SỨC BẬT CỦA SINH VẬT CẢNH THÀNH NAM
Minh Hồng
Nam Định là một trong những cái nôi của phong trào sinh vật cảnh của cả nước. Lễ hội đình làng Vị Khê, thờ Tô Trung Tự - vị Tổ làng nghề từ năm 1211 đã truyền dạy nghề trồng hoa cây cảnh cho dân. Những báu vật lưu giữ ở Bảo tàng Nam Định, dấu ấn của cung Tức Mặc - Trung tâm chính trị, văn hóa lớn thứ hai sau Thăng Long của 14 đời vua Trần đã khẳng định văn hóa sinh vật cảnh của Nam Định đã có từ lâu đời. Sinh vật cảnh nơi đây không chỉ là thú chơi tao nhã, lịch lãm mà nó còn là một nghề. Nhiều vùng, nhiều nhà trở lên giàu có nhờ làm kinh tế sinh vật cảnh. Toàn tỉnh hiện có 22 làng nghề, 1.300 trang trại, nhà vườn, 16 doanh nghiệp sinh vật cảnh và hàng chục tổ, nhóm làm nghề uốn tỉa tạo dáng cây cảnh nghệ thuật và chế tác non bộ, đem phong cách cây cảnh Nam Định đến với hàng trăm nhà vườn trong cả nước. Không biết từ bao giờ, “Cây Sanh Nam Điền” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước và khu vực, mà về lĩnh vực sinh vật cảnh hiếm có nơi có được, một thời “Cây Sanh Nam Điền” còn lên ngôi, khuynh đảo thị trường, đem lại nguồn thu nhập lớn, có khi đến bất ngờ cho người dân Nam Định. Không chỉ có nghề làm cây cảnh nghệ thuật mà Nam Định còn nổi tiếng về nghề trồng địa lan truyền thống, như Hoàng vũ, Cẩm tố, Thanh ngọc, Hồng Trần mộng, Mặc lan ... hàng chục vườn có tới hàng ngàn chậu, trị giá hàng tỉ đồng.
Cây cảnh trưng bày tại triển lãm
Đứng trước những khó khăn sóng gió, không ít nơi cán bộ Hội thì chùn bước, hội viên thì nản lòng, song lãnh đạo Hội Sinh vật cảnh Nam Định đã ra sức củng cố tổ chức và quyết tâm tìm lối đi ra và đi lên cho phong trào. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của hội được củng cố hoạt động đều tay, đi sâu đi sát cơ sở; công tác tập huấn nghiệp vụ và dạy nghề được quan tâm đặc biệt; Hội đã tăng cường tổ chức giao lưu học hỏi, giới thiệu các mô hình, quảng bá sản phẩm; tích cực vận động xã hội hóa các hoạt động của Hội. Năm 2012, giữa lúc kinh tế sinh vật cảnh sa sút nghiêm trọng. Nam Định đã quyết tâm tổ chức triển lãm Sinh vật cảnh Thiên Trường, thu hút hàng trăm hội viên của hàng chục tỉnh tham gia, với hàng ngàn tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, góp phần làm cho thị trường sinh vật cảnh từng bước nóng lên. Hội rất quan tâm đến tuyên truyền, quảng bá, động viên, khen thưởng, vinh danh các nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh và cán bộ hội viên, phát huy tinh thần say mê lao động sáng tạo nghệ thuật, đồng thời hăng hái tham gia xây dựng tổ chức Hội. Nam Định có 270 “Nghệ nhân Sinh vật cảnh”; trong đó có 35 người được Trung ương Hội phong tặng danh hiệu nghệ nhân Sinh vật cảnh Việt Nam. Đội ngũ nghệ nhân đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức học hỏi tìm tòi, không ngừng say mê lao động sáng tạo nghệ thuật, thật sự làm nòng cốt trong phong trào sinh vật cảnh của tỉnh nói chung và hoạt động của hội nói riêng.
Triển lãm sinh vật cảnh Nam Định lần thứ III (từ 25 đến 30/9/2018) – Nhân dịp Lễ hội Đền Trần (20/8AL), đã hội tụ trên 5.000 tác phẩm trưng bày với chất lượng cao của trên 450 chủ nhân đến từ 10/10 huyện, thành phố trong tỉnh và 30 tỉnh thành bạn. Khu vực bày bán các tác phẩm thương mại thu hút hàng vạn tác phẩm. Cán bộ hội viên chủ nhân đến với triển lãm Nam Định bằng tinh thần tự nguyện, vui vẻ, nhiệt tình, nghĩa tình và trách nhiệm cao. Nhiều hội viên không chỉ tự đầu tư hàng triệu, đến vài chục triệu, chau chuốt tác phẩm, tôn tạo, thay thế chậu, bể để tham gia trưng bày. Đặc biệt, Ông Cao Văn Phú, quê ở xã Hải Cường, huyện Hải Hậu – TGĐ Công ty TNHH Cao Phú Thịnh tại TP Hồ Chí Minh đã đầu tư trên một trăm triệu đồng cho việc vận chuyển tác phẩm nặng hàng chục tấn, vượt trên 1.700 km ra trưng bày, trong đó có 2 tác phẩm: “Long thăng thời Lý” và “Đại thế vân tùng”; ông còn tài trợ cho cuộc triển lãm 150 triệu đồng. Ban Tổ chức triển lãm đã tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của UBND tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, làm việc với tinh thần dân chủ, minh bạch, khách quan, hạn chế thấp nhất các thiếu sót, khuyết điểm;.
Triển lãm đã thu hút hàng chục vạn cán bộ hội viên và khách thập phương đến thưởng thức và giao lưu, mua bán. Đây thật sự là sân chơi bổ ích của những người sản xuất kinh doanh và thưởng thức sinh vật cảnh. Việc giao lưu, mua bán sôi động hơn so với các cuộc triển lãm trước (Khu vực trưng bày khoảng 3 tỉ đồng; Khu vực thương mại khoảng 3 tỉ đồng).
Ban Tổ chức triển lãm đã đề nghị Trung ương Hội tặng bằng khen cho 35 tập thể và 15 cá nhân tiêu biểu; trao 554 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc; trong đó 01 cúp vàng, 03 giải đặc biệt, 150 giải vàng, 200 giải bạc và 200 giải đồng.
Triển lãm sinh vật cảnh Nam Định lần thứ III là một nội dung phần hội của Lễ hội Đền Trần; là hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua chào mừng 30 năm thành lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam (13/5/1989 – 13/5/2019). Đây cũng là một hoạt động tích cực, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, góp phần làm sôi động thị trường sinh vật cảnh./.
VNHS
Tin tức khác