Những năm gần đây, nghệ nhân Hoàng Ny là gương mặt quen thuộc khi liên tục tham gia chuỗi diễn đàn bonsai quốc tế ở các nước châu Á. Năm 2013, khi tham gia chuỗi diễn đàn bonsai quốc tế tại Trung Quốc, Hoàng Ny đã trở thành nghệ nhân đầu tiên của VN nhận bằng Đại sứ bonsai quốc tế.
Nghệ nhân Hoàng Ny tặng sách ảnh Bonsai Việt Nam cho nghệ nhân Đài Loan
Hiện là Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật bonsai Thanh Tâm (Q.12, TP.HCM), với vai trò là Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của Hội Sinh vật cảnh TP.HCM, nghệ nhân Hoàng Ny đã có đóng góp lớn trong việc giới thiệu nghệ thuật bonsai Việt độc đáo, giàu tính sáng tạo đến với bạn bè thế giới.
Khi được Liên đoàn Hữu nghị Bonsai châu Á - Thái Bình Dương (ABFF, gồm các thành viên: Hàn Quốc, VN, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan) bầu làm chủ tịch luân phiên, bà đã vận động, quyết tâm tổ chức thành công cuộc triển lãm bonsai quốc tế (ABFF 2015) tại TP.HCM để thúc đẩy nghệ thuật bonsai phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn nữa tại VN.
Nghệ nhân Hoàng Ny và chồng - nghệ nhân Thanh Tâm cùng có chung niềm đam mê nghệ thuật bonsai. Từ năm 1997, bà và chồng đã bỏ hẳn nghề sản xuất mỹ phẩm để chuyển sang mở trường đào tạo nghệ thuật bonsai. Trường nghệ thuật bonsai Thanh Tâm ra đời bằng niềm đam mê, tâm huyết của hai người đã tồn tại 20 năm qua và đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ nhân bonsai cho hầu hết các tỉnh, thành phía nam. “Lúc đầu mở trường, nhiều người bảo chúng tôi bị… khùng. Họ cho rằng trồng cây thì cần gì phải học. Cứ mua cây về trồng rồi tưới nước, bón phân thì cây sẽ sống thôi. Nhưng tôi thì nghĩ hoàn toàn khác. Cây kiểng, bonsai là một nghệ thuật, luôn cần có kiến thức và kỹ thuật để tạo tác, chăm sóc, nuôi dưỡng thì mới đẹp được. Một khi kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên thì người dân sẽ có nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật bonsai và nó sẽ không ngừng phát triển, lan rộng”, nghệ nhân Hoàng Ny chia sẻ.
Để có được thành công và khẳng định tên tuổi trong giới cây kiểng, bonsai trong nước lẫn quốc tế như hiện nay, nghệ nhân Hoàng Ny đã vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn. Khóa đầu tiên của Trường Nghệ thuật bonsai Thanh Tâm sau khi thành lập chỉ có 7 học viên nhưng nhờ nỗ lực không ngừng, nay trường đã đào tạo được hơn 62 khóa với hơn 20.000 học viên thành thạo trong việc tạo tác, chăm sóc bonsai. Những học viên này là nhân tố quan trọng đưa bonsai đến gần hơn với cuộc sống, phát triển mạnh mẽ hơn từ trong mỗi gia đình.
Năm 2005, nghệ nhân Hoàng Ny chính thức tiếp cận với nghệ thuật bonsai quốc tế khi có dịp sang Ý dự triển lãm về sinh vật cảnh và hàng thủ công mỹ nghệ. Trong chuyến đi này, bà đã kỳ công mang đi 10 cây bonsai mai chiếu thủy. Một trong những sản phẩm bonsai chủ lực này của VN đã gây ấn tượng với giới sinh vật cảnh các nước.
Sau khi tìm được đầu ra, trong một thời gian dài, bà đã xuất khẩu cây kiểng, bonsai sang Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines, và một số nước châu Âu. “Xuất cây kiểng thật ra không lãi bao nhiêu. Mình làm công việc này với mong muốn quảng bá nghệ thuật bonsai Việt đến với người dân các nước nhưng việc này thời gian gần đây có chững lại vì hải quan yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ cây”, nữ nghệ nhân cho biết và trăn trở: “Hầu hết bonsai Việt có xuất xứ từ các nhà vườn, được tạo tác, nuôi dưỡng qua hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nhưng có một thực tế là không phải lúc nào cũng chứng minh được nguồn gốc của nó”.
Nghệ nhân Hoàng Ny kỳ vọng các kỳ triển lãm bonsai quốc tế của Liên đoàn Hữu nghị Bonsai châu Á - Thái Bình Dương sẽ là cơ hội lớn cho bonsai Việt hội nhập thế giới. ABFF được tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận. Mục đích và mục tiêu là thúc đẩy bộ môn nghệ thuật sống - bonsai lan tỏa khắp châu Á. Bonsai sẽ được trân trọng và chiêm ngưỡng bởi tất cả mọi người với mọi màu da, chủng tộc, tôn giáo và nguồn gốc quốc gia.Theo nghệ nhân Hoàng Ny, sau một thời gian tiếp cận với bonsai thế giới, bonsai Việt đã có những bước chuyển mình trong nhận định và có sự thay đổi về phong cách, kiểu hình của bonsai. Các nghệ nhân bắt đầu tạo ra những cây bonsai có hình dáng sáng tạo hơn, gần gũi với tự nhiên hơn, không bị giới hạn trong khuôn mẫu nào. Trong khoảng thời gian 10 - 15 năm gần đây, bên cạnh các kiểu dáng bonsai phổ biến, nghệ nhân bonsai Việt cũng nghiên cứu và tạo tác các thể loại như bonsai có hoa, có trái, non bộ, tiểu cảnh…; đã có những bước tiến dài và tiến lại gần hơn với các tiêu chuẩn của bonsai thế giới.
“Mong ước lớn nhất của tôi là mỗi nhà có ít nhất một cây bonsai, một chậu hoa để chơi và thưởng ngoạn, đặc biệt trong những ngày lễ, tết. Những lúc rảnh rỗi thì tự mình chăm hoa, cắt tỉa cây cũng rất thú vị. Nhờ đó nghệ thuật bonsai được trân trọng và chiêm ngưỡng bởi tất cả mọi người’”, nữ đại sứ bonsai quốc tế tâm sự.
Tân Phú - Ngọc Hải (Tienphong)
Tin tức khác