Với những vùng nông thôn chưa bị ảnh hưởng của công cuộc đô thị hóa, công nghiệp hóa thì lại đối diện với vô vàn những nguy cơ khác. Theo KTS Lê Vũ Phàm (Tổng hội Xây dựng), nhiều làng xóm từ miền xuôi đến miền ngược đang thay da đổi thịt trong sự thiếu quy hoạch, thiếu hiểu biết, thích phô trương. Trong nhiều làng quê giàu lên nhờ có nghề truyền thống hoặc kịp thời đổi mới tư duy sản xuất… đang mọc lên nhan nhản những công trình vay mượn từ thành thị một cách tùy tiện, tự phát, không ai nghiên cứu, hướng dẫn. “Cấu trúc không gian tại nhiều vùng quê có nguy cơ tan vỡ. Đang mất dần bóng dáng những nếp nhà tranh tre nứa lá, những nhà ngói, cây mít ẩn hiện sau lũy tre làng với chiếc cổng làng đã trở thành dấu ấn của một thời để trở thành những điểm dân cư khó mà xác định là thị trấn, thị tứ hay nông thôn” - ông Phàm day dứt.
Các chuyên gia cũng không quên nhắc đến một thực trạng khác là trong xu thế nông thôn đang dần “thành thị hóa” ấy thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật lại không được quy hoạch, cải tạo đồng bộ. Kết quả là không gian thuần khiết của nông thôn ngày càng bị ô nhiễm nặng nề…
“Đánh trống bỏ dùi”
Tại hội thảo nói trên, các chuyên gia nhắc nhiều đến mô hình quy hoạch khu Tam Thiên Mẫu tại Hưng Yên do KTS Hoàng Như Tiếp triển khai cách đây khoảng 40 năm. Những cánh đồng lúa, hệ thống kênh mương thủy lợi, khu chuồng trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, nuôi cá… và các điểm dân cư với trung tâm là công trình công cộng như trụ sở ủy ban, trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, trạm y tế… được kết nối với nhau bởi hệ thống giao thông. Mô hình này vì nhiều lý do đã không được xây dựng hoàn chỉnh, rút kinh nghiệm để nhân rộng. “Từ đó đến nay, nông thôn đã có nhiều biến đổi. Nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn như trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm điện, đường, thủy lợi… Nhưng chưa có một đồ án quy hoạch kiến trúc nông thôn đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc được thực hiện đến nơi đến chốn” - KTS Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) - nói.
KTS Nguyễn Thanh Sơn (ĐH Kiến trúc TP.HCM) cũng đưa ra nhận định tương tự: Hiện giờ hầu hết các làng xã Việt Nam chưa từng được thiết kế quy hoạch theo nghĩa đen của từ này. Ông Sơn dẫn chứng: Ở một số địa bàn nông thôn thuộc Nam bộ, những đường nét cơ bản của quy hoạch được ghi nhận qua kết quả bước đầu của những chương trình vay vốn ODA. Hàng loạt cây cầu bằng bê tông cốt thép hiện đại đang được xây dựng, tuyến giao thông đường bộ dành cho xe 2 bánh về đến trung tâm các xã đạt 70 - 80%, kèm theo đó là tuyến cấp điện, cấp nước. Nhưng những vấn đề còn lại của công tác quy hoạch như tổ chức không gian, cảnh quan, phân khu chức năng, phân bố dân cư, sản xuất, thể hiện đặc điểm vùng miền… vẫn chưa được đề cập. “Quy hoạch nông thôn Nam bộ đang trong tình trạng thụ động, lệ thuộc quá nhiều vào hiện trạng, thiếu những kế hoạch cơ bản, đồng bộ và lâu dài” - ông Sơn nhận định.
Người viết bài này từng được trò chuyện với những người trực tiếp làm quy hoạch nông thôn ở Ninh Bình và Hải Dương. Không phải là họ không muốn triển khai những đồ án quy hoạch bài bản cho nông thôn của địa phương, nhưng vì nhiều lý do như vốn làm quy hoạch, nhận thức của chính quyền và người dân, trình độ của tư vấn… mà những đồ án chưa đạt hiệu quả cao. Họ thành thật khi thừa nhận chính họ cũng lúng túng trong việc kiếm tìm mô hình quy hoạch cho nông thôn mới. Lúng túng ngay cả khi họ đã chỉ ra được các vấn đề cốt lõi của bài toán cấu trúc nông thôn là giải quyết mối quan hệ giữa không gian sản xuất, không gian công cộng, không gian ở và sinh hoạt của mỗi hộ gia đình… Rằng làng xã cần được kết nối bởi hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm mạng lưới giao thông, cấp điện, cấp nước, mạng thông tin liên lạc…
Trong khi mô hình quy hoạch cho nông thôn mới chưa định hình rõ nét thì hàng ngày, các vấn đề của nông thôn vẫn ngổn ngang. Để rồi như KTS Lê Vũ Phàm, người làm nghề lại day dứt: Trải qua biết bao biến động và gập ghềnh của biến thiên lịch sử, làng quê mỗi vùng không thể tránh khỏi bao chứa trong bản thân nó những yếu tố mang tính hạn chế phát triển như mật độ xây dựng dày đặc, mật độ cư trú cao, hạ tầng kỹ thuật còm cõi, lạc hậu, quá tải, môi trường sống và sản xuất bị ô nhiễm nặng nề… “Đó là những vòng vành đai thép ngày càng bó chặt nhiều nhu cầu phát triển của nông thôn hiện nay” - ông Phàm nói.
Theo https://ashui.com/
Tin tức khác