Thời gian 22/11/2024 6:07 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Từ Central Park nghĩ về công viên Thống Nhất

Mỗi khi nhìn vào bản đồ thành phố New York, nhìn vào công viên Trung tâm (Central Park) nằm chính giữa khu Manhattan đông đúc, tôi lại nghĩ về Hà Nội, nghĩ đến công viên Thống Nhất nơi mình thường chạy thể dục mỗi buổi chiều.

Việc so sánh hai thành phố, hai công viên và cách ứng xử của con người đối với những không gian công cộng có thể mang lại một vài điều mà chúng ta (hay thành phố Hà Nội) có thể tham khảo.


Bản đồ khu vực Central Park ở thành phố New York (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Sự tồn tại của Central Park ở New York là một trong những bằng chứng rõ ràng thể hiện cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Thành phố đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân. Và tôi luôn mong ước rằng công viên Thống Nhất cũng được trân trọng và giữ gìn như vậy.

Mấy ngày nay, thấy báo chí trong nước đưa tin về việc xây dựng một khách sạn trong công viên, tôi nghĩ mình cần phải nhanh chóng viết ra và chia sẻ những suy nghĩ của mình - một người dân thành phố về cái công viên mình yêu quý, trước khi quá muộn.

Cũng giống như công viên Thống Nhất, Central Park là một công trình hoàn toàn nhân tạo, và cũng được xây dựng lên bằng chính công sức của người dân thành phố. Người ta đã phải mất 15 năm (từ 1858), vận chuyển tống cộng gần 5 triệu mét khối đất đá... với tổng chi phí khoảng 200 triệu đô la để hoàn thành công viên.



Central Park có diện tích rộng gấp khoảng 17 lần công viên Thống Nhất, nhưng điều ấn tượng nhất chính là cái hình dáng chữ nhật của nó. Chiều dài cắt qua hơn 50 con phố và chiều rộng cắt qua 3 đại lộ. Một hình chữ nhật hoàn hảo tồn tại 150 năm cho thấy tính quyết liệt trong quy hoạch, và quan trọng hơn, nó thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối của thành phố đồi với ranh giới của công viên.

Central Park chỉ bao gồm cây cố thụ, vườn hoa, hồ nước, đường đi bộ, đường xe đạp, một số khu vui chơi công cộng và dịch vụ ăn uống. Trải qua 150 năm, có nhiều giai đoạn, Central Park cũng bị xuống cấp, hoa cỏ nhiều lần tàn lụi, nhưng chưa bao giờ người ta có kế hoạch xây dựng những công trình thương mại trong công viên. Công trình duy nhất được xây dựng trong công viên cũng là một công trình công cộng. Đó chính là Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York.





Đất ở khu Manhattan luôn được tận dụng tối đa. Quỹ đất của quận này dường như đã cố định. Vì thế mà càng ngày người ta càng phải xây thêm những tòa nhà chọc trời. Thành phố vì thế mà trở thành "thành phố chiều thẳng đứng". Nếu tòa nhà cao nhất hiện nay ở Hà Nội là 136 m thì New York hiện có 135 tòa nhà cao trên 140 m.

Tuy vậy, các không gian công cộng, trong đó có Central Park vẫn không bị xâm phạm. Vẫn biết rằng đất xây dựng của Hà Nội cũng đang thiếu, nhưng có thể so sánh được với Manhattan không? Ở một nơi mà giá trị đất đai dường như không được tính bằng tiền (Manhattan được coi là thủ đô tài chính của thế giới, lại là nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc), thì việc Central Pak - một công viên có diện tích chiếm gần 7% diện tích của quận Manhattan, tồn tại suốt 150 năm qua quả là một bản lĩnh mà không phải thành phố nào cũng có được.



Càng ngày người ta càng trân trọng những không gian công cộng hơn. Ở New York, nơi mà khái niệm "hàng xóm" không tồn tại theo bề ngang, nơi mà người dân sống trong những căn phòng xếp chồng lên nhau, thì việc dạo chơi trong công viên không chỉ đơn thuần là vận động thể xác, mà còn là cơ hội để người dân giao tiếp và tạo dựng các mối quan hệ cộng đồng vốn đang ngày càng bị lỏng lẻo. Hàng năm, Central Park có khoảng 25 triệu người đến vui chơi ở các mức độ thường xuyên khác nhau - một con số mà có lẽ giá trị không của nó không thể đo được bằng đô la.

Thiết nghĩ người dân Hà Nội yêu quý công viên Thống Nhất thì cũng nên thể hiện tình yêu đó bằng những hành động cụ thể hơn. Các công ty, khách sạn, doanh nghiệp xung quanh công viên và trên địa bàn Hà Nội hàng ngày vẫn hưởng lợi từ nguồn oxy do công viên mang lại, cũng nên có hành động "trả nghĩa".



Trong khi ngân sách của thành phố còn hạn chế thì việc huy động sự đóng góp của xã hội để duy tu và bảo vệ công viên là cần thiết. Chi phí để tôn tạo và bảo vệ Central Park hàng năm là gần 30 triệu đô la. Số tiền này phần lớn là những đóng góp của các cá nhân, các công ty, các Quỹ bảo vệ, như là một phần trách nhiệm phục vụ cộng đồng của họ. Chính quyền thành phố chỉ đóng góp một phần.

Central Park được coi là hình mẫu về bảo vệ và duy trì không gian công cộng trong các thành phố lớn. Người dân luôn coi công viên là một trong những niềm tự hào của thành phố. Nhưng quan trọng hơn, những giá trị mà Central Park mang đến được tạo ra từ chính công sức của người dân và từ cam kết phục vụ cộng đồng của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố, chứ chưa bao giờ từ một khoản tiền đầu tư của bất kỳ một công ty hay tập đoàn thương mại nào.
Tùng Nguyễn (Du học sinh Việt Nam tại New York)

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng