Thời gian 23/11/2024 9:48 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Tác động của virus Corona (Covid -19) đến thương mại hoa quốc tế

Virus Corona – loại virus gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp tại Vũ Hán đã và đang gây ra những tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung, đặc biệt trong ngành sản xuất hoa, cây cảnh thì những tác động của dịch bệnh này cho đến nay là rất rõ ràng.

1. Xuất khẩu hoa đến thị trường Trung Quốc giảm mạnh

Để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng một loạt các biện pháp mạnh, trong đó có việc hạn chế sự đi lại của người dân, hạn chế tụ tập nơi đông người…Chính điều này đã làm cho việc kinh doanh hoa bị giảm mạnh, hầu hết thị trường giao dịch bị đóng băng.

Công nhân đang đóng gói hoa tại một nhà máy ở Kenya

Các nhà xuất khẩu hoa (chủ yếu là hoa hồng) đến thị trường Trung Quốc như: Colombia, Ecuador hay Kenya đều cho biết họ đã có những đơn đặt hàng hoa lớn từ Trung Quốc để cung cấp hoa cho ngày Tết Nguyên đán và ngày lễ Valentine. Tuy nhiên, việc bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán đã khiến cho những đơn hàng này bị hủy bỏ bởi sự đóng cửa hàng loạt của các sân bay và cảng biển trên thế giới có đường đi đến hoặc quá cảnh qua Trung Quốc. “Hơn 25.000 chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc (theo Bloomberg báo cáo vào thứ Hai, ngày 3/2/2020) đã bị hủy. Do đó, đơn đặt hàng bị trì hoãn hoặc không đến được, bởi vì chúng bị hủy bỏ bởi các cơ quan vận chuyển hàng hóa", Garcia - đại diện của Công ty xuất khẩu hoa của Ecuador nói.

2. Sản xuất và tiêu thụ hoa tại thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng

“Trung Quốc là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất” - Paul Hoogenboom, Giám đốc Holex Flower, một nhà xuất khẩu hoa của Hà Lan có văn phòng tại Trung Quốc cho biết. “Một chút doanh thu của chúng tôi sẽ bị mất, nhưng đối với họ, tình hình tồi tệ hơn. Họ không thể bán bất cứ thứ gì vì hậu cần đang bị đóng băng.”

Đối với Bazzani, khách hàng của ông chủ yếu ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. "Mặc dù tình hình tồi tệ nhất là ở khu vực Hồ Bắc, toàn bộ Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng ngừa được thực hiện bởi Chính phủ" – ông nói.

Các công ty nhà kính ở Trung Quốc cũng phải đối phó với các biện pháp của Chính phủ. Không có đủ công nhân để hoàn thành công việc kể từ khi kỳ nghỉ được kéo dài và thời gian làm việc của công nhân phải được sắp xếp lại. Ngoài ra, nhân viên văn phòng vẫn ở nhà. "Có một tác động lớn đến việc giao hàng hóa và hậu cần", một người trồng từ khu vực Bắc Kinh nói.

Cảnh tấp nập mua bán hoa tại một trung tâm thương mại hoa của Tp Côn Minh - Trung Quốc thời điểm không có dịch Kovid19

Từ góc độ bán hàng, hoa không thể được bán hết, vì vậy họ phải ngừng bán. Bây giờ nhiều chợ hoa đã đóng cửa. Theo báo cáo của Tân Hoa Xã, chợ hoa Dounan (ở Côn Minh) - chợ buôn bán hoa tươi lớn nhất châu Á đã bị đình chỉ dịch vụ từ thứ Năm (ngày 6/2/2020) trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Thị trường trước đó đã đóng cửa các dịch vụ buôn bán hoa và thực vật, du lịch và dịch vụ ăn uống vào ngày 26 tháng 1 để tránh nguy cơ lây nhiễm do đám đông tụ tập.

