Anh Trần Thanh Phương chăm sóc vườn hoa giấy.
“Trước đây, tôi chuyên canh hoa giấy bán Tết. Mỗi năm thu hoạch 1 lần. Năm 2018, học hỏi kinh nghiệm nông dân Sa Đéc (Đồng Tháp), tôi bắt đầu trồng hoa giấy công trình. Lúc đầu, mọi người có vẻ nghi ngờ, chẳng tin. Tuy nhiên, tôi đã thành công, giải tỏa lo lắng đụng hàng dội chợ bán Tết, hay hoa rụng trong quá trình thu hoạch, vận chuyển nữa”, anh Phương chia sẻ.
Hiện tại, anh Phương đang trồng từ 4 - 5 ngàn cây hoa giấy công trình trong chậu trên 2,5 công đất. Chủ yếu là cây ghép bo giống Thái (ngũ sắc - 5 màu), Ấn Độ (đổi sắc - thay đổi màu hoa từ khi nở đến tàn), Mỹ, hồng phấn có thời gian và kích cỡ khác nhau. Trước đây, anh phải mua gốc ghép từ Sa Đéc. Nay, anh dành 2 công đất trồng hoa giấy làm nguồn nguyên liệu (gốc ghép, cành giâm) để ghép bán công trình, bán Tết.
Mỗi lứa, anh xuất bán từ 500 - 1.000 cây cho các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Đồng Nai, Nha Trang. Thương lái đến tận vườn thu mua. Giá cả đa dạng, tùy theo kích cỡ, kiểu dáng, thỏa thuận mua bán hợp lý. Giá thấp nhất 40 ngàn đồng/chậu, cây không ghép, phát triển tự nhiên từ cành giâm, dáng đẹp, trồng trong chậu C10 (chậu nhỏ nhất, mũ đen).
Trung bình cây từ 3 - 4 tháng là có thể xuất bán. Thương lái thường chọn thu mua cây có chiều cao từ 1 - 1,2m. Riêng hoa giấy Mỹ kéo dài thêm 1 - 2 tháng nữa, tốn công uốn, tạo dáng, giá thành cao hơn giống khác. Hai năm bán ít nhất 5 lứa, bán cả khi cây chưa ra hoa, nhưng phải đảm bảo uy tín và chất lượng kèm theo. Mùa mưa, sâu bệnh xuất hiện nhiều trên hoa giấy. Thời gian khác, chủ yếu cuốn chiếu, sùng, bọ vàng gây hại rễ, lá cây; anh rải sát trùng hoặc sử dụng thuốc đặc trị tiêu diệt hiệu quả.
Anh Phương cho biết: Người trồng hoa giấy công trình thường sử dụng bạt đen lót nền, kê cao chậu bằng gạch hoặc chậu xi-măng úp ngược. Hoa được trồng trong chậu xi-măng quay hoặc mũ đen, bán kính từ 25 - 80cm, tùy theo kích cỡ của cây. Khoảng 1 tuần thì đưa gốc ghép vào chậu, người trồng sẽ tiến hành ghép bo (dùng bọc nylon trắng, loại nhỏ nhất chùm đầu ghép, sử dụng dây buộc lại). Tùy sức khỏe cây, khoảng 15 - 20 ngày tháo bọc, cho cây phát triển ổn định, ngắt đọt tạo nhánh, tạo dáng.
Sử dụng dây nylon đen, thanh tre (3 - 4 thanh, buộc thành chùm, hình tháp nhọn) cố định giúp cây tránh ngã đỗ, hư hỏng. Dây kẽm chuyên dụng uốn nhánh theo ý người trồng. Từ 10 - 15 ngày, rải phân tỷ lệ 20-20-15 hoặc 17-17-17 hỗ trợ hoa tốt (nếu khách hàng muốn mua cây nở hoa). Tưới nước mỗi ngày, càng ướt càng tốt (do bón phân, cây nóng nên cần nước). Sử dụng nước sông, rạch để tưới. Mùa hạn mặn, dùng nguồn nước giếng khoan cạn (10 - 11m) cung cấp cho cây.
So với hoa Tết, hoa công trình cực công chăm sóc, nhưng nhẹ lòng suy nghĩ đầu ra, lại cho nguồn thu ổn định quanh năm; đủ thước tấc khách hàng yêu cầu là bán được. “Nguồn thu, bán bao nhiêu tôi đầu tư xây dựng, trồng vườn cây nguyên liệu bấy nhiêu. Đến khi trồng hết diện tích hoa giấy nguyên liệu, tôi mới biết chính xác nguồn thu nhập”, anh Phương cho hay.
Khi chưa xây dựng được vườn nguyên liệu, anh Phương bỏ ra từ 50 - 70% chi phí sản xuất, lãi khoảng 30 - 50%. Nay hoàn thành vườn nguyên liệu, giúp anh tăng lợi nhuận, hạ chi phí sản xuất rất nhiều. Ngoài gia đình canh tác, để chăm sóc tốt hoa giấy, anh thường thuê thêm nhân công, giúp giải quyết việc làm ổn định cho 3 - 4 lao động ở địa phương. Anh vẫn trồng hoa giấy bán Tết với số lượng ít, chủ yếu cung cấp cho khách hàng thân quen, mối lái lâu năm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn Võ Tấn Đức cho biết: Hoa giấy là sản phẩm chủ lực ở địa phương. Nghề trồng hoa giấy đã trở thành nghề truyền thống, tạo nguồn thu nhập gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Anh Trần Thanh Phương là người tiên phong trồng hoa giấy công trình cùng hoa giấy bán Tết thành công, góp phần mở ra nhiều phương thức đưa hoa giấy đến thị trường, giúp người trồng yên tâm sản xuất, ổn định nguồn thu.
Theo Báo Đồng Khởi
Tin tức khác