Trịnh Đức Thuận
“Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đó là định hướng cho văn hoá nghệ thuật (VHNT) nói chung và Văn hóa nghệ thuật Sinh vật cảnh Việt Nam (VHNT SVC VN) nói riêng.
Chùa Một cột - tranh sơn mài
Vì sao VNHT SVC VN trước hết phải tiên tiến? VHNT SVC VN hiện đang ở trình độ nào?
VHNT SVC chưa đạt tới trình độ tiên tiến (bao gồm cả quy trình sản xuất đến tạo tác nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao), nên sản phẩm SVC thiếu sức cạnh tranh, khó khăn trong việc lưu thông chiếm lĩnh thị trường thế giới, thậm chí thua ngay trên sân nhà. Nếu không tiêu thụ được sản phẩm SVC thì chẳng những không xoá được đói nghèo mà còn làm cho những người sản xuất SVC nghèo thêm. VHNT SVC VN không đạt trình độ tiên tiến thì làm sao có thể góp phần làm giàu cho kho tàng VHNT SVC thế giới?
Muốn VHNT SVC tiên tiến thì trước hết phải giao lưu mạnh mẽ với SVC nước ngoài xem họ đang làm gì? Làm như thế nào? Ta học gì ở họ và họ cần gì ở ta? Do điều kiện kinh tế khó khăn nên ta chưa có nhiều người ra nước ngoài để tham quan, dự hội thảo, học tập có hệ thống VHNT SVC thế giới. Chúng ta đang khắc phục tạm thời bằng tiếp thu thông tin qua các phương tiện thông tin: sách báo, ti vi, internet... Tạp chí Việt Nam Hương Sắc đang cố gắng chuyền tải VHNT SVC của cả nước, nhất là những tác phẩm của nghệ nhân bậc thầy thế giới như Kimura đến với bạn đọc. Mục đích riêng không phải để ta bắt chước làm y như Kimura mà là học tập ở ông một tinh thần làm việc khoa học và nghiêm túc, dựa trện nền tảng tri thức sâu rộng, một thái độ không chiu bó tay trước những cây phôi rất khó sử lý, một tư duy nghệ thuật say sưa và sáng tạo với những ý tưởng nghệ thuật siêu việt để từ đó chúng ta vận dụng phần nào vào việc tạo tác sản phẩm SVC của ta.
Để có một trình độ VHNT SVC tiên tiến có nhiều việc phải làm, nhưng trước hết cần khắc phục một số trở ngại:
Văn hoá phát triển không ngừng theo quy luật: Các giá trị lỗi thời, những giá trị hiện hành và những giá trị mới đang hình thành sẽ lần lượt thay thế cho nhau. Bản sắc văn hoá cũng phát triển từ thấp đến cao theo trình độ của nền kinh tế và các giá trị mới của văn hoá được xác lập. Dân tộc còn thì văn hoá còn và ngược lại. Bản sắc văn hóa được thừa nhận là tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác (Hội nghị bàn về chính sách văn hoá tại Venise Ý năm 1970).
Bản sắc văn hoá được bảo vệ nhờ quy trình tiếp biến văn hoá. Tiếp biến văn hoá trải qua 3 bước: Bước 1 là sao chép, học lỏm làm đúng như sản phẩm của nước ngoài. Sao chép đúng cũng là một thành công chứ không phải là xấu; Bước 2 là song song tồn tại giữa sản phẩm nước ngoài với sản phẩm cổ nội địa; Bước 3 là biến đổi, kết tinh từ sản phẩm nước ngoài với sản phẩm nội địa để sáng tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới phù hợp với điều kiện, tập quán, tâm linh… của nước mình. Lịch sử đã chứng minh nước ta bị phong kiến Trung Quốc đồng hoá về văn hoá hàng nghìn năm, chúng ta tiếp nhận được rất nhiều giá trị văn hoá của người Trung Quốc nhưng lại chống đồng hoá thành công. Người Nhật tiếp thu bồn tài của Trung Quốc rồi biến thành bonsai mang đậm triết lý và bản sắc văn hoá Nhật.
Các nước G8 đã có một nền văn hóa phát triển rất cao, nhưng vẫn là 8 nền văn hoá mang bản sắc riêng chứ không hòa nhập làm 1. Đương nhiên có những thế lực muốn áp đặt giá trị văn hoá của nước mình cho các nước khác. Vấn đề là chúng ta tiếp biến văn hoá có bài bản hay không? Chúng ta không sợ nghiên cứu về Bonsai sẽ bonsai hoá cây cảnh nghệ thuật Việt Nam.
Chúng ta rất khuyến khích việc tạo hình mô phỏng thu nhỏ các phong cảnh đẹp của đất nước VN: hòn Trống mái ở Vịnh Hạ Long, hòn Phụ tử ở Kiên Giang, chùa Một cột ở Hà Nội, mái đình và cây đa Tân Trào ở Tuyên Quang, hang Pắc Bó ở Cao Bằng... Nhưng đó không phải là biện pháp duy nhất để giữ gìn bản sắc trong VHNT SVC. Có lẽ cái cần phải tránh đối với một số nghệ nhân VN hiện nay là thích đặt các tuợng đất nung của Trung Quốc mang tích Trung Quốc vào sản phẩm SVC của mình. Tiếc rằng ngành gốm sứ của ta lại chưa quan tâm sản xuất được nhiêu sản phẩm gốm sử theo các điển tích VN, chất lượng và nghệ thuật các tượng gốm sứ của ta lại chưa cao trong khi tượng gốm sứ của Trung Quốc thì tràn ngập thị trường. Người làm SVC cứ mua, cứ đặt vào một cách thô thiển làm mất bản sắc dân tộc, đó là việc cần tránh.
Nghệ thuật SVC là nghệ thuật ẩn dụ, khái quát và trừu tượng hoá rất cao tạo nên cái thú say mê giàu tưởng tượng và chiêm nghiệm trong thưởng ngoạn chứ không đơn thuần chỉ là xem phong cảnh thật thu nhỏ. Chúng ta thật sự khó khăn trong việc định hướng cụ thể để có VHNT SVC tiên tiến mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Có lẽ một số ca khúc mới phảng phất âm huởng dân ca như những bài: trên đỉnh phù vân, mái đinh làng biển, phủ tây hô... đáng để chúng ta tham khảo chăng.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác