Thời gian 22/11/2024 2:17 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Tư vấn chính sách: Tổ chức lại sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả ngành kinh tế sinh vật cảnh

Sự phát triển của kinh tế sinh vật cảnh trong nhiều năm qua không chỉ mang lại giá trị văn hóa, tinh thần mà thực sự đã trở thành một ngành kinh tế đem lại giá trị cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua ngành sinh vật cảnh phát triển chủ yếu là tự phát theo kinh nghiệm truyền thống, do các hộ nhỏ lẻ thực hiện mà chưa tổ chức sản xuất theo hướng tập trung có qui mô lớn; việc tăng cường liên kết giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, các hợp tác xã chưa được quan tâm đúng mức, thị trường tiêu thụ một số loại sản phẩm nhiều lúc gặp khó khăn. Do vậy chưa khai thác được hết tiềm năng to lớn của ngành này.

Vườn hoa tại Đà Lạt

Theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Sinh vật cảnh được xác định là lĩnh vực ngành nghề nông thôn cần được bảo tồn, phát triển. Hiện nay Chính phủ đã có nhiều qui định, cơ chế chính sách hỗ trợ để ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực sinh vật cảnh nói riêng có sự đổi mới, phát triển, theo đó cần tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo định hướng như sau:

- Phát triển các hộ sản xuất có qui mô sản xuất về đất đai, lao động, khả năng về đầu tư đáp ứng được các tiêu chí để trở thành các trang trại. Khi được công nhận là trang trại thì người sản xuất sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 03/2000 /NĐ-CP về kinh tế trang trại như: đất đai, lao động, thuế, vay vốn tín dụng hỗ trợ trang trại, chính sách bảo hộ tài sản đã đầu tư của trang trại. Tuy nhiên do Nghị quyết được ban hành đã lâu, nên hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Nghị định của Chính phủ về trang trại để thay thế Nghị quyết này trong thời gian tới đây.

- Phát triển các Tổ hợp tác: Các hộ sản xuất nhỏ lẻ trên cùng một địa bàn, cùng sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh có thể hợp tác với nhau để thành lập các Tổ hợp tác theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức hoạt động của Tổ hợp tác; khi thành lập Tổ hợp tác được chính quyền cấp xã xác nhận thì qui mô sản xuất kinh doanh tăng lên và Tổ hợp tác được vay vốn sản xuất kinh doanh, kí hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và được hưởng các chính sách khác hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Do Nghị định được ban hành đã lâu nên hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Nghị định mới về Tổ hợp tác với các chính sách khuyến khích ưu đãi hỗ trợ nhiều hơn để phát triển loại hình này.

- Phát triển các Hợp tác xã: Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trung ương Đảng có nhiều chủ trương, Quốc hội đã ban hành Luật HTX năm 2012; Chính phủ có Nghị định 98/2018/NĐ-CP về liên kết tiêu thụ nông sản trong nông nghiệp; Nghị định 55/2014/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP về vốn tín dụng cho nông nghiệp; Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2018 hỗ trợ phát triển các HTX giai đoạn 2014-2020 với các chính sách hỗ trợ các dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm, hạ tầng kỹ thuật, đào tạo, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và vốn tín dụng.

-  Phát triển các ngành nghề nông thôn và các làng nghề: Theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn thì làng nghề hoạt động sinh vật cảnh được xác định là ngành nghề nông thôn, do đó có thể tổ chức thành các làng nghề sinh vật cảnh, làng nghề truyền thống sinh vật cảnh và nghề truyền thống sinh vật cảnh. Củng cố và phát triển các loại làng nghề, nghề sinh vật cảnh này sẽ được hưởng chính sách về mặt bằng sản xuất, tín dụng đầu tư, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…

Đối với dự án về ngành nghề nông thôn được hỗ trợ: Mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo dự án; tập huấn cho người tham gia dự án, tổng kết dự án; quản lý dự án.

Đối với hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề: Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề (đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề).

Ngoài ra các ngành nghề, làng nghề sinh vật cảnh được hưởng các chính sách hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp và nông thôn theo các qui định hiện hành khác của Nhà nước.

Phát triển kinh tế sinh vật cảnh có nhiều giải pháp đồng bộ cần triển khai, trong đó việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh theo hướng phát triển các làng nghề, ngành nghề, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã là rất quan trọng để có sự hỗ trợ từ những cơ chế chính sách của Chính phủ, từ đó sẽ có thêm nguồn lực cho kinh tế sinh vật cảnh có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Theo Tạp chí VNHS

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng