Thời gian 24/11/2024 2:43 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Sẵn sàng ‘truyền lửa’ cho người đam mê cây cảnh

Anh Nguyễn Tấn Lộc (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) ban đầu trồng cây cảnh để thỏa mãn niềm đam mê. Nhưng trồng được cây nào, khách đến chơi lại hỏi mua cây đó. Thấy “làm chơi mà ăn thật”, anh bắt đầu kinh doanh cây cảnh từ đó.

Ông Nguyễn Tấn Lộc cẩn thận tỉa từng chiếc lá, uốn nắn cây tạo ra dáng kiểng mình yêu thích

Từ niềm đam mê…

Chúng tôi gặp anh Lộc trong một buổi sáng nắng ấm giữa không gian vườn với những cây linh sam, nguyệt quế, sanh, kim quýt được uốn rất khéo. Tham quan vườn cây cảnh nghệ thuật của anh Lộc, chúng tôi được biết, để có một cây cảnh có giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ cao thì người làm cây cảnh phải có niềm say mê và sự khéo léo... Cẩn thận tỉa từng chiếc lá, uốn từng dáng thế rồi nâng niu những nhánh rễ non vừa mới buông khỏi thân cây, anh Lộc chia sẻ: “Khu vườn này có vài chục loại cây khác nhau. Để cho ra tác phẩm kiểng đẹp, ngoài niềm đam mê, người chơi kiểng cần phải đặt cái tâm của mình vào trong cây kiểng. Tinh túy hơn là người chơi phải hiểu và nắm rõ thuộc tính của các loại cây để từ đó chăm sóc cũng như uốn nắn cây kiểng hợp theo các dáng kiểng mình yêu thích. Bên cạnh sự phá cách thế chơi kiểng hiện nay, tôi vẫn còn giữ những dáng cây cảnh bonsai cơ bản, như: Dáng trực, dáng xiên, nghiêng dáng tà là, dáng hoàng, dáng huyền”.

Hiện vườn của anh Lộc có rất nhiều loại kiểng khác nhau. Mỗi cây, mỗi chậu đều là một tác phẩm nghệ thuật sắc sảo vừa thâm trầm, kín đáo, vừa kiểu cách, thể hiện sự tài hoa lịch lãm của người chơi. Mặc dù bận công việc kinh doanh, nhưng vì niềm đam mê mãnh liệt mà mỗi lần nghe bạn bè báo tin có cây nào đẹp, đặc biệt là kiểng cổ, bonsai là anh Lộc liền tìm đến ngay, không bỏ lỡ cơ hội sở hữu 1 cây kiểng đẹp.

Anh Lộc cho rằng, trồng cây cảnh ngoài niềm đam mê còn phải mạnh dạn đầu tư và kiên nhẫn. Vì cây cảnh không như những loại cây khác, bởi có khi vài ba tháng không bán được cây nào nhưng có ngày lại bán được cả chục triệu đồng. Để có một vườn cây cảnh đẹp như hôm nay anh đã phải trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng không thể theo đuổi được. Nhưng với niềm đam mê cây cảnh, anh đã áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, số tiền bán cây cảnh mỗi năm lại được anh dành để đầu tư tiếp. “Những cây cảnh nghệ thuật trong vườn hầu hết được tôi trồng, sáng tạo từ những cây phôi. Sau khi mua về, tôi dành thời gian cắt tỉa, chăm sóc cho đến khi trở thành cây hoàn thiện đưa ra thị trường tiêu thụ”, anh Lộc chia sẻ.

Ngoài cây trồng trong chậu, anh Lộc còn có nhiều cây phôi đang được trồng dưới đất từ chiết, ghép, ươm hạt và đang chuẩn bị thu hoạch vài trăm cây. Từ diện tích 400m2 ban đầu, đến nay vườn cây của anh đã được nhân rộng lên gần 2.000m2 gồm vườn ươm, nơi trưng bày, mua bán sản phẩm và kinh doanh vật tư chuyên dụng cho cây cảnh. Vườn cây nghệ thuật của anh cho doanh thu trung bình hàng năm vài trăm triệu đồng, đã giúp anh cải thiện đời sống gia đình hơn trước.

… Đến “truyền lửa”

Việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cây cảnh nghệ thuật Thành Lộc (năm 2012) không ngoài mục đích tạo sân chơi cho những người đam mê nghệ thuật cây cảnh trên địa bàn tỉnh. CLB là nơi để họ thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nghệ thuật uốn tỉa cây… Qua đó, các hội viên sẽ tiếp tục tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, những mô hình hay, có hiệu quả kinh tế cao để truyền đạt cho bà con.

Trên cương vị chủ nhiệm CLB, anh luôn hết mình chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có được với các hội viên, những người có cùng sở thích. Thời gian qua, mỗi khi nghe có thông tin trưng bày cây cảnh, hội chợ nông nghiệp hay các cuộc thi cây cảnh, anh Lộc đều mang những sản phẩm của mình và của các thành viên trong CLB đến trưng bày và giới thiệu sản phẩm nhằm hướng đến một thương hiệu được mọi người tin tưởng. Được biết, anh Lộc rất nhiệt tình trong các hoạt động của địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người. Anh Nguyễn Tấn Lộc xứng đáng được UBND tỉnh công nhận là nghệ nhân thuộc ngành nghề tiểu cảnh, bonsai; gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh và nhiều giấy khen của các cấp, các ngành,

Với những kiến thức được đào tạo chuyên môn bài bản cùng gần 20 năm kinh nghiệm làm nghề cây cảnh, anh Lộc có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác. Các lớp do anh trực tiếp giảng dạy được thực hiện theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Anh thường dành 70% thời gian đào tạo để các học viên thực hành. Cách làm hiệu quả của anh đã thu hút được nhiều người tham gia học từ các địa phương lân cận.

Theo Báo Bình Dương

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng