Thời gian 06/11/2024 6:36 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

Sản xuất giống hoa cúc xuất khẩu sang Hàn

Qua thời gian kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất giống hoa cúc quy mô lớn để trồng chuyên canh xuất khẩu, nhà nông Trần Ngọc Hậu (sinh năm 1980) ở khu vực Măng Lin, Phường 7, Đà Lạt đã hạn chế thấp nhất những rủi ro trong đại dịch COVID-19...

Anh Trần Ngọc Hậu trong vườn ươm giống hoa cúc xuất khẩu sang Hàn Quốc tại Măng Lin, Phường 7, Đà Lạt

Từ 20 năm kinh nghiệm trồng và nhân giống hoa cúc nội địa

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, thanh niên Trần Ngọc Hậu theo ba mẹ từ quê lúa Thái Bình vào vùng đất Măng Lin, Phường 7, Đà Lạt lập nghiệp trồng hoa cúc thương phẩm. Ba của Hậu là ông Trần Ngọc Hòa (sinh năm 1950) đã trải qua nhiều năm tiếp nhận, đúc kết kinh nghiệm và kỹ thuật trồng hoa cúc thuê cho các chủ vườn ở vùng nông nghiệp Phường 8, Đà Lạt. Sau đó vào năm 1997 và năm 1998, ông Hòa tìm đến khu vực Măng Lin, Phường 7, Đà Lạt để mua lần lượt tổng cộng 5.000 m2 diện tích đất trồng rau để xây dựng nhà kính và đầu tư các trang thiết bị thâm canh hoa cúc theo hướng công nghệ cao. Đây cũng là quãng thời gian khởi đầu để anh Hậu được người ba Trần Ngọc Hòa trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật thực hành sản xuất trên diện tích hoa cúc 5.000 m2 này. Kết quả sau nhiều năm liên tục bổ sung các giải pháp hữu ích từ thực tế canh tác hoa cúc Măng Lin, Phường 7, Đà Lạt từ ba Trần Ngọc Hòa của mình, anh Trần Ngọc Hậu đã chủ động triển khai hình thức sản xuất “gối đầu” ổn định 3 lứa hoa cúc mỗi năm, mật độ trồng tăng dần từ 40.000 cây/1.000 m2 lên 80.000 cây/1.000 m2.

Đến khoảng năm 2015, khi tổng diện tích trồng hoa cúc mở rộng hơn 5 ha ở khu vực Măng Lin, Phường 7, Đà Lạt, ông Trần Ngọc Hòa “bàn giao” lại cho người con Trần Ngọc Hậu khoảng 2 ha để trực tiếp sản xuất và thu lợi nhuận. Sau vài lứa thu hoạch khi “ra riêng”, anh Hậu nhận thấy tiềm năng phát triển hoa cúc thương phẩm ở khu vực Măng Lin này rất lớn, nên đã tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu quy trình nhân giống và sản xuất khép kín trong khu vườn của mình, đồng thời cung cấp cho nông dân chuyển đổi trồng mới theo nhu cầu.

Từ đó, quá trình sản xuất giống hoa cúc của anh Hậu xuất phát phạm vi diện tích nhỏ vườn ươm và diện tích nhỏ canh tác, dần dần tổng hợp chọn lựa giải pháp kỹ thuật trên từng lứa hoa sản xuất đạt sản lượng và chất lượng cao nhất mới mở rộng các diện tích tương ứng. Kết quả đến năm 2019, thông qua đánh giá tích cực của các thị trường tiêu thụ hoa cúc Măng Lin, Phường 7, Đà Lạt, 2 công ty hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp đến từ Hàn Quốc đã tìm đến khu vườn sản xuất cây giống và hoa cúc thương phẩm cắt cành của anh Trần Ngọc Hậu để khảo sát và đặt vấn đề hợp tác theo chuỗi liên kết lâu dài.

Đến sản xuất giống hoa xuất khẩu theo hợp đồng

Một ngày cuối tháng 7/2021, phóng viên được anh Trần Ngọc Hậu hướng dẫn tìm hiểu quy trình sản xuất giống hoa cúc trồng xuất khẩu sang Hàn Quốc trên diện tích 2 ha ở Măng Lin, Phường 7. Ghi nhận toàn bộ các công đoạn sản xuất ở đây đều kết nối với nhau từ khu vực nhân nuôi cây giống cấy mô đầu dòng đến khâu khai thác đọt, giâm trồng, kích thích ra rễ trên khay giá thể và cuối cùng là khu chăm sóc cây giống đến tuổi xuất vườn ươm, đưa ra đồng để trồng thương phẩm đại trà. “Đến nay, thời gian sản xuất từ nhân giống cấy mô cây mẹ đến khai thác mầm đọt để nhân giống cây thương phẩm khoảng 45 ngày. Cũng bằng hình thức sản xuất gối đầu, trong 2 năm vừa qua, doanh thu của vườn ươm 2 ha xuất bán cho 2 công ty của Hàn Quốc theo hợp đồng khoảng 800.000 cây/2 tuần. Giá bán ổn định theo hợp đồng cả năm là 200 đồng/cây...”, anh Trần Ngọc Hậu chia sẻ.

Theo đó, sau nhiều năm sản xuất cây giống hoa cúc khá thành công theo nhu cầu canh tác ở khu vực Măng Lin, đến năm 2019, anh Trần Ngọc Hậu đã mở rộng và nâng cấp vườn ươm diện tích 2 ha theo tiêu chuẩn chất lượng của 2 công ty nông nghiệp đến từ Hàn Quốc. Hợp đồng ký kết theo từng năm với giá tiêu thụ ổn định chốt trước trong 6 tháng từ phía công ty Hàn Quốc, nên anh Hậu có cơ sở thuận lợi để hạch toán trước mức đầu tư phù hợp với năng lực của mình. Đến thời điểm đầu tháng 8/2021, anh Trần Ngọc Hậu tiếp tục ký hợp đồng mới có thời hạn thực hiện trong cả năm 2022 với sản lượng cây giống hoa cúc tiêu thụ từ 800.000 cây trở lên/2 tuần.

Dự kiến trong năm 2022, anh Trần Ngọc Hậu cho biết sẽ phối hợp với phía công ty Hàn Quốc tổ chức liên kết ngày càng nhiều hộ nông dân trồng hoa cúc khu vực Măng Lin, Phường 7, Đà Lạt để cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Hàn Quốc, góp phần ổn định thu nhập từng bước khá giả hơn đối với kinh tế hộ gia đình địa phương.

VĂN VIỆT

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng