Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2025, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 73 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 139 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nhóm sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô tiếp tục tăng trưởng mạnh, với mức tăng 23%. Ngược lại, nhóm sản phẩm chế biến và đóng hộp lại giảm 9%, phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng và cấu trúc thị trường.
Về thị trường xuất khẩu, phần lớn các thị trường chính trong tháng 2 đều ghi nhận mức tăng trưởng, trừ Italy, Israel và Mexico. Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada và Nhật Bản đều tăng trưởng mạnh mẽ.
Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 thế giới, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Theo thống kê, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023. Chuỗi cung ứng cá ngừ nguyên liệu tại Đông Nam Á đang có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam, thay vì tập trung chủ yếu tại Thái Lan như trước.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định năm 2025 sẽ là một năm nhiều thách thức đối với ngành cá ngừ Việt Nam. Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ và EU đang đối mặt với hàng loạt rào cản kỹ thuật khắt khe.
Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 thế giới, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Cụ thể, quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tiếp tục là lực cản lớn. Nghị định 37/2024/NĐ-CP yêu cầu cá ngừ vằn xuất khẩu phải đạt kích thước tối thiểu 0,5m đang khiến ngư dân và doanh nghiệp gặp khó trong khâu nguyên liệu, làm giảm khả năng sản xuất các sản phẩm chế biến, đóng hộp.
Tại thị trường Mỹ, việc áp dụng Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú ở Biển (MMPA) cũng đặt ra thách thức lớn. Theo quy định, Việt Nam phải chứng minh quy trình đánh bắt không gây hại đến động vật biển và đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý tương đương Mỹ. Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) mới đây đã ra phán quyết sơ bộ không công nhận Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn này, mở ra nguy cơ Mỹ sẽ cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng hải sản của Việt Nam từ ngày 1/1/2026 nếu không có động thái khắc phục kịp thời.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét mở rộng Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP), yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thêm thông tin chi tiết về nguồn gốc, quy trình khai thác, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Với việc Mỹ và EU là hai thị trường chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, các quy định mới có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thủy sản, thậm chí đe dọa vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để vượt qua khó khăn, ngành cá ngừ Việt Nam cần sự đồng hành từ các cơ quan chức năng và nhà quản lý trong việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực giám sát và hỗ trợ ngư dân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với EU, UAE, Nhật Bản, Canada… cũng sẽ là lợi thế quan trọng để ngành cá ngừ giữ vững đà tăng trưởng trên thị trường toàn cầu.
Trước đó, mặt hàng sầu riêng của Việt Nam từng tạo nên “cơn sốt” trên thị trường xuất khẩu khi liên tục lập kỷ lục về kim ngạch, vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan – quốc gia được mệnh danh là “vương quốc sầu riêng”. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng mang về cho Việt Nam hơn 2,1 tỷ USD, lần đầu tiên đưa loại trái cây này vào nhóm nông sản xuất khẩu tỷ USD. Sự bứt phá mạnh mẽ của sầu riêng đã cho thấy tiềm năng to lớn của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Và đến nay, đến lượt cá ngừ – một mặt hàng giàu dinh dưỡng, được xếp vào nhóm “siêu thực phẩm” – tiếp tục nối dài chuỗi thành công khi trở thành đối thủ đáng gờm của Thái Lan trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
Nhật Hồ
Tin tức khác