Các nhà vườn ở “thành phố trong sương” đang bước vào vụ rau, hoa và sẽ thu hoạch rộ trong vòng 2 tuần tới. Từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh vùng thấp bị ngưng trệ kéo theo việc tiêu thụ rau, hoa của thị xã khó khăn.
Những vườn hoa ly đã đến kỳ thu hoạch. |
Gia đình anh Triệu Tiến Thành (tổ 1, phường Ô Quý Hồ) đã có nhiều năm trồng hoa ly và hiện trồng hơn 30 vạn củ gối vụ. Các lứa hoa của gia đình đang đóng nụ, lứa trồng đầu tiên đã đến kỳ thu hoạch. Nhìn ra vườn hoa, anh Triệu Tiến Thành lo lắng: Mọi năm vào thời điểm này hoa đã được cắt nhưng năm nay gia đình chưa có đơn đặt hàng nào. Tôi đã đầu tư gần 5 tỷ đồng mua giống hoa, phân bón và chi phí thuê công nhân, thuê đất. Phần lớn chi phí đầu tư là vay ngân hàng. Không có đầu ra, cả vườn hoa sẽ phải cắt bỏ.
Thị xã Sa Pa có 160 ha hoa cắt cành gồm hoa hồng, hoa ly và một số loài hoa khác, trong đó riêng hoa ly là 130 ha. Từ nay đến cuối năm, thị xã còn khoảng 60 ha hoa cho thu hoạch, chủ yếu là hoa ly. Hiện tình hình tiêu thụ hoa chậm, giá giảm khoảng 3.000 - 10.000 đồng/cành tùy từng loại hoa so với cùng thời điểm này năm trước.
Quả su su cũng không ngoại lệ. Dù đang vào đầu vụ, quả su su thu hoạch chưa nhiều, vẫn có đầu ra nhưng giá bán chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg trong khi cùng kỳ năm ngoái khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân Sa Pa, trong 2 tuần tới, su su sẽ cho quả nhiều. Tình hình dịch bệnh căng thẳng, đầu ra của quả su su sẽ rất khó khăn.
Theo thống kê của ngành kinh tế thị xã, vụ hè - thu, thị xã Sa Pa có khoảng 170 ha su su, tập trung tại phường Ô Quý Hồ và xã Ngũ Chỉ Sơn với khoảng 250 hộ trồng, tổng sản lượng cả vụ khoảng 8.500 - 9.000 tấn quả. Thời điểm thu hoạch rộ sẽ tập trung từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 9 với sản lượng khoảng 60 - 70 tấn quả/ngày. Thị trường tiêu thụ chính là thành phố Hà Nội, các khu công nghiệp thuộc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương.
Chị Đỗ Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hoa Đào - một trong những đầu mối thu mua nông sản trên địa bàn thị xã - cho biết: Nông sản Sa Pa chủ yếu tiêu thụ tại thị trường địa phương, phục vụ du lịch và cung cấp cho các chợ đầu, từ đó tỏa đi các khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại đầu mối tiêu thụ nông sản truyền thống của Sa Pa đang bị đứt gãy do những thị trường này đang là tâm dịch hoặc đang chịu ảnh hưởng bởi có các ca bệnh Covid-19. Vì thế, tình hình tiêu thụ gặp khó khăn.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị xã Sa Pa đã xác định rõ khó khăn, từ đó họp bàn với các ngành hữu quan, các nhà vườn, đầu mối tiêu thụ nông sản nhằm đánh giá tình hình và xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản cho người dân. Theo đó, các phòng, ban chuyên môn, Hội Nông dân thị xã, Hội Phụ nữ thị xã tích cực tuyên truyền, quảng bá trên các kênh, tìm nguồn tiêu thụ nông sản; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử (hướng dẫn, hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa các nông sản lên Sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam - PostMart.vn).
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Thị xã đang đề xuất với tỉnh một số cơ chế đặc thù để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho nông dân trong việc thiết lập, tạo luồng lưu thông cho phương tiện, lái xe của các hợp tác xã là đầu mối bao tiêu nông sản của thị xã đến các điểm tiêu thụ nông sản thuộc các tỉnh, thành phố đang có dịch theo đơn đặt hàng đã và đang ký kết; hỗ trợ tiền cước vận chuyển... Bên cạnh đó, thị xã đề nghị UBND tỉnh cùng các ngân hàng xem xét, có cơ chế về việc lùi thời hạn trả nợ, miễn hoặc giảm lãi, phí đối với các tổ chức, hộ gia đình, hợp tác xã vay vốn sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận với các khoản vay ưu đãi.
Theo Báo Lào Cai
Tin tức khác