc hoạt động của Hội SVCVN, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phối hợp giữa Hội SVCVN và Bộ NN&PTNT, thực hiện Quyết định 52/CP, Quyết định 922/CP và Quyết định 4801của Bộ NN&PTNT về phát triển ngành nghề hoa cảnh, cây cảnh đến năm 2030; kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng SVC trở thành ngành kinh tế sinh thái với những sản phẩm đặc hữu, có giá trị cao; chỉ đạo xây dựng các đề án, mô hình SVC dựa trên tiềm năng, lợi thế, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ SVC; tăng cường hoạt động học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng chăm sóc, chế tác cây cảnh hoa cảnh, dịch vụ SVC. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm SVC, gắn hoạt động SVC với hoạt động du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan.
Các Đại biểu chụp ảnh tại Lễ kỷ niệm
Ngoài ra cần làm tốt công tác thi đua khen thưởng; thường xuyên chăm lo công tác đào tạo nghề, giúp đỡ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho hội viên, quan tâm xây dựng, quảng bá, nhân rộng các điển hình cá nhân và tập thể tiên tiến.
Tăng cường phối hợp với UBTrung ương MTTQ, Liên hiệp các Hội KHKTVN, Bộ NN&PTNT, các cấp, ngành, địa phương để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động Hội. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tăng cường giao lưu hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các Hội, Hiệp hội Bonsai, Đá cảnh, vật nuôi cảnh… trong nước, quốc tế để nâng cao trình độ kỹ, mỹ thuật; trao đổi nhân lực, tìm kiếm, mở rộng thị trường, xúc tiến hợp tác đào tạo, hướng tới mục tiêu xuất, nhập khẩu các sản phẩm SVC.
Bài và ảnh: Nhóm phóng viên
Tin tức khác