Dư Hữu Đức
Một cây Bonsai sau khi đã được bàn tay nghệ nhân tạo dáng với kỹ thuật đặc biệt, đều có một vẻ đẹp riêng, một giá trị riêng, dù đó là cây còn non hay đã ở vào cái tuổi đại thụ.
Nhìn cây kiểng lùn chiều cao chỉ một hai gang tay mà mang dáng già nua tuổi tác, giống như một cây cổ thụ cao ngất ở ngoài trời thu gọn lại, chắc chắc mọi người sẽ không tiếc lời trầm trồ khen ngợi đến tài năng và công sức của người đã tạo ra được tác phẩm nghệ thuật đáng giá ấy, đứng trước một cây lùn cổ thụ, người ta cảm thấy thế nào cũng không tránh được những cảm xúc vẫn vơ trong lòng mình, nhìn những chứng tích tróc lở, nứt nẻ, xù xì ẩn hiện trên khắp thân cây mà cảm thương cho cây khốn khổ phải lắm phen bị nắng táp mưa vùi.
Tạo dáng một cây già nua, tất nhiên phải tạo cho được những đường nét, những chứng tích già lão, cằn cỗi mà bất cứ một cây đại thụ nào ở ngoài thiên nhiên cũng có cả, chẳng hạn như:
Rễ cây nổi hẳn lên mặt đất với những u nần hoặc có những đoạn bị ma sát tróc vỏ hay mòn nhẵn. Gốc cây phình to ra hay lộ hẳn lên khỏi mặt đất chậu, có những đường nét nứt nẻ nhuộm nét già nua. Thân cây có những hóc sâu vào lõi gỗ như những thương tật do tác hại của thời tiết khắc nghiệt tạo thành. Vỏ cây bị tróc lở nhiều nơi hoặc xù xì nổi mốc đeo bám. Tàn lá bị dạt về một phía do gió thổi không đủ sức chống chọi với nắng mưa, sương gió. Cành nhánh bị gãy như không đủ sức chống đỡ với nắng mưa sương gió bão táp.
Như vậy cũng tạo ra được những đường nét cằn cỗi thô kệch chừng nào thì cây mới có giá trị thẩm mỹ cao. Muốn làm được như vậy nghệ nhân cần phải có nghệ thuật riêng, kỹ xảo riêng, đồng thời cũng đòi hỏi ở tính đam mê yêu nghề với lòng tự tin lẫn nhẫn nại. Công việc này không quá khó đối với những nghệ nhân lành nghề quen việc nhưng lại rất khó cho những ai mới bắt tay vào nghệ thuật này.
Thường thì cây còn tơ được cải tạo thành cây già nua nên việc lột vỏ và đục khoét sâu vào thân cây tạo nên những vết thương, những khối u nổi cộm, lột vỏ một phần vỏ dọc theo thân bề ngang độ 1cm, còn trên phần gỗ dùng giấy nhám chà láng phần gỗ, sau này nó trở nên mau già nua, y gỗ rất đẹp. Khi lột vỏ phải làm từ từ, hết lớp này lành mới tạo thành lớp vỏ lột khác thì cây mới khỏi mất sức. Nhiệm vụ của vỏ là dẫn nhựa nguyên từ đất lên để biến thành nhựa luyện nuôi cây, nếu lột vỏ nhiều việc dẫn nhựa nguyên bị trở ngại thì cây sẽ bị suy yếu dần và chết.
Trong thời gian dài đục khoét uốn nắn, cắt tỉa để tạo lão hóa cây kiểng lùn, nhiều khi vô tình làm gãy cành hoặc gây một số thương tật nào đó cho cây, ta chớ nên vội vàng tự trách, vì đôi khi trong cái rủi có cái may ta có thể lợi dụng những thương tật để tạo sự lão hóa cho cây một cách tự nhiên hơn.
Sau khi trồng kiểng Bonsai vào chậu nên phủ lên một lớp rêu xanh để tạo được ấn tượng cho người xem tưởng tượng cây đã trồng quá lâu trong chậu - ta nên dùng những chậu cũ qua sử dụng, không nên dùng chậu mới vì không phù hợp với sự già nua của cây - tạo vẻ mỹ thuật để chậu bonsai hài hòa và toàn diện hơn.
Việc chăm sóc bonsai cần kiên nhẫn, chăm chỉ hàng ngày, hàng tháng và năm này qua năm khác như sau:
- Tưới nước bằng vòi sen, tưới từ trên xuống, tưới lần thứ nhất cho đất thấm, sau đó tưới lần hai, lần ba. Nhớ ém chặt đất cho cây đứng không để cây bị gió làm ngã nghiêng. Xem nước thừa trong chậu có chảy ra không để tránh bị úng nước.
- Trừ cỏ dại ta phải luôn luôn nhổ cỏ dại để bảo đảm dưỡng chất cho Bonsai, cỏ dại quá nhiều làm mất vẻ thẩm mỹ của chậu.
- Bón phân nên sử dụng phân xịt vào lá làm cây mau tăng trưởng tốt. Phân bánh dầu thì ngâm nước tưới vào gốc cây, không nên dùng phân hóa học chỉ khi nào cần thiết vì nó dễ làm chai đất. Thông thường thì dùng phân hữu cơ đã chế biến sẵn có phân lượng của nhà sản xuất và thời gian cho cây phát triển.
- Diệt côn trùng và kiến ăn lá non, phá hoại rễ cây, nên định kỳ phun thuốc trừ sâu rầy để đảm bảo Bonsai tươi tốt.
Điều cần thiết cho cây Bonsai trồng trong chậu cạn là theo dõi thấy vàng lá, rụng lá hay quắn đọt non. Ta phải phát hiện kịp thời cứu chữa để cây luôn luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác