Một góc của Làng hoa Sa Đéc ngày nay
Thêm hương sắc mới cho làng hoa trăm năm
Theo các tài liệu lịch sử đang lưu hành, do điều kiện tự nhiên – xã hội, nghề trồng hoa kiểng có mặt ở Sa Đéc từ cuối thế kỷ XIX. Nhờ lợi thế tự nhiên – xã hội, nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc nhanh chóng tạo ra bước phát triển vượt trội so với nhiều địa phương trong vùng. Đến thập niên 30, khi kinh tế, giao thương phát triển, nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc bắt đầu vươn xa với nhiều loại hoa như: vạn thọ, mào gà, thược vược, đặc biệt là hoa hồng với thế hệ nghệ nhân tiền bối như: Phạm Văn Nhạn, Phạm Văn Xoài, Trần Văn Dậu... ở khu vực Rạch Dầu, Ngã Ba... Lợi thế nằm bên bờ sông Tiền trĩu nặng phù sa, người dân thông minh, chăm chỉ... đã tạo ra những lợi thế vượt trội cho thương hiệu hoa Sa Đéc. Hình ảnh “trên bến - dưới thuyền” tấp nập những giỏ hoa chở đi khắp Nam kỳ lục tỉnh dịp Tết đến – Xuân về dần hình thành ở Sa Đéc với việc gia tăng thêm nhiều chủng loại từ Cái Mơn, Bến Tre.
Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng chiến tranh, cũng như nhiều địa phương trồng hoa ở Nam bộ, làng hoa Sa Đéc bị thu hẹp lại. Chỉ còn những người thực sự tâm huyết gắn bó với hoa kiểng như niềm đam mê. Vì thế đã dần hình thành những nghệ nhân gắn liền với loài hoa như bóng với hình. Như nhắc đến việc chiết Tùng hổ phách, là nghĩ ngay đến nghệ nhân Hai Hương, hay hoa Ọt – tăng – sa là nghĩ đến nghệ nhân Năm Dưỡng... Mãi đến giữa thập niên 50, nghề trồng hoa ở Sa Đéc mới bắt đầu khởi sắc trở lại. Đây là giai đoạn làng hoa Sa Đéc thu nạp để chuẩn bị cho cuộc bung lên, vươn xa. Bên cạnh việc du nhập nhiều giống hoa, kiểng, các nghệ nhân cũng từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật và từ đây sản sinh ra cả thế hệ người trồng hoa nổi tiếng như: Hai Ghiền, Út Nhỏ, Sáu Hộ, Bảy Phèo...
Trong đó, nghệ nhân Tư Tôn mà tên tuổi gắn bó với địa chỉ quen thuộc của làng hoa kiểng Sa Đéc (Vườn hồng Tư Tôn). Vì thế, thật ý nghĩa và nhân văn khi UBND TP.Sa Đéc chọn địa điểm Vườn hồng Tư Tôn để tổ chức tri ân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc. Bởi điều này không chỉ thượng tôn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” , tri ân tiền nhân đã dày công tạo dựng cho Sa Đéc nghề trồng kiểng lâu đời của Nam bộ, mà còn như cách thêm hương sắc đời cho Phố hoa Sa Đéc thêm lộng lẫy sắc màu chinh phục du khách gần xa. Đây là việc làm rất có ý nghĩa đối với làng nghề trăm năm, hiện đang phát triển với tốc độ phi mã.
Một góc trưng bày hình ảnh, bút tích ghi cảm xúc của du khách đến Vườn hồng Tư Tôn
Từ yêu nước đến yêu hoa
Ông Tư Tôn tên thật là Dương Hữu Tài (1926 - 2005) lâu nay được xem như “hậu tổ” của nghề trồng hoa Sa Đéc. Tuy nhiên, ông có lý lịch có thể khiến nhiều người hâm mộ.... bất ngờ khi biết trước khi yêu và gắn bó với nghiệp trồng hoa, ông là người yêu nước. Do sớm giác ngộ cách mạng nên ông tham gia kháng chiến chống Pháp khi còn rất trẻ. Tháng 10/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân Đồng Tháp bước vào năm thứ ba thì chàng thanh niên Dương Hữu Tài bị thương. Sau hơn 4 tháng nằm điều trị tại Trạm xá Gãy Cờ Đen giữa Đồng Tháp Mười, vết thương mới tạm ổn nhưng đã lấy đi phần lớn sức khỏe. Trở về cuộc sống đời thường, năm 1949, ông bắt đầu lập nghiệp với nghề trồng hoa. Đây là giai đoạn thực dân đẩy mạnh chống phá điên cuồng các phong trào cách mạng, thường xuyên bố, ráp nên việc trốn tránh các trận cuồng nộ của súng đạn đã quá vất vả. Vì thế việc gieo trồng càng vất vả hơn. Nhưng như định mệnh, ông Tư Tôn lại đam mê và gắn bó với hoa hồng.
Không chỉ tìm mọi cách để sưu tầm giống mới, ông còn mày mò nghiên cứu cách ươm những giống hoa hồng mới cho Sa Đéc, Từ đây, Sa Đéc trở thành xứ sở của các loài hoa vang danh khắp nơi, trong đó mảnh vườn của ông Tư Tôn tọa lạc khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông - được mệnh danh là Vườn hồng bởi sự vượt trội của loài hoa hồng. Theo lưu truyền của con cháu ông Tư Tôn - cho biết, vào thời điểm khởi nghiệp, ông tư Tôn được phú hộ họ Hồ tin thương và chia sẻ với niềm đam mê hoa hồng nên mỗi khi có được giống hồng đẹp lạ từ Pháp về, vị này thường gởi tặng ông Tư. Được người tận tâm chăm sóc, những giống hồng “xứ sở Ánh sáng” bén rể trên đất Sa Đéc. Sau quá trình sưu tầm, ông sàng lọc và chọn được 50 giống hồng thích nghi với môi trường, khí hậu Sa Đéc.
Dịp Tết Nguyên đán năm 1959, các giỏ hồng của ông Tư Tôn đã tạo ra sự ngạc nhiên cho người Sài Gòn bởi sắc màu rực rỡ. Từ đây, những người sành điệu chơi hoa, quý tộc ở đất Sài Thành ngạc nhiên trước các giống bông hồng đẹp, lạ. Chính vì thế, nhiều người đã lần dò xuất xứ nơi trồng và người trồng, nhiều người đã tìm về tận vườn của ông Tư Tôn để chiêm ngưỡng và mua về. Năm 1960, Vườn hồng Tư Tôn là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thời bấy giờ. Nơi đây được xem như một vườn sinh vật cảnh tiêu biểu cho miền Tây Nam bộ. Sau ngày thống nhất đất nước, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề và tâm huyết, ông Tư vẫn kiên trì gắn bó với nghề trồng hoa. Mãi đến thập niên 90, làng hoa Sa Đéc khởi sắc theo đà đổi mới đất nước. Vào dịp lễ Tết, mỗi ngày có từ 2.000 - 3.000 người đến thăm Vườn hồng Tư Tôn. Nhiều người đến thán phục và mong muốn được bày tỏ ngưỡng mộ. Để đáp ứng lòng mong mỏi đó, ông sắm quyển sổ cho khách ghi cảm xúc. Từ đó đến lúc ông qua đời, đã có hàng chục cuốn sổ ghi đầy những lời tưởng thưởng công sức nghệ nhân Tư Tôn của hàng ngàn người từ lãnh đạo, nhà thơ, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, sinh vật cảnh. Đặc biệt vào năm 1997, cố Tổng thống nước Pháp Jacques Chirac lúc còn là Thị trưởng đã đến đây viết và ký tên vào sổ lưu niệm.
Nơi an nghỉ của nghệ nhân Tư Tôn
Sau khi ông Tư mất, trải qua nhiều biến cố cùng với quá trình đô thị hóa, mãi đến năm 2020, với sự trợ giúp tâm huyết của nhiều lãnh đạo địa phương, con cháu bắt tay thực hiện khôi phục lại thương hiệu Vườn hồng Tư Tôn. Theo ông Nguyễn Văn Hon - Chủ tịch UBND TP.Sa Đéc, từ khi hoa kiểng được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực phát triển theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Làng hoa Sa Đéc có sự chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ trợ giúp phục hưng Vườn hồng Tư Tôn, bằng nhiều phương thức, hình thức tác động, hỗ trợ, Đồng Tháp và Sa Đéc đã đồng hành cùng nhà vườn nâng tầm làng nghề đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển. Đến nay tổng diện tích hoa kiểng ở Sa Đéc trên 680ha với hơn 2.300 hộ dân trồng hoa và trên 2.000 loài hoa kiểng. Không chỉ là Vườn kiểng lớn nhất vùng, với nhiều cách làm sáng tạo, các nhà vườn ở Sa Đéc còn biến tấu thêm các dịch vụ giải trí như: Homestay Ngôi nhà hoa ếch, Phong Le vent, Happyland Hùng Thy, Sa Nhiên Garden, Vườn hồng Tư Tôn, Neverland de Papillons, Du lịch sinh thái Hồng Hải, Cánh đồng hoa hồng... Qua đó chấp cánh cho làng hoa vươn lên, bay xa, trở thành làng nghề hoa hiếm hoi trên cả nước được du khách tìm đến tham quan quanh năm. “Trong thời gian tới, TP.Sa Đéc tiếp tục vận động người dân tiếp tục đầu tư phát triển thêm mô hình du lịch theo hướng chiều sâu để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn” - ông Hon nhấn mạnh.
Theo Báo ĐT
Tin tức khác