Mỗi khi cắt lá tỉa cành cho cây trong vườn, nhà thơ Đỗ Thị Tấc đều bảo: “để tao cắt tóc cho mày nhé”. Chị sợ cây đau. Chị tâm sự với tôi, mỗi lần đi công tác về, việc đầu tiên, chị chạy ra vườn trò chuyện với cây. Chị dạy con về tình yêu thương cũng bắt đầu từ việc yêu cây cỏ.
Tôi cũng là người rất yêu cây. Căn hộ tôi ở xanh ngắt các loại cây. Nhờ có chúng, mỗi khi làm việc, thưởng trà, đọc sách, nghe nhạc, chén trà trên tay ngon hơn, sách thú vị hơn, tiếng nhạc cũng hay hơn, công việc bớt nặng nề. Tôi thấy nhà mình trở thành thiên đường. Mỗi khi có dịp đến công viên hay ngoại ô, tôi thường thực hiện “thiền ôm cây”. Dang rộng vòng tay, tôi ôm lấy thân cây như ôm cha mẹ, người thân. Tôi áp má vào cây, cảm nhận mùi hương của chúng, khép mắt lại, nghe rõ từng hơi thở, từng nhịp đập tim mình. Tôi cảm nhận rõ nguồn năng lượng tươi mát, dễ chịu từ cây, thấy tâm mình tĩnh lặng, thư thái vô cùng.
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nếu nhận thấy tính cách tương tức của vạn vật trong vũ trụ, ta sẽ vượt thoát ý niệm cho rằng, chúng ta là thực thể tách biệt khỏi muôn loài. Khi đó, tình thương, lòng từ bi trong ta sẽ trở nên rộng lớn và chính năng lượng đó thôi thúc ta hành động để bảo hộ đất Mẹ.
Đề xuất trồng một tỷ cây xanh trong năm năm tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm những ai quan tâm đến môi trường cảm thấy được an ủi. Song làm thế nào để sáng kiến ấy sớm trở thành hiện thực, hơn thế, hiệu quả cao?
Hãy thử làm phép tính. Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 97.631.000 người. Để có một tỷ cây xanh trong năm năm, mỗi người sẽ phải trồng khoảng 2,5 cây trong một năm. Trừ đi số trẻ em, người già, một người trong độ tuổi lao động sẽ trồng khoảng 5 cây xanh mỗi năm. Con số đó không quá lớn. Song làm thế nào để mọi người Việt đều muốn trồng cây, và trồng thật? Có lẽ kêu gọi không mấy tác dụng mà phải bằng một kế hoạch hành động quốc gia.
Một lần tới Hàn Quốc, tôi được nghe anh Joo-won, giám đốc công ty du lịch kể về cách chính phủ nước này đã phục dựng màu xanh. Những năm 90 của thế kỷ trước, để trở thành con hổ kinh tế, Hàn Quốc đã biến thành trung tâm công nghiệp bụi bặm, không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều khu rừng bị tàn phá do khai thác mỏ, khai thác gỗ nhằm công nghiệp hóa. Nhưng nay, Hàn Quốc được xem là quốc gia thành công trong việc cải tạo môi trường.
Chính phủ Hàn Quốc đã phát động nhiều chiến dịch sáng tạo nhằm khuyến khích người dân trồng và bảo vệ cây xanh. Ngày Quốc tế rừng 21/3, chính phủ đã kêu gọi dân chúng thể hiện tình yêu với cây cối, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ màu xanh, trong đó đặc biệt nhất là chiến dịch “ôm cây trong một phút” tại cánh rừng ở phía Bắc thủ đô Seoul. Hơn 1.000 người đăng ký tham dự. Họ đều đã ôm cây tới hàng chục phút. Là người trực tiếp tham gia sự kiện ôm cây, Joo-won nói: “chúng tôi đều rất vui vẻ và hạnh phúc”.
Người dân Hàn Quốc được khuyến khích trồng càng nhiều cây càng tốt, đặc biệt những cây dễ trồng, tăng trưởng nhanh, tán rộng để phủ xanh mặt đất. Những chiến dịch quốc gia như vậy đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đất rừng của Hàn Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 1950 và khoảng 2/3 diện tích đất nước này hôm nay đã được bao phủ bởi tán cây. Bảo vệ môi trường thực tế đã trở thành khẩu hiệu quốc gia của nước này.
Một điều tôi băn khoăn, Việt Nam sẽ trồng loại cây gì để có tác dụng làm lá chắn chống lũ lụt, cải tạo không khí, đất và nước? Nếu trồng thêm rừng keo, cao su, bạch đàn, hiện trạng chẳng khá hơn là bao. Bởi những loại cây này chỉ có giá trị về kinh tế cho nhà đầu tư, thậm chí còn được các nhà thực vật học chứng minh không có tác dụng rõ rệt trong cải tạo môi trường, khó mà giúp giữ đất, ngăn cản được lũ ống, lũ quét như rừng tự nhiên.
Và bên cạnh đó, việc rất quan trọng đồng thời với trồng cây gây rừng, Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ quyết liệt những khu rừng nguyên sinh còn sót còn lại? Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, Việt Nam buồn thay “lập kỷ lục” phá rừng nguyên sinh đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Nguyên nhân mất rừng có lẽ ai cũng biết, đầu tiên cũng chỉ vì đồng tiền và lợi ích kinh tế, sau đó là kém tuân thủ pháp luật.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam đạt 14,6 triệu hecta đất có rừng vào năm 2019 với độ che phủ ước đạt 42%. Nhưng trên toàn lãnh thổ, những khu rừng nguyên sinh nguyên vẹn chỉ còn 0,25%. Tổ chức Giám sát rừng toàn cầu thống kê, từ năm 2001 đến 2018, Việt Nam đã mất đi hơn 2,6 triệu hecta rừng, tương đương với giảm 16% diện tích rừng tự nhiên. Cho nên, chẳng có gì ngạc nhiên nếu bạn đi khắp các vùng sâu, vùng xa, suốt một dải Tây Bắc, cao nguyên, đâu đâu cũng thấy những mảng đồi trơ trọi nhức nhối.
Nói về việc trồng cây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng phê phán chuyện nhiều vị lãnh đạo trồng cây mà đi găng tay trắng muốt, cầm cán xẻng quấn vải xanh đỏ, có người che ô để cầm ô-doa tưới nước. Có vị xúc vài xẻng đất lấy lệ, rồi người thì bưng chậu nước, kẻ đưa khăn bông trắng muốt đến tận nơi cho rửa, lau tay. Rất phản cảm.
Làm thế nào để trồng cây trở nên thực chất? Với tất cả băn khoăn trên, tôi tin rằng một tỷ cây xanh chỉ thành hiện thực nếu nó trở thành từ khóa kèm kế hoạch hành động chi tiết, công khai và nghiêm túc. Giáo dục môi sinh bắt đầu từ việc thay đổi sâu sắc nhận thức của mọi công dân về môi trường và khí hậu – đối tác sinh tồn của mỗi chúng ta. Biết bao năm qua, ta đã đối xử với các sinh linh, loài vật, cỏ cây quá tàn nhẫn, vì sự vị kỷ của mình.
Trong hai thập kỷ qua, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh nhất thế giới – khoảng 5% mỗi năm. Tình trạng lạm dụng khai thác tài nguyên như cát, thủy sản và gỗ đang ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của đất nước. Bên cạnh đó, đại đa số người dân và nền kinh tế đều đang bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu.
Cây xanh còn giúp quốc gia đạt được lợi ích kinh tế, xã hội, cải thiện uy tín của chính phủ như những gì Hàn Quốc, Singapore đã làm. Những khu rừng mini sẽ khiến các thành phố, khu du lịch trở nên hấp dẫn hơn, lợi nhuận từ du lịch và kinh doanh sẽ cải thiện. Một tỷ cây xanh, nếu làm được, là khởi đầu của một đất nước ứng xử tử tế hơn với môi trường và chính con cháu mình.
Tổ tiên người Việt quan niệm rằng “vạn vật hữu linh”. Cái cây, ngọn cỏ cũng có linh hồn, vì đâu ta chưa đối xử với chúng như con người?
Theo HOÀNG ANH SƯỚNG / VNEXPRESS
Tin tức khác