Hoa Phú Mậu được trồng quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào vụ Tết Nguyên đán. Ở vụ này, người dân gieo giống từ tháng 8 (âm lịch) và tập trung chăm bón trong suốt 4 tháng, để khoảng 23 tháng Chạp có hoa đẹp phục vụ khách. Những loại hoa truyền thống ở làng Phú Mậu gồm có: Cúc, hồng, vạn thọ, thược dược, đồng tiền... Ngoài ra, những năm gần đây, người dân Phú Mậu còn trồng nhiều loài hoa nhập khẩu nhằm phục vụ thị trường và cải thiện thu nhập.
Hiện nay, ở Phú Mậu có hơn 20 hộ trồng hoa tập trung theo công nghệ cao, còn lại hầu hết các nhà đều có vườn trồng hoa riêng, quy mô tùy thuộc vào diện tích đất của mỗi hộ. Những năm gần đây, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống được cải thiện, người dân có nhu cầu chơi hoa và trang trí nhà cửa nhiều hơn nên năng suất trồng hoa ở làng Phú Mậu cũng tăng. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, từ 22 - 25 tháng Chạp, làng hoa Phú Mậu bắt đầu rộn ràng khách và thương lái về chơi, mua hoa Tết.
Vất vả một nắng hai sương để cho đời những cây hoa đẹp, nhưng ngoài nỗ lực công sức và chi phí đầu tư, việc trồng hoa của người dân Phú Mậu cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi khí hậu ở Huế nắng nóng, mưa nhiều và bão lũ. Có những năm thời tiết khắc nghiệt khiến cả vụ hoa mất trắng nhưng người dân Phú Mậu vẫn bền bỉ giữ nghề, bởi bên cạnh cây lúa, hoa mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Cùng với đó, UBND xã Phú Mậu cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, cùng các chuyên gia đưa ra những phương án, cách thức trồng hoa phù hợp nhằm tăng năng suất, ổn định thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, Phú Mậu còn mang những nét riêng biệt của làng nghề trồng hoa truyền thống, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho cố đô Huế. Ngày nay, làng hoa Phú Mậu đã trở thành một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch khi tới với mảnh đất cố đô xinh đẹp.
Theo Báo Hà Nội mới
Tin tức khác