Ngày 30/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Rau quả và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ tổ chức hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam”
Tham dự hội thảo có GS.TS Phạm Văn Cường, Phó GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả; Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học & Công nghệ- Bộ KH&CN cùng hơn 200 đại biểu đến từ các Sở Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp sản xuất, các Hợp tác xã, trang trại, các nhà vườn...
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - chia sẻ: Hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam” được tổ chức nhằm đánh giá những thành công, hạn chế và đưa ra định hướng phát triển, kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa, cây cảnh của Việt Nam.
Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Theo TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển sinh vật cảnh nói chung và phát triển hoa, cây cảnh nói riêng. Hiện cả nước có khoảng 45.000 ha hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân trên cả nước là 350 triệu đồng/ha/năm. Việc tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng hoa. GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo
GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tại hội thảo, đại diện của APPA GROUP- một trong các đơn vị tiên phong trong ứng dụng các thành tựu của cách mạng CN 4.0 vào sản xuất nông nghiệp chia sẻ việc cung cấp giải pháp toàn diện như hạ tầng tưới tiêu, thiết bị cảm biến đo đạc và bộ xử lý trung tâm; sử dụng phần mềm trên điện thoại di động để điều khiển thiết bị phần cứng. Những tính năng ưu việt này sẽ giúp người nông dân quản lý trang trại của mình thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh; tiết kiệm tài nguyên thông qua việc tưới tiêu chính xác, tiết kiệm chi phí nhân công, quản lý và tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời hạn chế rủi ro.
Các đại biểu cũng trao đổi thông tin về ngành sản xuất hoa ở Hà Lan, cơ hội hợp tác phát triển ngành sản xuất hoa ở Việt Nam; kế hoạch nâng cấp dịch vụ nhà nông xanh, giúp kết nối các chủ thể trong sản xuất kinh doanh cây hoa ở Việt Nam. Các ý kiến cũng bàn về kết quả ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh Appa Smart Farm cho các hợp tác xã trồng rau, hoa tại Mộc Châu; kết quả và bài học kinh nghiệm trong việc liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần Châu Giang, Hải Phòng; Kết quả hợp tác liên kết giữa cơ quan khoa học hợp tác xã và nông dân trong phát triển sản xuất hoa chất lượng cao ở Mộc Châu, Vân Hồ.
Thu Hồng
Tin tức khác