Thời gian 24/11/2024 7:02 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Phòng chống gian lận thương mại trong kinh doanh giống cây trồng

Cải tạo vườn tạp, lựa chọn giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào canh tác là chủ trương đúng trong chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tạo cảnh quan môi trường khu dân cư và tăng hiệu quả kinh tế đất vườn. Phong trào làm vườn phát triển mạnh tạo cơ hội phát triển thị trường kinh doanh giống cây. Tuy nhiên đã có tình trạng lợi dụng kinh doanh giống cây kém chất lượng khiến người sản xuất thiếu kinh nghiệm, ham giống giá rẻ thiệt hại cả về kinh tế và tinh thần.

Ươm giống cây hoa giấy tại hộ sản xuất hoa cây cảnh ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng).

Khu vườn vuông vức, được quy hoạch gọn gàng trồng cây ăn quả của bà Lê Thị Thược, xã Lộc An (thành phố Nam Định) buộc phải phá bỏ sau gần 2 năm chăm bón bởi mua phải giống cây không tốt. Bà cho biết: Nhà tôi có vườn rộng vài trăm m2, năm 2019, gia đình quyết định lại để trồng cây ăn quả. Cô con gái út nhanh nhảu tư vấn bố mẹ trồng cây Chery Braxin bởi theo thông tin cô tìm hiểu trên internet đây là giống cây cho trái quanh năm, khá độc, lạ so với những cây ăn quả truyền thống, thời gian cho quả chỉ sau 1 năm, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và làm đẹp cảnh quan nhà vườn. Giá bán mỗi cây giống cũng không quá đắt (chỉ từ 150-500 nghìn đồng/cây) tùy thuộc vào độ lớn của cây. Gia đình đã cải tạo, quy hoạch vườn theo hướng dẫn của đơn vị cung ứng giống và trồng hơn 20 cây. Nửa năm đầu tiên cây phát triển tốt, chúng tôi đã vui vui vì nghĩ rằng cây hợp khí hậu, thổ nhưỡng và hy vọng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Nhưng sau gần 2 năm cây vẫn chưa ra quả mặc dù vẫn phát triển tốt. Đặc biệt cây càng lớn, càng khác so với hình ảnh như quảng cáo. Sốt ruột con tôi gọi điện thoại hỏi đơn vị cung ứng thì không có tín hiệu trả lời. Trang bán hàng trực tuyến cũng không còn tồn tại nữa. Tôi hỏi cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống cây trồng (Sở NN và PTNT) mới biết đó không phải là giống cây Chery Braxin. So sánh mẫu cây, lá trong vườn nhà với Từ điển giống cây trồng thì khá giống cây vối hoặc cây roi. Vậy là tôi đành phá bỏ sau gần hai năm chăm bón tốn kém công sức, tiền của.

Tình trạng lừa bán giống cây trồng kém chất lượng còn diễn ra phổ biến đối với rất nhiều loại hoa, cây cảnh và thậm chí cả người dân vùng chuyên canh rau màu cũng bị “qua mặt”. Bà Trần Thị Thơm, xã Thành Lợi (Vụ Bản) cho biết: Trồng rau màu và làm rau giống quanh năm nhưng đầu năm 2021 tôi mua hạt giống rau xà lách xoăn của Công ty TNHH Giống cây trồng Phú Nông để trồng thay cho giống rau truyền thống. Tuy nhiên khi cây nảy mầm lên lá xanh tốt thì lại toàn là cây rau mùi tàu. Từ những vụ việc trên, nhiều người dân đã không dám mua cây, hạt giống bán trên thị trường mà tự để giống theo cách truyền thống là chọn các quả có chất lượng cao để dành hạt ươm cây con hay chiết cành, cắt tỉa nhân giống. Cách làm này tuy giúp người trồng yên tâm về chất lượng nhưng không khoa học khi thời gian nhân giống chậm và các yếu tố môi trường không đảm bảo khiến giống cây trồng nhanh bị thoái hóa.

Giống cây trồng là yếu tố đầu vào quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất. Trước thực trạng này, đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh giống cây trồng đã xuất hiện ngày càng nhiều thông qua việc mua bán trực tuyến. Hình thức mà các trang mạng áp dụng là mạo danh Trung tâm Giống cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hoặc các cơ sở kinh doanh giống cây trồng uy tín để quảng cáo bán hàng trục lợi người tiêu dùng. Những trang mạng này nhắm đến đối tượng tiêu dùng là khách hàng thích chơi hoa, cây cảnh, rau màu và cây ăn trái độc, lạ nhưng lại ít kinh nghiệm để lừa bán cây giống. Mức thiệt hại về giá trị tiền giao dịch không nhiều nhưng gấp nhiều lần do phải chăm sóc lao động trong nhiều thời gian. Về lâu dài nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành trồng trọt, đất đai bị sử dụng lãng phí. Tình trạng này đang được lực lượng Quản lý thị trường quyết liệt xử lý để không “lây lan” sang các nhóm giống cây trồng khác bởi trung bình mỗi năm toàn tỉnh sử dụng khoảng 4.800 tấn giống lúa thuần và 1.200-1.400 tấn giống lúa lai F1; 200 tấn ngô giống; khoảng 400 tấn khoai tây giống; 1.000-1.200 tấn lạc giống; 300-500 tấn đậu tương giống...

Đối với nhóm cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp do 4 đơn vị nghiên cứu, cung ứng giống trên địa bàn là: Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Sở NN và PTNT); Công ty Giống cây trồng Nam Định; Công ty TNHH Cường Tân; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống lúa lai Syngenta (Công ty TNHH Syngenta Việt Nam) và các Công ty giống uy tín trên toàn quốc cung ứng. Hàng năm lực lượng thanh tra chuyên ngành và đơn vị chuyên môn đã quản lý chặt chẽ từ cơ cấu giống đến nguồn gốc xuất xứ cũng như điều kiện kinh doanh của các đơn vị cung ứng. Nhiều năm gần đây hầu như không có tình trạng người dân mua phải giống cây lương thực, cây công nghiệp kém chất lượng. Qua những vụ việc người dân bị lừa mua giống cây giả, kém chất lượng cho thấy nguyên nhân có phần do người tiêu dùng quá tin vào quảng cáo trên các trang mua bán trực tuyến, không lưu giữ hóa đơn chứng từ khi mua bán và cũng không chọn đúng địa chỉ tin cậy khi mua hàng khiến cho việc xử lý gian lận thương mại trong lĩnh vực giống cây trồng càng thêm khó. Do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như: tăng cường kiểm soát thị trường, công khai các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng đủ điều kiện; danh sách nguồn giống được công nhận để tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua cây giống biết, lựa chọn sử dụng giống đảm bảo chất lượng; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh giống và vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện theo quy định... Người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu kỹ các giống cây trồng mới, chọn địa chỉ mua hàng uy tín; không ham mua cây giống giá rẻ; lưu giữ hóa đơn, chứng từ mua bán, giao dịch để có căn cứ cho cơ quan chức năng phối hợp giải quyết khi có tranh chấp thương mại./.

Theo Báo Nam Định

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng