Thời gian 13/12/2024 7:17 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Về hưu mê sinh vật cảnh... Nhà báo - Nhà thơ Nguyễn Châu

Là một nhà giáo nhiều năm dạy chữ cho bao lứa học trò miền núi, Nguyễn Châu làm thơ rồi sang làm báo. Trước khi nghỉ hưu, ông là Phó Tổng Biên tập Báo Hạ Long. Đến nhà ông chơi, tôi thực sự bất ngờ, bởi Nguyễn Châu bây giờ lại đam mê cây cảnh và cá cảnh đến lạ. Ông bảo: Về hưu rồi, làm cái “anh bonsai” này cũng thú vị. Còn kiến thức chuyên môn thì “học thầy không tày học… mạng”. Trên mạng có nhiều thứ ta chưa biết, có những nghệ nhân nổi tiếng trong nước và thế giới dạy rất cặn kẽ về trồng và chăm sóc cây cảnh, cá cảnh...

Tiểu cảnh “Thị Mầu lên chùa” ở nhà Nguyễn Châu.

Nói vậy thôi chứ tôi biết ông cũng nếm trải không ít thất bại khi đầu tư vào cây cảnh, cá cảnh. Ông bảo, ông đến với thú chơi cây cảnh và cá cảnh cứ như …“chim chích vào rừng”. Tôi đùa, bảo Nguyễn Châu rằng: - Phải như “Nhái bén ra biển” chứ! (“Nhái bén ra biển” là tên một tập thơ của Nguyễn Châu), cái gì cũng lạ lẫm, cái gì cũng muốn làm bằng được. Mày mò uốn, tỉa, cắt ghép, tưới tắm đâu phải loại cây nào cũng giống nhau, mùa nào cũng làm được, loài cá cảnh nào cũng cần chăm sóc như nhau. Mỗi khi cây chết, cá chết nhà thơ lại cười: “Thêm một bài học nữa, học phí cao quá...”. Nguyễn Châu đã từng một mình một thuổng lên rừng đào cây sa tùng (thanh hao), cây me rừng về trồng trong chậu. Cây lên xanh tốt mơn mởn cứ tưởng chắc chắn sẽ có một chậu bon sai đẹp, ai ngờ vài tháng sau cây héo dần, bỏ cành rồi chết hẳn. Lại đào, lại trồng, lại thất bại. Hoá ra, cây sa tùng, cây me rừng sống trên đồi cằn cỗi khô hạn là thế nhưng đưa về trồng trong chậu lại khó sống! Thấy những chậu bon sai hoa giấy trong sân nhà Nguyễn Châu nở hoa rực rỡ, ai cũng thích. Tuy nhiên, để có được bí quyết cho hoa nở nhiều, nở liên tục cũng không phải dễ dàng gì, cũng là cả một quá trình mầy mò thử nghiệm nhiều năm thất bại mới có được. Nhìn tiểu cảnh “Thị Mầu lên chùa” của Nguyễn Châu không khỏi bật cười khi thấy cô nàng Thị Mầu ngúng nguẩy ra về, còn chú tiểu thì ngồi im lặng mà tụng kinh gõ mõ trước sân chùa.

Nguyễn Châu đã nhiều lần thất bại khi nuôi cá cảnh, ban đầu từ các loại cá nhỏ rẻ tiền rồi đến cá vàng, cá La Hán và bây giờ là cá Rồng. Mày mò tự làm lấy đèn trang trí, đắp phù điêu cho bể cá. Sưu tầm đá suối, đá nhũ cho vào bể. Nguyễn Châu cần mẫn, tỉ mẩn như một cậu học trò nhỏ chăm chỉ đam mê sinh vật cảnh. Bây giờ Nguyễn Châu có thể ngồi ngắm hàng giờ chú cá Rồng Kim long hồng vỹ lững lờ bơi trong bể. Ông nhận ra sự thay đổi của từng chiếc vẩy cá không khác gì nhìn thấy sự phát triển của từng chồi non trong vườn cây cảnh của mình…

Hoài Giang

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng