Quất bonsai trên thị trường có giá thành tương đối cao, bởi vậy sau mỗi mùa Tết, việc trồng lại và chăm sóc cho cây là một cách giúp các hộ gia đình tiết kiệm chi phí, giữ được cây quất đúng kiểu dáng ưa thích của mình để làm cảnh. Kỹ thuật chăm sóc và trồng lại cây quất bonsai sau Tết không quá phức tạp, cây quất có thể mập mạp và tươi tốt mà không cần chăm bón quá nhiều.
Trước khi tiến hành trồng lại cây quất bonsai, các hộ gia đình cần lưu ý thực hiện các công đoạn tưới tắm và bón phân để cây thích nghi dần. Chuẩn bị đất trồng, tìm địa điểm trồng cây thích hợp cũng là việc cần làm trước khi trồng lại cây quất.
Quất là loài cây ưa sáng, cần điều kiện môi trường nhiều ánh sáng để phát triển
Quất bonsai không ưa bóng râm, cần phải sống trong điều kiện nhiều ánh sáng để quang hợp nên cây cần phải được ra ngoài nắng mỗi ngày từ 4 - 5 tiếng đồng hồ. Do vậy, đối với những cây quất trưng trong nhà mấy ngày Tết thường rất yếu ớt vì thiếu sáng, bước đầu cần cho cây ra ngoài trời 2 - 3 ngày một lần, mỗi lần 4 - 5 tiếng, sau đó đặt cây ra ngoài với tần suất nhiều hơn để cây quen dần.
Trước khi trồng lại cây quất khoảng 1 tuần cần dùng các loại thuốc kích thích ra rễ, pha loãng theo công thức rồi tưới vào gốc cây. Thực hiện đều đặn mỗi ngày, đồng thời cắt tỉa bớt ⅔ lá cây, cành héo để tập trung dưỡng chất giúp cây và bộ rễ phát triển.
Trước khi trồng cây cũng cần chuẩn bị đất vườn pha với đất sét và cát, đo độ pH của đất ở mức 5.5 - 6 là đạt. Cần bón thêm phân bón cho đất và chuẩn bị mương thoát nước cho cây. Môi trường đất trồng cây quất không yêu cầu quá nhiều dinh dưỡng nhưng cần phải thoáng khí, đảm bảo thoát nước tốt, chống ngập úng làm hư hại bộ rễ của cây.
Người trồng quất cần lưu ý khâu thoát nước cho bộ rễ cây
Khi đặt cây vào trồng lại, cần vùi kỹ đất xung quanh gốc và dùng cọc tre cố định cho cây trong một vài ngày đầu giúp cây đứng vững. Cách khoảng 1 tuần nên xới đất quanh gốc cây rồi mới tưới nước và bón phân cho cây để đất xốp hơn, thoáng khí. Nên sử dụng các loại phân chuồng hoai mục cho quất để cây tránh được các loại sâu bệnh, cho quả quất mập, cây khỏe.
Trong điều kiện không có các loại phân bón chuyên biệt cho cây quất, có thể dùng nước vo gạo hoặc sử dụng vitamin B1 nghiền nát pha loãng cùng nước để phun tưới quanh gốc cây. Ngoài việc đặt cây quất ở khu vực nhiều ánh sáng, cũng cần lưu ý làm giàn che nắng cho cây để tránh ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu trực tiếp vào khiến cây khô héo.
Quất bonsai nên được cắt tỉa thường xuyên để giữ dáng
Việc duy trì hoặc làm mới dáng cho cây quất bonsai là điều vô cùng quan trọng đối với việc trồng quất. Nếu không nắm được những kỹ thuật tạo tán, tốt nhất nên cắt tỉa cây quất theo hình dáng ban đầu. Có thể dùng dây thép hoặc lạt buộc các cành non theo hình dáng mong muốn, nới từ từ để uốn cây mà không làm gãy cành hoặc chèn ép lên các chồi non.
Trước vụ Tết từ 5 - 6 tháng cần chuẩn bị đảo quất, tạo quả để chuẩn bị cho dịp Tết. Thông thường, vào khoảng tháng 6 âm lịch nên đảo quất, để cây trong nhà hoặc nơi có bóng râm. Nếu như muốn quả trên cây chỉ có 1 màu đồng đều nên để cây trong bóng râm khoảng nửa tháng đợi lá rụng khoảng 70% thì cho vào chậu để trồng lại là cây có thể ra quả chín đều vào đúng Tết.
Nếu như muốn ươm cho cây có đủ 2 loại quả là quả chín và quả xanh, có hoa và nhiều lộc thì khi đảo quất chỉ cần để trong bóng râm khoảng 1 tuần cho lá héo gần một nửa thì đem trồng lại. Khi cây ra hoa nên cắt hết các ngọn non mới mọc, cắt một nửa số quả và lá bánh tẻ trên cây. Giai đoạn này có thể bón thêm đạm để cây ra lộc và ra quả đúng vào dịp Tết nguyên đán sang năm.
Ngoài ra, để chăm sóc cây quất bonsai đẹp và đúng kỹ thuật, nên tìm một vài nhà vườn uy tín để tham khảo cách trồng. Đây cũng là cách “cứu nguy” cho nhiều gia đình khi đã tuân thủ đúng kỹ thuật trồng lại cây quất bonsai nhưng cây vẫn sinh trưởng yếu ớt. Trong trường hợp này, có thể gửi cây quất tới các nhà vườn để nhờ giúp đỡ, giúp cây được hồi phục phát triển nhanh và khỏe mạnh hơn.
Theo PNGD
Tin tức khác