Thời gian 22/11/2024 9:33 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Tầm quan trọng của sinh vật cảnh với  gia đình, quê hương, đất nước, xã hội và con người

                                     

                                                                                       Lê Quang Khang

                                                                                   Chuyên gia Sinh vật cảnh

         

Hội Sinh vật cảnh (SVC) Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tôn chỉ và nhiệm vụ của Hội là tổ chức lãnh đạo phát triển nền văn hóa kinh tế SVC Việt Nam, vốn có 4 chức năng lớn rất giá trị như sau:

1. Chức năng văn hóa

 Những sản phẩm SVC, đặc biệt là những tác phẩm nghệ thuật SVC làm đẹp cho gia đình, công sở, quê hương, đất nước và hướng con người tới chân - thiện - mỹ.

          Có thể khẳng định, mọi gia đình đều được đẹp lên, vui lên nếu có hoa, cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh, non bộ... trang trí nơi nội, ngoại thất.

          SVC đưa vào cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, xí nghiệp, đình, chùa, nhà thờ, nhà tưởng niệm các danh nhân, nghĩa trang liệt sỹ... làm xanh - sạch - đẹp khuôn viên và tôn vinh sự trang nghiêm, trật tự, kỷ cương nơi công sở, sự tĩnh lặng, thiêng liêng, trầm mặc nơi thờ phụng.

          Ba mươi năm qua, Hội SVC cùng nhân dân nhiều địa phương đã tô điểm cho cảnh quan quê hương đẹp như tranh vẽ. Đơn cử như xã Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã trồng trên 6.000 cây bóng mát thẳng tắp, ngút ngàn hai bên đường liên thôn, bờ sông, bờ ngòi, đường đồng. Rồi thôn Lỗ Xá (Hưng Yên) đổi mới nhưng đã giữ lại cái hồ giữa làng rộng hàng vạn mét vuông; bờ được xây kè đẹp đẽ, xung quanh hồ trồng hàng nghìn cây xanh, mùa hè tỏa bóng mát dịu. Rồi biết bao danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, vườn hoa, công viên lớn nhỏ của non sông gấm vóc do con người yêu thiên nhiên, yêu SVC tạo dựng, bảo tồn và tôn tạo.

          Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã hình thành và phát triển một thú chơi thấm đẫm nhân văn. Từ điển tiếng Việt xưa chưa có cụm từ SVC, ông cha ta đã gọi là “Tứ kỳ viên”, tức bốn thứ kỳ tuyệt của vườn cảnh Việt, gồm: mộc - thạch - ngư - cầm, tức: cây, đá, cá, chim. Đó là những danh hoa, dị thảo, cổ mộc, quái thạch, trân cầm, dị thú… được con người tuyển chọn, nuôi trồng, tạo dựng, thổi hồn, để thưởng ngoạn, thư giãn, tu tâm, dưỡng tĩnh, luyện đức, rèn chí, dưỡng thần. Tiêu biểu là vườn Thượng Uyển nơi cung đình rồi đến nhiều vườn cảnh của các quan lại, nho sĩ. Điểm đặc biệt ở truyền thống chơi SVC của dân tộc ta là có chiều sâu về tư tưởng. Những tác phẩm nghệ thuật SVC Việt Nam đã tái hiện được cái thần của thế giới tự nhiên nhằm ký thác vào đó những thiên luân, thế giáo, tình cảm, đạo đức, ước vọng cao đẹp và vĩnh cửu của con người để tác giả tự rèn, tự chế, đồng thời để giáo dục mọi thế hệ.

          Truyền thống chơi SVC của dân tộc ta đã có chiều cao về nghệ thuật, chiều sâu về nội dung tư tưởng và bề dầy về lịch sử; ngày nay thêm bề rộng về phong trào. Có thể nói, khắp nước làm và chơi SVC. Đặc biệt kỳ lạ, SVC còn vào cả trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình). Nếu ghé thăm nơi đây, cảm giác đầu tiên làm ta ngỡ ngàng, tưởng như không phải nơi giam giữ tù nhân. Trong một thung lũng thanh bình, giữa một vùng núi non hùng vĩ nổi bật một khu quần cư mà nơi đó có cả một hệ thống cây cảnh tự nhiên và cây cảnh nghệ thuật (CCNT): thảm cỏ, bồn hoa, hồ nước đầy cá cảnh vẫy vùng; rồi cầu kiều, hang từ bi... Tất cả sạch như bệnh viện, đẹp như công viên! Quản giáo uốn tỉa CCNT, phạm nhân chăm sóc những bồn hoa. Có nơi đâu trên trái đất này như ở nơi đây, SVC đã góp phần cải tạo những con người từng có một thời lầm lỗi. Nói cách khác, là đem cái đẹp, cái thiện của SVC để góp phần cải tạo cái xấu, cái ác của con người. Giá trị nhân văn của SVC sâu sắc đến như vậy!

2. Chức năng xã hội

 Hội SVC đoàn kết thật rộng rãi. Hoạt động SVC góp phần xóa đi các tệ nạn xã hội.

          Đặc thù của Hội SVC Việt Nam là nơi đoàn kết rất rộng rãi mà không một đoàn thể nào khác có được. Mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt nam nữ, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, chính trị, giàu nghèo, tôn giáo… Bất cứ tổ chức hay cá nhân nào tán thành tôn chỉ và Điều lệ của Hội SVC, nhiệt tình tham gia vào một mặt hoạt động của Hội, tự nguyện xin gia nhập Hội đều được xét kết nạp làm hội viên của Hội.

  Ở đâu nhà nhà làm SVC, người người làm SVC thì ở đó những tệ nạn xã hội sẽ biến mất. Tiêu biểu như làng Thụy Khê (Nam Định), xã Phụng Công, thôn Lỗ Xá (Hưng Yên), xã Ninh Hiệp (Hà Nội) lâu nay không có nghiện hút, không có cờ bạc mại dâm, không có trộm cắp… Bởi ai cũng say mê làm đẹp, làm giàu.

3. Chức năng khoa học

 SVC góp phần đối phó với sự biến đổi khí hậu trái đất và là một hoạt động dưỡng sinh đối với con người.

          Nhân loại đang đứng trước một thử thách lớn đe dọa sự hủy diệt. Đó là sự phát triển không bền vững của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang phá vỡ môi trường sống. Màu xanh của thảm thực vật và nguồn nước mát lành của đầm hồ nhiều nơi bị biến mất, lượng ô xy trong khí quyển giảm sút nghiêm trọng. Nạn ô nhiễm không khí gây hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ trái đất tăng lên, mực nước biển sẽ tăng lên, một phần đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc bộ sẽ chìm trong nước…

          Để đối phó lại, ngoài việc các nước công nghiệp hiện đại phải giảm thiểu lượng khí thải công nghiệp, chỉ có cây mới cứu được trái đất, cứu được nhân loại. Sân cảnh, vườn cảnh, cây cối quanh ta sản xuất oxy cho ta sống. Khoảng 10 cây cảnh cỡ trung là đủ oxy nuôi một người.

          Liên hợp quốc đã có nghị quyết về vấn đề tạo hành tinh xanh. Nếu mỗi người trên thế giới mỗi tháng trồng một cây thì sau 10 năm lỗ thủng tầng ôzôn sẽ biến mất và khí hậu trái đất trở lại ôn hòa.

          Hội SVC Việt Nam đã và đang ghé vai cùng dân tộc gánh vác sứ mệnh giữ gìn sự bền vững của môi trường sinh thái.

          Chơi SVC còn là một hoạt động dưỡng sinh, thư giãn đối với mọi người, đặc biệt là tuổi già. Người chơi SVC được tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên, tùy sức khỏe, tuổi tác mà tiếp xúc chừng mực hợp lý với nắng, mưa, sương, gió… con người sẽ được rèn luyện để thích nghi với sự thay đổi của thời tiết; nhờ vậy không bị cảm mạo và còn tránh được nguy cơ đột qụy. Ánh nắng còn là một tác nhân cực kỳ quan trọng làm lành mạnh các cơ quan, bộ máy của con người và giúp cơ thể sản sinh ra các vi chất cần thiết cho sức khỏe và tuổi thọ. Mặt khác, chơi SVC còn để di dưỡng tinh thần: nhìn cá cảnh bơi, nghe chim cảnh hót, thưởng thức hương sắc hoa nở, say mê ngắm nghía, uốn tỉa CCNT hàng ngày là liều thuốc hữu hiệu để giải tỏa căn bệnh stress, con người sẽ thanh thản, sống mạnh khỏe và trường thọ. Đúng như cố nhà thơ Trần Lê Văn, nguyên là cộng tác viên của Tạp chí VNHS đã viết:

“Những lúc buồn lo nặng trĩu người

Cha ra vườn cảnh thở nguồn vui

Lại chia tâm sự cùng cây cỏ

Lại thả hồn bay giữa đất trời”

(Vườn cảnh của cha tôi)

  Chỉ có những người sống khoáng đạt mới cảm nhận được cái hồn, cái chất thơ của cỏ cây hoa lá, mới biến cái đẹp, cái đáng yêu của thiên nhiên thành niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe. Có thể nói, chơi SVC như được uống những liều thuốc bổ mà ta không thể mua được ở bất kỳ một cửa hàng dược nào.

4. Chức năng kinh tế

SVC không chỉ dừng lại ở mục đích thưởng ngoạn mà đã trở thành một ngành kinh tế sinh thái cho thu nhập cao, giúp nhiều người làm giàu bền vững.

Phát triển kinh tế SVC hoàn toàn phù hợp với đường lối chung của đất nước và với nhu cầu của xã hội mới. Vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, nước ta đang thực hiện đường lối chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo phương châm phát triển bền vững. Vùng đồng bằng đất chật người đông đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Vùng ngoại thành cả nước đang chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp thuần nông sang kinh tế nông nghiệp đô thị sinh thái, lấy SVC làm mũi nhọn đã đạt nhiều thành quả đáng mừng. Có nơi trên cùng một diện tích nếu sản xuất SVC cho thu nhập gấp hàng chục lần trồng lúa.

          Mặt khác, đời sống vật chất của xã hội ngày càng cao, tất yếu đời sống tinh thần cũng phải nâng cao. Nhu cầu thẩm mỹ đưa thiên nhiên gần gũi với con người càng bức thiết. Vì vậy, việc sản xuất và dịch vụ SVC đang mở ra nhiều ngành nghề rất phát đạt.

          Nhu cầu về hoa là rất lớn. Vì chẳng ở đâu, chẳng bao giờ con người lại không cần hoa. Nước ta đất đai phì nhiêu, khí hậu bốn mùa đều trồng được hoa, nhân lực lại sẵn, nhưng nước ta đang phải nhập khẩu hoa với số lượng rất lớn. Nhiều vùng làm giàu, nhiều nhà làm giàu do trồng hoa. Có nhà ở miền Trung chỉ trồng hoa dạ hương thảo mà thu nhập hơn tỷ đồng mỗi năm.

          Nhu cầu cá cảnh của thị trường trong nước đang bỏ ngỏ lớn, còn thị trường thế giới hiện nay là 7 tỷ USD/năm, cung còn cách xa cầu. Thành phố Hồ Chí Minh nhìn thấy nên nhiều năm qua, Hiệp hội cá cảnh đã xuất khẩu thu về nhiều trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong khi bất kỳ ở đâu, nông thôn, thành thị, ngoài đồng, sân vườn, trong nhà, kể cả trên các tầng cao cũng đều có thể thiết kế được hồ nuôi cá cảnh sinh sản.

          Nhu cầu chơi CCNT của xã hội rất lớn và sẽ ngày càng lớn. Sản xuất CCNT vừa tốn rất ít diện tích đất vừa cho thu nhập cao bất ngờ.

          Rồi nghề ươm trồng cây công trình để cung cấp cho nhu cầu đang khát ở trong nước và một số nước lân cận và nghề nuôi các loài chim cảnh sinh sản cũng là những “nghề chơi mà hái ra tiền”.

          Sản xuất SVC ưu việt ở chỗ, trên một diện tích đất đai nhỏ lại cho thu nhập lớn. Chủ vườn nắm vững khoa học kỹ thuật trong sản xuất thì chỉ cần một diện tích sân vườn không lớn cũng trở thành tỷ phú SVC. Kể cả làm ăn rất nhỏ lẻ như một gia đình ở thành tp. Hồ Chí Minh chỉ dành được có một phòng rộng 4m2 trên tầng hai nuôi cá đĩa sinh sản, thế mà nhiều năm nay thu nhập khoảng 10 triệu đồng một tháng. Thậm chí làm ăn cò con, không cần trình độ kỹ, mỹ thuật gì lắm, đất đai cũng không nhiều, lao động lại nhàn nhã như một hội viên SVC ở thôn Lỗ Xá (Hưng Yên) chuyên trồng cây phát lộc, hàng năm cứ đêm giao thừa cắt đem đến các cổng chùa bán cho những người đi xin lộc cũng thừa sức tự “xóa đói giảm nghèo”, lại tránh được việc nhiều người bẻ cành hại cây.

          Tóm lại, SVC  luôn đồng nghĩa với nhân văn, xanh - sạch - đẹp, giầu bền vững. Xin chúc Hội SVC  các địa phương đánh thức được mọi tiềm năng, gieo trồng muôn sắc ngàn hương, thổi hồn cho cây, làm đẹp cho đất, làm lành cho trời, làm giàu cho nhà. Chúc các nghệ nhân, nghệ sỹ, chuyên gia SVC hãy tâm niệm như nội dung đôi câu đối của nhà văn hóa lớn, giáo sư Đặng Vũ Khiêu tặng Hội Đá cảnh Hà Nội: “Dồn cả tinh hoa tâm trí lại / Bừng lên châu ngọc nước non này”./.

Theo Tạp chí VNHS

 

 

 

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng