Trà hoa vàng (Camellia spp.) là một loại thực vật hạt kín thuộc họ chè (Theaceae). Cho đến nay, trà hoa vàng chỉ được tìm thấy ở một số vùng thuộc Trung Quốc, Việt Nam (Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…) và đã được ghi vào sách đỏ, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Bên cạnh giá trị làm cây cảnh, trà hoa vàng được đặc biệt quan tâm do giá trị dược lý của chúng mang lại. Các hoạt chất sinh học trong trà hoa vàng có khả năng chống oxy hóa, nhiều hoạt chất được chứng minh có vai trò quan trọng trong phòng chống lão hoá, ung thư và một số các bệnh khác.
Những năm gần đây, việc kiểm nghiệm dược lý các hoạt chất sinh học có trong trà hoa vàng đã được tiến hành trên động vật và đã cho kết quả khả quan. Năm 2009, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm trên chuột cho thấy, dịch chiết từ lá và hoa của cây trà hoa vàng có khả năng ức chế tế bào tiền ung thư gan. Các nghiên cứu khác trên thế giới sau đó cũng đã chỉ ra rằng trà hoa vàng có tác dụng rõ rệt trong việc giảm lượng lipid máu, rất tốt cho bệnh cao huyết áp do khả năng làm giảm và điều hòa huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hợp chất chống oxy hóa polyphenol trong trà hoa vàng còn cao hơn so với các chất polyphenol trong các loại trà khác. Các flavonids, polyphenol, polysaccharide trong trà hoa vàng có tác dụng chống viêm, ức chế ung thư gan, chống quá trình oxi hóa, điều chỉnh lipid huyết thanh giảm, kích thích sự thèm ăn và đặc biệt là không có tác dụng phụ.
Tại Việt Nam, trà hoa vàng được tìm thấy ở một số địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó Quảng Ninh là nơi xuất hiện nhiều trà hoa vàng. Theo kinh nghiệm dân gian loài cây này được sử dụng làm bài thuốc giải nhiệt, điều trị các bệnh về da như lở loét, ngứa.
Có thể nói, trà hoa vàng là một cây dược liệu quý, rất cần được bảo tồn, phát triển và khai thác hiệu quả giá trị của nó mang lại. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu về trà hoa vàng ở nước ta còn khá khiêm tốn khi mới dừng lại ở mức phân loại và đánh giá đặc điểm thực vật học, nghiên cứu về các hợp chất có hoạt tính sinh học có trong trà hoa vàng còn ít hoặc chưa được công bố. Điều này được cho là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của cây trà hoa vàng ở nước ta. Vì vậy, việc xác định hàm lượng một số hợp chất có hoạt tính sinh học trong cây trà hoa vàng (như lá, nụ hoa) sẽ làm cơ sở để đánh giá giá trị, khai thác hiệu quả loài cây này trong y học và đời sống, cũng như tiền để phát triển một số sản phẩm thương mại từ cây trà hoa vàng.
Nắm bắt được thực tế trên, từ năm 2014 đến năm 2017, Thạc sỹ Đặng Quang Bích và các cộng sự đã tiến hành thu thập các mẫu giống của cây trà hoa vàng tại huyện Hoành Bồ và Ba Chẽ thuộc tỉnh Quảng Ninh, đồng thời sử dụng kỹ thuật sắc ký lỏng phân giải cao HPLC để xác định hàm lượng một số hoạt chất sinh học có trong lá và nụ hoa cây trà hoa vàng. Kết quả thu được vô cùng khả quan với việc tìm thấy một loạt các hợp chất có hoạt tính sinh học bao gồm:
1. Hợp chất Catechin bao gồm: Catechin (C); Epicatechin (EC); Epigallocatechin 3-gallate (EGCG); Epicatechin 3-gallate (ECG). Catechin có tác dụng tuyệt vời với khả năng phòng chống một số bệnh nguy hại phổ biến như ung thư, béo phì, nhồi máu cơ tim do hàm lượng Cholesterol trong máu quá cao... Trong số các catechin này, EGCG là hợp chất nổi bật về hoạt tính sinh học do nó được đánh giá là một trong những catechin có hoạt tính chống oxy hóa tốt nhất.
2. Hợp chất Rutin và Quercetin cũng được xác định trên hai vật liệu lá và nụ hoa. Rutin và quercetin là các hợp chất có hoạt tính sinh học và dược lý cao, được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới trong điều trị các bệnh tim mạch (bảo vệ mạch máu) và là thành phần của nhiều chế phẩm đa sinh tố và các thuốc từ thảo dược. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rutin có khả năng làm tăng sự bền vững của thành mao mạch, chống oxy hóa, chống viêm nhiễm, chống ung thư và khối u. Quercetin có tác dụng cải thiện tuần hoàn, tăng trí nhớ, có tác dụng tích cực trong chữa các bệnh Alzheimer. Bên cạnh đó, Quercetin còn có tiềm năng để trở thành một liệu pháp hóa trị ung thư tuyến tiền liệt.
3. Các chất Resveratrol; Coumarin và nhóm Phenolic axit gồm: axit caffeic (CF); axit p-coumaric (PCA); axit salicylic (SLA); axit vanillic (VA) cũng được định lượng cụ thể trên hai loại vật liệu này của cây trà hoa vàng.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học trên mẫu nụ hoa đều cao hơn trên mẫu lá. Điều này chứng tỏ giá trị dược liệu của nụ hoa là ưu việt hơn lá. Đồng thời, kết quả phân tích các mẫu lá và nụ hoa của cây trà hoa vàng thu tại các địa điểm khác nhau cũng cho thấy sự khác biệt về hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học nêu trên.
Như vậy, với việc xác định được sự có mặt cũng như hàm lượng của các chất có hoạt tính sinh học trong cây trà hoa vàng có nguồn gốc tại Việt Nam đã một lần nữa khẳng định lại giá trị vô cùng quý giá của loại cây này. Được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có một loạt các giải pháp để bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh như đã tổ chức Lễ hội Trà hoa vàng vào năm 2016, hay phê duyệt và cho triển khai các dự án trồng và nhân giống cây trà hoa vàng tại huyện Hải Hà và Ba Chẽ... Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền, nhà khoa học và đặc biệt là người dân địa phương, trong tương lai không xa, cây trà hoa vàng sẽ ngày càng phát triển, trở thành một “cây thương hiệu” của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Tác giả: Đặng Quang Bích - Đại học Hải phòng, Nguyễn Văn Huấn - Đại học Thành Tây, Trần Văn Tam - Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh; Hoàng Hải Hà - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tin tức khác