Ông Nguyễn Văn Tợi (tổ dân phố 9, phường Nam Lý) có kinh nghiệm “chơi” cây cảnh hơn 30 năm nay và là một trong những sáng lập viên của Hội Làm vườn - Sinh vật cảnh phường Nam Lý.
Sau khi nghỉ hưu, ông có thêm thời gian đầu tư nhiều hơn vào thú chơi này và từng bước đi vào kinh doanh các loại cây cảnh, bonsai, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, khu vườn nhà ông có hàng trăm chậu cây quý, như: sanh, tùng la hán, linh sam, bút tùng, mai, lựu, xộp, mưng, si...
Nhiều chậu cây cảnh, bonsai có tuổi đời trên 30 năm tuổi. Những loại cây trồng trong chậu cảnh được thiết kế kiểu dáng theo những triết lý về nhân sinh quan; mỗi cây một dáng, thế riêng biệt, do đó, khách hàng rất yêu thích.
Ban đầu, do không có sẵn chậu trồng, cũng không có nhiều vốn đầu tư, ông Tợi đã mày mò tự tạo những chiếc chậu cảnh độc đáo, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thoả sức sáng tạo. Sau đó, được sự khuyến khích của bạn bè, hội viên, ông đã tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm đúc chậu cảnh vừa để kinh doanh, vừa phục vụ nhu cầu của anh em, hội viên trong Hội Sinh vật cảnh và nhu cầu của khách hàng gần xa.
Từ nghề chơi hoa, cây cảnh, gia đình ông Tợi đã có thêm nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Tợi chia sẻ: “Nhờ có nguồn thu nhập này, gia đình có điều kiện để nâng cấp, sửa chữa nhà cửa khang trang hơn. Vườn cảnh của tôi hiện tại có nhiều cây đã là thế hệ thứ 2, thứ 3”.
Từ cửa hàng hoa cảnh nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình, nắm bắt xu thế của thị trường, sau hơn 5 năm kinh doanh trên lĩnh vực hoa cảnh, gia đình chị Trần Thị Thúy Vinh ở tổ dân phố 11, phường Nam Lý đã thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Yến Long nhằm cung cấp hoa gia đình, cây bóng mát, phục vụ nhu cầu dân sinh, công trình công cộng và dịch vụ giống, vật tư nông nghiệp. Với uy tín và kinh nghiệm trồng hoa của chị, cơ sở đã thu hút khá đông khách hàng trong và ngoài tỉnh, nhất là mỗi dịp lễ, Tết.
Bên cạnh đó, chị cũng đáp ứng nhu cầu về các công đoạn chăm sóc cây cho người dân. Thu nhập bình quân của gia đình chị Vinh từ cửa hàng hoa khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 đến 10 lao động với thù lao 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Vinh chia sẻ: “Người dân thành phố Đồng Hới thường thích mua các loại hoa cúc, hoa giấy, đỗ quyên, các loại hoa giỏ treo… về chưng Tết. Vì thế, trước dịp Tết, cửa hàng hoa tăng số lượng nhập về các loại hoa này nhằm đáp ứng nhu cầu vui Xuân, đón Tết của khách hàng”.
Hội Làm vườn - Sinh vật cảnh phường Nam Lý hiện có 153 thành viên, sinh hoạt tại 12 chi hội. Những mô hình kinh tế làm giàu từ sinh vật cảnh của hội viên trên địa bàn phường không chỉ thể hiện thú chơi tao nhã của riêng cá nhân mà còn là điểm hẹn để các nghệ nhân thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
Được sự hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền và Hội cấp trên, Hội làm vườn - Sinh vật cảnh phường Nam Lý đã hướng dẫn các chi hội phát động phong trào nhà vườn đẹp; trồng hoa hồng trong mỗi gia đình; tham gia Hội hoa Xuân dịp Tết cổ truyền của dân tộc; phối hợp với ban cán sự các tổ dân phố chăm sóc, tôn tạo bảo vệ các cây cổ thụ, đặt biển bảo vệ và tổ chức hội thảo để đưa cây cổ thụ vào danh sách vinh danh cây di sản.
Hiện nay, hầu hết số vườn cây cảnh của hội viên trong Hội Làm vườn-Sinh vật cảnh phường Nam Lý đều có trị giá từ hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Nhờ đầu tư, phát triển nghề sinh vật cảnh, nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống ổn định, khá giả hơn.
Ông Mai Chánh Song, Chủ tịch Hội Làm vườn - Sinh vật cảnh phường Nam Lý, cho biết: “Hội có định hướng cho các hộ dân làm nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Trong đó, kinh doanh cây cảnh, bonsai là một trong những nghề được tập trung phát triển. Với tinh thần vừa chơi, vừa kinh doanh, tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình, xã hội, hiện nay, trên địa bàn có nhiều hộ chơi và kinh doanh cây cảnh. Đó là một nét đẹp của phường Nam Lý”.