Các công ty kinh doanh vừa và nhỏ tại Trung Quốc cũng đang phải chịu nhiều chi phí để duy trì hoạt động. Mới rồi, Reuters đã báo cáo về những lo ngại của một cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở phía đông tỉnh Chiết Giang. Chủ cửa hàng nói với Reuters rằng anh ta lo lắng vì sẽ sớm phải đóng cửa cửa hàng thủ công mỹ nghệ trực tuyến của mình cùng với 1.400 thợ thủ công mà anh ta thuê làm việc. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải vật lộn để tiếp cận tín dụng thì đang phải gánh chịu tổn thất. "Điều đó đặt ra một mối đe dọa nữa đối với nền kinh tế Trung Quốc, đang phát triển chậm nhất trong ba thập kỷ", vẫn theo bài báo của Reuters.

Người bán hoa có trụ sở tại Thượng Hải - Wang Haiyan đã kể câu chuyện của mình với Reuters. Cô ước tính rằng cô đã mất 10.000 đến 20.000 nhân dân tệ trên những bông hoa chưa bán vì một số khách hàng đã hủy các sự kiện hoặc hoãn đám cưới do bệnh dịch. Ngày Valentine là thời điểm người bán hoa kiếm được nhiều tiền nhất. Bây giờ những hy vọng này đã bị tan vỡ trong năm nay, cô nói với Reuters.

Wang Haiyan, 41 tuổi, bên trong cửa hàng hoa tươi của cô khi đất nước bị tấn công bởi một loại virus corona mới, tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 5 tháng 2 năm 2020

Theo Jelmer Huizing của Công ty Codema (công ty đã hoạt động ở Trung Quốc trong một vài năm và năm ngoái đã mở văn phòng tại Trung Quốc) cho biết các dự án của công ty triển khai tại Trung Quốc trong năm nay cũng sẽ bị chậm trễ do ảnh hưởng trực tiếp của sự bùng phát virus corona. Lý do là công ty sẽ không cử bất cứ giám sát viên nào đến Trung Quốc trong tháng 2 này, cũng như không đủ nhân công, phương tiện để triển khai dự án. Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố hỗ trợ ngành công nghiệp xây dựng lại thị trường, tuy nhiên ảnh hưởng của sự bùng phát và sự hỗ trợ lớn đến mức nào, sẽ còn phải phụ thuộc vào tình hình tiến triển ra sao.

3. Sinh kế của người trồng hoa Hàn Quốc bị đe dọa

Cũng tại Busan, Hàn Quốc, vụ dịch do virus corona đang gây tổn hại cho ngành trồng hoa khi ngày càng nhiều trường học hủy bỏ các buổi lễ tốt nghiệp và tuyển sinh, theo báo cáo của Korea Bizwire. Nông dân phàn nàn rằng việc bán sản phẩm của họ với giá này thậm chí không thể trả cho hóa đơn lò sưởi của họ, chứ đừng nói đến việc cho phép họ kiếm lợi nhuận, sau khi phải trả thêm một khoản phí bổ sung 7% từ giá bán hoa như là tiền hoa hồng.

4. Người bán hoa Singapore đang phải đối phó với giá hoa tăng cao

Người trồng hoa ở Singapore cũng đang có một thời gian khó khăn, giá hoa đã tăng lên do nguồn cung hoa từ Trung Quốc bị gián đoạn do dịch virus corona.

Chẳng hạn, loại hoa hồng thân dài phổ biến hiện có giá tới 10 đô la một thân, gấp năm lần so với 2 đô la thông thường. Một bó hoa hồng 12 bông như vậy hiện có giá khoảng 120 đô la.

Mặc dù dịch virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán không góp phần làm tăng giá hoa, nhưng điều này đã dẫn đến sự không chắc chắn về nhập khẩu hoa từ Trung Quốc và gây thêm lo lắng cho những người bán hoa trong thời kỳ bận rộn, theo The Straits Times. Sự khan hiếm nguồn hàng đã dẫn đến tình trạng người bán hoa “tranh giành nguồn hàng từ những địa điểm khác”.

