ThS. Trần Văn Tam
Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Hoa, Cây cảnh
Cây tùng La Hán (Podocarpus macrophyllus) là một loài cây cảnh thuộc họ Thông tre (Podocarpaceae), thường được trồng làm cảnh trong công viên, đình chùa, vườn nhà. Quả của cây tùng La Hán có dạng hình trứng, khi chín có màu đỏ tía nhìn giống ông La Hán khoác áo cà sa nên cây có tên gọi là tùng La Hán.
Tùng La Hán có nhiều ưu điểm nổi trội đó là cây sống lâu năm, cây thường xanh, bộ lá đẹp, màu xanh sáng, hoa màu trắng nhỏ, cành dẻo, dễ uốn nắn nên dễ tạo dáng thế, rất thích hợp với việc tạo cây bonsai.
Tùng La Hán có ở Việt Nam từ lâu, được nhiều người biết đến như một loại cây cảnh quý, có giá trị rất cao. Dân chơi cây yêu thích cây tùng La Hán vì cho rằng đây là cây tạo sinh khí tốt cho người chơi mang lại nhiều sức khỏe, may mắn và thành công.
Ở Việt Nam, tùng La Hán mọc tự nhiên trong rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới và á nhiệt đới thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang... và được trồng làm cảnh khắp nước. Theo các nhà thực vật học, cây tùng La Hán ở Việt Nam có nhiều các biến chủng khác nhau, được phân bố ở nhiều Cô Tô và Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Đây có thể nói là 2 khu vực có hệ sinh thái mang tính đa đạng sinh học cao với nhiều loài động - thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Tuy nhiên những năm qua do bị khai phá mạnh nên những vùng có tùng La Hán tự nhiên hiện không còn nhiều, chỉ còn lại 1 số nơi rừng núi ít người đặt chân đến.
Trước hiện trạng cây tùng La Hán có nguy cơ bị suy kiệt về nguồn gen, vào năm 2018, các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã tiến hành các cuộc điều tra, thu thập các loài tùng La Hán trên huyện đảo Cô Tô và Vườn Quốc gia Bái Tử Long thuộc tỉnh Quảng Ninh. Kết quả thu được rất khả quan khi mà các nhà khoa học đã xác định được phạm vi phân bố của các cây tùng La Hán bằng phương pháp định vị GPS, đồng thời tiến hành thu mẫu và định danh được các cây tùng La Hán ở 2 khu vực trên là thuộc loài tùng La Hán lá dài (tên khoa học là Podocarpus macrophyllus (Thunb.) Sweet.
Đoàn khảo sát phát hiện cây tùng La Hán lá dài có đường kính gốc >8 cm
Tùng La Hán lá dài được phân bố chủ yếu ở phía đông các đảo, trong đó đảo Trần có mật độ cây dày, đảo Ba Mùn có mật độ cây thưa nhất nhưng lại có số cây to nhiều nhất, còn ở Thanh Lân cây phân bố trung bình. Đoàn các nhà nghiên cứu đã định vị được 245 cây, trong đó có 194 cây 3-5 tuổi, đường kính gốc >1 cm, cao >1,5 m và 51 cây tiêu biểu có đường kính gốc >8 cm, cao 4-6 m. Tùng La Hán là cây có hạt rất dễ nảy mầm nên số lượng cây con (cao 15-30 cm) có rất nhiều gần những cây to.
Các cây con tùng La Hán mọc nhiều quanh gốc cây to
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đưa ra cách nhận diện cây tùng La Hán lá dài qua những đặc điểm như sau:
Thân: Cây gỗ lớn, thường xanh, cành nhánh nhiều, dài, tán lá rộng, mọc ngang hay rủ xuống. Cây có chiều cao trung bình từ 7- 20 m, đường kính thân 20-60 cm. Vỏ thân màu xám hoặc nâu xám, bong thành từng mảng mỏng. Cành non dày đặc, màu nâu xám, nhẵn hoặc có lông.
Cây tùng La Hán lá dài
Lá: Lá hình giải hẹp, thuôn nhọn ở đỉnh, dài 1,7-12 cm, rộng 0,2-1 cm, gốc lá hình nêm, cuống ngắn. Phiến lá dày, cứng, màu xanh đậm, bóng ở mặt trên, hơi xám ở mặt dưới; mép phiến hơi uốn xuống phía mặt dưới. Gân chính nổi lên cả 2 mặt. Lá mọc cách dạng xoắn ốc, dày dần ở đầu cành. Lá non thường có màu xanh lá mạ, đôi khi có màu đỏ gạch.
Cây tùng La Hán lá dài (a): cây cái; (b): cây đực
Hoa và hạt: Tùng La Hán lá dài là cây đơn tính, có cây đực và cây cái. Cây đực chỉ có hoa, trong khi cây cái có cả hoa và quả. Hoa đực dạng bông nằm ở nách lá, thường tập trung thành 1 cụm gồm từ 3-5 bông. Hoa cái có kích thước 1-1,8 cm, màu xanh, bên dưới có bốn lá bắc dạng vảy. Hoa cái cũng mọc thành cụm nhiều bông, dạng hình nón. Quả khi chín có màu đỏ tía hoặc đen ánh tím, mọng. Hạt hình trứng, đỉnh tròn, màu tím nhạt. Cây thụ phấn vào tháng 3-4, hạt chín vào tháng 6-7.
Cây tùng La Hán lá dài có hoa cái mọc thành cụm
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác