Nghỉ làm công chức về khởi nghiệp từ con ba khía
Cách trung tâm huyện Đầm Dơi hơn 7 km, cở sở sản xuất các sản phẩm từ ba khía rộng hơn 1.000 m2 của chị Xa nằm nổi bật trên con đường nông thôn ở xã Quách Phẩm Bắc. Xung quanh là khu vực nuôi tôm, cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đáng kể cho xưởng ba khía hiện đại nhất miền Tây do vợ chồng chị Xa gầy dựng.
Từ lâu, con ba khía đã trở thành một đặc sản quen thuộc của người dân miền Tây sông nước. Thế nhưng không nhiều người dám nghĩ tới việc biến nghề nuôi ba khía thành mô hình khởi nghiệp kinh doanh quy mô lớn. Với sự kiên trì, tâm huyết và tình yêu đối với quê hương, vợ chồng chị Xa đã chọn con ba khía làm hướng đi cho sự nghiệp của mình.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp cử nhân văn, Trường ĐH Cần Thơ, chị Xa cùng chồng là anh Miên (kỹ sư thủy sản) tình nguyện về Đầm Dơi công tác theo đề án trí thức trẻ về nông thôn. Khi đề án kết thúc, hai vợ chồng mong muốn đóng góp sức trẻ cho quê hương bằng cách xây dựng thương hiệu cho con ba khía quê nhà. Năm 2017, cơ sở kinh doanh Ba khía Đầm Dơi (nay là HTX Ba khía Đầm Dơi) được hình thành.
“Trong 5 năm gắn bó với đề án trí thức trẻ về nông thôn. Đến khi đề án kết thúc, hai vợ chồng tôi nảy sinh ý tưởng lựa chọn sản vật quê hương để khởi nghiệp. Bởi thực tế, tuy có hàng trăm cơ sở sản xuất, nhưng chưa phát huy hết hiệu quả, cũng như tận dụng loài con đặc sản này để làm ra những sản phẩm mới mang tính đặc trưng của vùng. Hai vợ chồng đều mong muốn đưa thương hiệu ba khía quê nhà đi xa hơn, tạo công ăn việc làm cho lao động có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương”, anh Miên chia sẻ.
Ba khía rất phổ biến ở miền Tây.
Việc chọn nghề muối ba khía để khởi nghiệp vào thời điểm đó được xem là hướng đi liều lĩnh, đầy thủ thách. Bởi vì xưa nay khi nhắc đến ba khía người ta mặc định ngay ba khía Rạch Gốc. Ngoài ra, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 400 cơ sở làm ba khía muối, việc chọn con ba khía khởi nghiệp đúng là điều không tưởng. Bởi thế, muốn vượt qua được phải có hướng đi mới mẻ và phải có sự khác biệt, phải có quy trình sản xuất riêng.
Theo chị Xa, nếu sản xuất ba khía theo quy trình truyền thống, chủ yếu sử dụng nước sông, nước biển, muối đen để muối ba khía. Với cách làm này không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lượng vi sinh trong nước không được kiểm soát triệt để làm người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe khi ăn. Từ đó, vợ chồng chị nghiên cứu sử dụng nước sạch đạt chuẩn để muối ba khía, dùng hạt muối trắng để ướp với mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch, an toàn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, số lượng ba khía muối ra bị hư, hao hụt rất nhiều do chưa có công thức ướp chuẩn, khiến hai vợ chồng có lúc rơi vào cảnh trắng tay.
"Thời gian đầu, rất nhiều mẻ ba khía muối bị thất bại. Mỗi lần thất bại tôi lại tìm tòi làm lại từ đầu và nguồn vốn cũng cạn kiệt đi nhiều. Tuy khó khăn, nhưng đã đặt quyết tâm phải làm cho tới khi ra được mẻ ba khía ngon, chất lượng nhất”, chị Xa kể lại.
Sau nhiều lần thất bại và đúc rút kinh nghiệm, hai vợ chồng thành công tìm ra công thức ướp chuẩn nhất. “Cách muối ba khía thì vẫn giữ nguyên cách muối truyền thống trước giờ, chỉ cải tiến công thức để sản phẩm làm ra an toàn, hợp vệ sinh hơn”, chị Xa nói.
Sau nhiều lần thất bại và đúc rút kinh nghiệm, hai vợ chồng chị Xa thành công tìm ra công thức ướp ba khía chuẩn nhất.
Năm 2020, sản phẩm ba khía đầm dơi đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Nhờ tận dụng tốt mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, những đơn hàng ngày một nhiều hơn. Tích lũy được chút vốn, vợ chồng chị đầu tư máy móc hiện đại, thuê thêm nhân công… đảm bảo quy trình làm sạch sẽ, nghiêm ngặt, an toàn vệ sinh khi đến tay người tiêu dùng. Năm 2020, sản phẩm ba khía đầm dơi đạt chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm chất lượng, tiếng lành đồn xa, thị trường mở rộng.
Theo chị Xa, ba khía được sơ chế và lựa chọn từ thiên nhiên là những con ba khía tươi sống, sống vùng đầm lầy phù sa ở Cà Mau, không có ba khía nơi nào sánh bằng. Từ một sản phẩm là ba khía muối, trong quá trình sản xuất, vợ chồng chị Xa không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, sáng tạo để lần lượt trình làng những sản phẩm mới được chế biến từ con ba khía nhằm đa dạng sản phẩm, tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu đặc sản quê nhà.
Nhiều sản phẩm được vợ chồng anh chế biến từ con ba khía như: Ba khía muối, ba khía muối trộn sẵn, ba khía tươi cấp đông, ba khía cốm cấp đông… Đặc biệt, sản phẩm riêu ba khía đang được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm riêu ba khía lần đầu tiên xuất hiện ở huyện Đầm Dơi được coi là chuyện lạ nhất về ẩm thực Cà Mau, chỉ có vợ chồng chị Xa ở HTX ba khía Đầm Dơi mới làm được.
Chị Xa (áo đen ở giữa) cùng chồng gây dựng nên cơ sở ba khía hiện đại nhất Cà Mau - (Ảnh: Ngọc Trinh).
Đeo huy chương cho sản phẩm từ ba khía
Đến nay, các sản phẩm HTX ba khía Đầm Dơi có mặt nhiều nơi, từ bán sỉ nhỏ đến các nhà phân phối từ Cà Mau tới Hà Nội. Nhiều khách mua mang đi nước ngoài, trong đó đi Hàn, Mỹ, Đài Loan để làm quà biếu.
Quy trình chế biến ba khía phải trải qua nhiều công đoạn, ba khía được gây tê bằng nước đá trong 5 phút rồi rửa bằng hệ thống băng chuyền. Để tiết kiệm thời gian và đảm bảo vệ sinh cho nguyên liệu đầu vào, chị Xa đã chi khoảng 500 triệu đồng đầu tư hệ thống này. Ba khía được nhân công phân loại, sau đó đem đi ủ muối 4 ngày 4 đêm. Nước muối dùng muối ba khía được cơ sở pha theo tỷ lệ riêng, sau đó chưng cất ở nhiệt độ cao.
Sau hơn 7 năm khởi nghiệp, chị Xa cùng chồng thành lập hợp tác xã với 7 thành viên cùng hơn 250 hộ liên kết cung cấp nguyên liệu. Để phục vụ tốt nhất cho khách hàng, các sản phẩm được vợ chồng chị Xa chăm chút kỹ lưỡng với nhãn mác rõ ràng, định lượng đa dạng, hợp vệ sinh. Ngoài máy rửa, cơ sở còn đầu tư máy đóng gói, hút chân không, hệ thống kho lạnh... tổng giá trị hơn 3 tỉ đồng.
Vợ chồng chị Xa đầu tư hơn 3 tỉ để làm xưởng ba khía hiện đại nhất miền Tây - (Anh: Ngọc Trinh). |
Bên cạnh việc bán hàng qua các kênh truyền thống, vợ chồng chị Xa còn nhanh nhạy trong việc bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh mạng xã hội, tik tok… Nhờ đó, mỗi tháng xuất bán ra thị trường từ 3 - 4 tấn ba khía thành phẩm.
Hiện, tỉnh Cà Mau có hơn 400 cơ sở sản xuất ba khía muối. Trong đó, duy nhất cơ sở của vợ chồng chị Xa có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn). Từ sản phẩm ba khía muối ban đầu, dần dần với sự nỗ lực, vợ chồng chị Xa đã nâng tầm thương hiệu ba khía Đầm Dơi và "đeo huy chương" cho sản phẩm ba khía của mình như: hạng 1 cuộc thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL năm 2020; hạng nhất cuộc thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Cà Mau năm 2020; được cấp phép chứng nhận VSATTP và giấy phép kinh doanh…
Hiện cơ sở bán ba khía muối nguyên con giá 130.000 - 160.000 đồng/kg, ba khía muối nước mắm giá 220.000 đồng/kg, ba khía trộn sẵn giá 160.000 - 180.000 đồng/kg… Mỗi năm, cơ sở của vợ chồng chị bán ra thị trường khoảng 50 tấn sản phẩm từ ba khía, thu lãi hơn 1 tỉ đồng.
Theo chị Xa, các sản phẩm OCOP của HTX ba khía Ðầm Dơi không chỉ thâm nhập các chuỗi siêu thị mà còn đang được cung ứng cho một số cửa hàng đặc sản của người Việt ở Úc, Ðài Loan. Ðánh giá xuất khẩu là hướng phát triển khả quan nên HTX định hướng sẽ xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cao hơn để nâng cao uy tín, thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Ngọc Trinh
Tin tức khác