5. Các triển lãm Thương mại ngành làm vườn Quốc tế có thể sẽ bị hủy hoặc được đặt trong tình trạng an toàn cao

Triển lãm Cây trồng Quốc tế 2020 (IPM Essen 2020) diễn ra ở Đức từ ngày 28-31/01/2020 hầu như không có bất kỳ du khách Trung Quốc nào - không chỉ vì sự hạn chế đi lại do dịch viêm phổi Vũ Hán, mà còn do trùng với lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc. Tuần này, hội trường Trung Quốc cũng vắng tanh trong Triển lãm Fruit Logistica ở Berlin (từ ngày 5-7/02/2020) bởi ảnh hưởng của sự bùng phát virus corona ngày càng lớn, ngày nghỉ lễ của Trung Quốc được kéo dài thêm và nhiều chuyến bay bị hủy.

Người tham gia triển lãm IPM phải khử trùng tay trước khi vào khu trưng bày

Triển lãm làm vườn tiếp theo ở Châu Á là Hortex Vietnam, sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28 tháng 02 năm 2020. Nhà tổ chức Kuno Jacobs giải thích cách Việt Nam tăng cường nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus. Do các nỗ lực mới của Chính phủ trong việc kiểm soát virus, Việt Nam không cấp thị thực (kinh doanh) cho công dân Trung Quốc, do đó không mong đợi có bất kỳ nhà triển lãm hoặc khách Trung Quốc nào có mặt tại Hortex Vietnam. Các biện pháp sẽ được thực hiện, bao gồm khử trùng tay và tần suất khử trùng cao hơn tại các gian phòng triển lãm.

Từ ngày 9 đến 18 tháng 3, Hội nghị Hoa lan Thế giới lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại Đài Loan nhưng nhiều người muốn đến xem chương trình này lo lắng và có thể sợ đi du lịch đến Đài Loan do tình trạng virus corona ở nước này. Trong một thông báo trên trang web của Hội nghị, các nhà Tổ chức Hội nghị đã xoa dịu những người tham dự bằng cách giải thích tình hình và họ đảm bảo rằng việc đi lại và ở lại Đài Loan là an toàn.

Tình hình có thể khác đối với Hortiflorexpo IPM Bắc Kinh. Đây là Triển lãm Làm vườn lớn nhất ở Trung Quốc và sẽ diễn ra vào tháng Tư. Do sự bùng phát virus, một số công ty đang nghi ngờ liệu họ có thể và muốn đi hay không. Hiện tại không chắc chắn làm thế nào chương trình sẽ tiếp tục trong năm nay.

May mắn thay, cũng có một số tin tốt để chia sẻ: "Sản xuất của chúng tôi vẫn tiếp tục", Loek van Adrichem của Berg Roses - một doanh nghiệp trồng hoa hồng của Hà Lan có nhà kính ở Côn Minh cho biết. "Công nhân có mặt và giao dịch tiếp tục. Tất nhiên, chúng tôi không biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng cho đến nay, không có tin xấu nào từ phía chúng tôi."

Giải pháp nào?

Mặc dù mọi người đều hy vọng một giải pháp sẽ sớm được tìm thấy nhưng không ai thực sự biết khi nào giao dịch sẽ trở lại bình thường. "Không ai biết khi nào Trung Quốc sẽ bắt đầu mua lại”. Do vậy, giải pháp trước mắt đối với các nhà xuất khẩu hoa, cây cảnh sang thị trường Trung Quốc là chuyển hướng sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường khác để giảm sự dư thừa lượng cung, ổn định doanh thu. Còn đối với Trung Quốc thì trong lúc này có lẽ việc kiểm soát và khống chế được dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu.

Nguồn: TC Việt Nam Hương sắc - ThS.Nguyễn Thị Thanh Tuyền

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng