Thời gian 22/11/2024 12:57 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Phong trào sinh vật cảnh ở thị trấn Cồn

Phong trào sinh vật cảnh ở thị trấn Cồn

Trong điều kiện khó khăn về thị trường tiêu thụ nhưng phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở thị trấn Cồn vẫn có những bước phát triển về quy mô tổ chức, hiệu quả kinh tế. Bằng việc đầu tư và đa dạng các loại hoa, cây cảnh, bonsai đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, kinh tế SVC đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.

Ông Đỗ Thanh Trường, tổ dân phố 4B, thị trấn Cồn chăm sóc vườn hoa.

Ông Đỗ Thanh Trường, tổ dân phố 4B, thị trấn Cồn chăm sóc vườn hoa.

Trước tình hình thay đổi của thị trường SVC, để thích ứng, duy trì và phát triển sản xuất, nhiều người dân thị trấn Cồn đã chuyển đổi sang trồng, kinh doanh cây hoa, cây trang trí. Mặc dù giá trị thu nhập từ các loại cây ngắn ngày này không cao nhưng sức tiêu thụ tốt, đều đặn, đảm bảo chi phí thường xuyên cho người sản xuất “lấy ngắn nuôi dài”, duy trì thu nhập. Nhiều diện tích đất hoang hoá, đất xấu, đất ven sông được người dân tận dụng, cải tạo thành vùng trồng các loại hoa như: loa kèn, cúc, ly, lay-ơn... Đến nay, diện tích trồng các loại hoa đã phát triển được hơn 20ha. Thị trấn Cồn hiện có 2 làng nghề SVC là Đỗ Bá và Nguyễn Chẩm A được UBND huyện công nhận, mỗi làng nghề có khoảng 100 gia đình chuyển sang nghề trồng hoa. Nghệ nhân SVC Đỗ Thanh Trường ở tổ dân phố (TDP) 4B là một trong những người đầu tiên sản xuất, kinh doanh các loại hoa từ năm 1995. Sau nhiều năm thành công từ việc trồng, nhân giống hoa cúc, vài năm trở lại đây, ông Trường mạnh dạn đầu tư 1.000m2 nhà lưới để trồng hoa ly, ươm giống cây cảnh trong chậu theo ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đến nay, gia đình ông có 2.000m2 vườn trồng các loại hoa với doanh thu 500 triệu đồng, mỗi năm trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Với diện tích đất canh tác lớn, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 150 nghìn đồng/người/ngày. Cùng với duy trì, phát triển nghề trồng hoa, để đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường, nhiều hội viên Hội SVC thị trấn đã chuyển đổi sang trồng, kinh doanh các loại hoa phong lan, địa lan. Nghệ nhân Đỗ Mạnh Hùng ở làng nghề hoa, cây cảnh Đỗ Bá là người chơi hoa lan nổi tiếng trong giới SVC huyện Hải Hậu. Hiện ông Hùng sở hữu nhà vườn với tổng diện tích 2.000m2 gồm: ao cá, cây cảnh bonsai và 3 nhà lưới lắp đặt hệ thống phun tưới tự động công nghệ cao với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng. Sau gần 30 năm kinh nghiệm, uy tín dần được khẳng định, sản phẩm hoa lan của gia đình ông có thị trường tiêu thụ rất rộng, không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Với nền tảng đầu tư bài bản, từ năm 2019 đến nay, theo tính toán, trừ chi phí, ông Hùng thu được từ 300-500 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Nối nghiệp của bố, con trai ông Hùng là anh Đỗ Tất Nhiên chuyên tâm trồng địa lan. Anh Nhiên cho biết: Nghề trồng địa lan, nhất là những giống lan quý, không dễ. Tôi đã tìm học từ nhiều người, trải qua nhiều thất bại mới đúc rút được những kinh nghiệm trồng địa lan. Sau gần 10 năm lăn lộn với nghề, trong bộ sưu tập địa lan của anh hiện có 15 giống quý như: Đại thanh, hoàng vũ, thiên ngọc… Quy mô vườn lan của anh Nhiên khá rộng lớn với 3 nhà lưới, tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay giá trị hàng hóa anh bán được 300 triệu đồng. Thời gian tới, anh sẽ đầu tư xây dựng khu nhà lưới để nhân giống một số dòng địa lan quý để giảm tối đa chi phí đầu vào. Một số hội viên tiếp tục gắn bó với nghề cây cảnh truyền thống thì đổi mới sản phẩm như trồng cây ăn quả trên chậu, tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Can Trường ở tổ dân phố số 1. Hiện gia đình ông Trường có nhiều chậu cảnh cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi đỏ, hồng, ổi, khế, hồng xiêm… theo nhu cầu thị trường. Các cây ăn quả làm cảnh được uốn nắn, cắt tỉa gốc, thế có giá từ 3-20 triệu đồng/cây tùy mã quả, dáng cây, độ tuổi được khách hàng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc rất ưa chuộng, đặc biệt vào dịp lễ, tết. Nhờ phát triển trồng cây ăn quả làm cảnh, tổng doanh thu mỗi năm của ông Trường đạt 400 triệu đồng/năm.

Sự năng động chuyển đổi của người làm SVC ở thị trấn Cồn phát triển đúng hướng, cơ cấu sản phẩm đa dạng về chủng loại nên tiếp tục đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hội viên. Năm 2019, tổng giá trị thu nhập từ SVC ước đạt trên 9 tỷ đồng; trong đó thu nhập từ các loại hoa đạt khoảng 6 tỷ đồng. Hội SVC thị trấn Cồn hiện có 290 hội viên, có 8 nghệ nhân SVC cấp tỉnh, 1 nghệ nhân SVC cấp Trung ương. Ở cả 16 tổ dân phố đều thành lập Chi hội SVC và một số câu lạc bộ (CLB) SVC như: CLB bonsai, CLB hoa lan thị trấn Cồn. Nhiều chi hội hoạt động nền nếp như chi hội các làng nghề SVC: Đỗ Bá, Nguyễn Chẩm A, các tổ dân phố: Thị Lý, số 4B… Theo thống kê sơ bộ, thị trấn có khoảng 40ha đất trồng hoa, cây cảnh; trên 65% diện tích trồng các loại hoa ngắn ngày. Để phát triển phong trào, Hội SVC xã thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển SVC trở thành ngành kinh tế, động viên hội viên và nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng, đa dạng hóa ngành nghề; mở rộng diện tích trồng hoa, cây trang trí phù hợp với nhu cầu của thị trường để duy trì sản phẩm nuôi nghề lâu dài. Đều đặn theo quý, Hội SVC thị trấn tổ chức một buổi sinh hoạt với sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của các nghệ nhân, người làm cây cảnh “có tiếng” của các nhà vườn trong huyện, qua đó cung cấp cho các hội viên những kiến thức cơ bản về kỹ thuật cắt tỉa cây cảnh nghệ thuật tạo thế dáng đẹp, lạ; về cách thức chăm bón các loại hoa, địa lan, phong lan để hoa nở đúng thời điểm, cách phòng trừ sâu bệnh… Ngoài ra, việc tổ chức thường xuyên các hoạt động tham quan, giao lưu với các CLB cây cảnh nghệ thuật, các nhà vườn trong tỉnh giúp hội viên tăng thêm vốn kiến thức chăm sóc cây, hoa. Năm 2019, các hội viên SVC xã đã đưa hàng chục tác phẩm tham dự Trưng bày, triển lãm SVC toàn quốc, tham dự Triển lãm SVC các tỉnh đồng bằng sông Hồng và đã bán được nhiều cây cảnh có giá trị nghệ thuật. Hàng năm, Hội SVC thị trấn duy trì tổ chức trưng bày, triển lãm SVC Chợ xuân tại trung tâm thị trấn Cồn từ 20-30 tháng Chạp và dịp Lễ hội Chùa Cồn.

Thời gian tới, Hội SVC thị trấn tiếp tục vận động hội viên phát triển đa dạng cơ cấu sản phẩm hoa, cây cảnh, gắn sản xuất với thị trường; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật uốn tỉa, chăm sóc, sản xuất các loại cây hoa giá trị kinh tế cao; mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tập huấn truyền nghề, dạy nghề, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên và nhân dân tham gia; chủ động tìm thị trường tiêu thụ, tạo thu nhập ổn định cho các hộ làm kinh tế SVC./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng