Thời gian 13/12/2024 6:20 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Xuất khẩu hoa sang Úc đình trệ, doanh nghiệp và nông dân gặp khó

Giữa đại dịch COVID-19, việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người nông dân đều gặp rất nhiều khó khăn. Và, ngành hoa xuất khẩu của Đà Lạt cũng đang gặp trở ngại rất lớn khiến cả doanh nghiệp và người nông dân điêu đứng.

Hoa đã đóng hộp phải dỡ ra tiêu hủy

Đầu tháng 7/2021, gần 160 nghìn trong số 550 nghìn cành hoa chuẩn bị xuất khẩu sang Úc của Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã phải tháo dỡ ra khỏi container và đưa vào máy nghiền tự hủy. Và, nếu hoa vẫn không thể xuất khẩu sang Úc thì tình trạng này cứ tiếp tục tái diễn, mỗi tháng sẽ có khoảng hơn 2 triệu cành hoa phải tiêu hủy. Với thị trường truyền thống Úc, mỗi năm Dalat Hasfarm xuất khẩu đạt giá trị trên 5 triệu USD và việc hoa không xuất khẩu được khiến công ty lâm vào tình trạng khó khăn.

Việc hoa Đà Lạt đã đóng hộp còn phải quay lại xưởng tiêu hủy, theo ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho biết, xuất khẩu hoa sang Úc được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt theo yêu cầu của đối tác. Cụ thể, để xuất khẩu hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành sang Úc cần phải sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa theo yêu cầu (ngâm 35 cm cành hoa trong dung dịch 0,5% hoạt chất trên trong vòng 20 phút). Loại hoạt chất này sau khi sử dụng được Công ty TNHH Dalat Hasfarm xử lý, tiêu hủy như đối với một loại chất nguy hiểm gây hại.

Từ ngày 1/7/2021, các loại thuốc BVTV có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước theo Thông tư số 10 (9/9/2020) của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Theo quy định mới nên Tổ Kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đóng tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã không cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Úc. Trong khi đó, phía đối tác tại Úc không chấp nhận xử lý mầm trên cành hoa bằng hoạt chất khác, ngoài Glyphosate. Chính vì vậy, Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã phải đưa toàn bộ số hoa chuẩn bị xuất khẩu về lại Lâm Đồng để tiêu hủy. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, hàng triệu cành hoa cúc và cẩm chướng Đà Lạt sẽ tiếp tục bị tiêu hủy, trở thành phân bón.

Ông Lê Mỹ Thành (Phường 7, TP. Đà Lạt), một trong những hộ dân liên kết trồng hoa cúc sang Úc với Công ty TNHH Dalat Hasfarm với diện tích 0,7 ha cho biết: "Người dân chúng tôi đã liên kết trồng hoa xuất khẩu với Công ty Dalat Hasfarm được 5 năm. Đến nay thì công ty xuất khẩu hoa không được, hoa chúng tôi làm ra rất vất vả nhưng vẫn nằm ở vườn. Nhưng với tình trạng trả ngược hoa như vừa rồi, chúng tôi rất lo ngại vì vốn đã đổ xuống vườn nhưng không thu lại được". Cùng lo lắng với ông Thành là 40 nhà vườn liên kết với công ty và 250 công nhân của công ty, những người đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Hiện, Công ty Hasfarm đã xin Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam cho phép gia hạn việc sử dụng Glyphosate cho các loại hoa xuất khẩu đi Úc đến khi Chính phủ Úc chấp nhận giải pháp thay thế mà công ty này đang tiến hành. Tuy nhiên, yêu cầu trên của Công ty Hasfarm đã bị từ chối. Điều này đã khiến hàng triệu cành hoa phải hủy bỏ, 250 công nhân của công ty có nguy cơ mất việc. Ông Adrianus Gordijn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm cho biết: "Việc Dalat Hasfarm đứt gãy nguồn xuất khẩu sang thị trường Úc không chỉ mang lại thiệt hại trước mắt mà còn nguy cơ lâu dài, đó là việc các đối thủ trong khu vực nhân thời điểm này tham gia chiếm thị phần của hoa Đà Lạt, có thể kể đến như Trung Quốc, một quốc gia trồng hoa rất mạnh”.

Qua tìm hiểu được biết, không chỉ Dalat Hasfarm gặp khó trong vấn đề xuất khẩu hoa sang thị trường Úc. Ông Phạm Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cung cấp thông tin, có 5 - 6 doanh nghiệp hoa khác cũng gặp khó khăn này, tuy nhiên Dalat Hasfarm là đơn vị bị thiệt hại lớn nhất. Mỗi năm có khoảng 40 triệu cành hoa xuất khẩu sang Úc, riêng Dalat Hasfarm xuất khẩu 30 triệu cành. Việc không xuất khẩu sang Úc được khiến các doanh nghiệp đều rất khó khăn, Hiệp hội cũng đã đề xuất các cơ quan chức năng có hướng giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết: "Đơn vị đã có đề xuất gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn để tạm thời cho Công ty Hasfarm sử dụng 350 lít Glyphosate/năm dưới sự giám sát của ngành chức năng nhưng chưa được đồng ý. Chúng tôi mong rằng sớm cho giải pháp để hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân tại địa phương". Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ hỗ trợ làm việc với các cơ quan chức năng của Úc để đàm phán việc cho phép sử dụng hoạt chất thay thế Glyphosate trong xử lý triệt mầm hoa cúc và cẩm chướng cắt cành xuất khẩu sang thị trường lớn mạnh này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 7/7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) đã có công văn gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về việc xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đại diện Bộ Nông nghiệp Úc đã đồng ý việc sử dụng hoạt chất khác thay thế Glyphosate và yêu cầu phía Việt Nam gửi báo cáo thử nghiệm xử lý mầm hoa cắt cành bằng hợp chất khác để phía Úc xem xét. Tuy nhiên, trong thời gian chờ kết quả thay thế, nên chăng cần có sự hỗ trợ để doanh nghiệp và nông dân vượt qua khó khăn, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống cho ngành hoa Việt.

Theo Báo Lâm Đồng

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng