Nguyễn Văn Ngọ – "Lão nông" sở hữu vườn cây tiền tỷ
Ông Nguyễn Văn Ngọ, 63 tuổi, được biết đến như một tỷ phú cây cảnh - nghệ nhân cây cảnh kỳ cựu tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội,. Bắt đầu sưu tầm và chăm sóc cây từ những năm 1980, ông đã xây dựng một vườn cây đa dạng với hàng trăm loại, từ sanh, sen đất, ngâu, tùng đến khế, ổi. Mỗi cây đều mang dáng thế độc đáo, nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm và được định giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đặc biệt, cây sanh 120 tuổi của ông từng được trả giá hơn 5 tỷ đồng nhưng ông từ chối bán, coi đó là "bảo bối" của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Ngọ được biết đến như một nghệ nhân cây cảnh kỳ cựu.
Phan Văn Toàn – "Ông trùm" cây cảnh Việt Trì
Tọa lạc tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ, vườn cây cảnh rộng 10 ha của ông Phan Văn Toàn, biệt danh "Toàn đô la", là điểm đến quen thuộc của giới chơi cây. Với hơn 500 cây cảnh, trong đó 36 cây được công nhận là cây di sản, ông Toàn đã trải qua nhiều thất bại trước khi đạt được thành công. Ban đầu, ông nhập cây từ Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng do thiếu kinh nghiệm, nhiều cây đã chết, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự kiên trì và học hỏi, ông đã xây dựng được vườn cây giá trị như hiện nay.
Với sự kiên trì và học hỏi, ông Phan Văn Toàn đã xây dựng được vườn cây giá trị như hiện nay.
Nguyễn Văn Chí – Chủ nhân cây sanh "Tiên Lão Giáng Trần"
Anh Nguyễn Văn Chí, sống tại xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội, nổi tiếng với việc sở hữu cây sanh cổ "Tiên lão giáng trần". Cây này được nghệ nhân Dương Văn Mười tạo tác trong 10 năm trước khi chuyển nhượng cho anh Chí với giá 16 tỷ đồng. Sau đó, cây được bán lại cho ông Phan Văn Toàn với giá 28 tỷ đồng, trở thành một trong những giao dịch cây cảnh đắt giá nhất Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Chí (áo xanh) nổi tiếng với việc sở hữu cây sanh cổ "Tiên lão giáng trần". |
Nguyễn Tuấn – Nghệ nhân tạo tác cây "Cửu Long Tranh Châu"
Anh Nguyễn Tuấn, hay còn gọi là Tuấn Phạm, là nghệ nhân nổi tiếng tại Hà Nội, được biết đến với việc tạo bông tán, tay cành cho cây sanh cổ "Cửu Long Tranh Châu". Cây này có bộ rễ với chu vi 9,1m, được xác lập kỷ lục châu Á vào năm 2010. Anh Tuấn đã dành nhiều năm để chăm sóc và tạo dáng, biến cây thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Tác phẩm cây sanh cổ "Cửu Long Tranh Châu".
Nguyễn Minh Hồng Điệp - Ông vua sầu riêng Lâm Đồng
Tại xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) – vùng được mệnh danh là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh – ông Nguyễn Minh Hồng Điệp là hộ nông dân duy nhất có nguồn thu khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng sầu riêng. Khởi nghiệp từ một hecta đất trồng cà phê vào năm 1994, ông Điệp mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng ghép giống DONA và Ri6 khi nhận thấy tiềm năng của loại cây này.
Ông Điệp, tỷ phú Lâm Đồng, người trồng "cây tiền tỷ"-cây sầu riêng cho doanh thu hơn 15 tỷ/năm ở xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai bên vườn sầu riêng tiền tỷ của gia đình.
Sau nhiều năm tích lũy và mở rộng, hiện ông sở hữu 24 ha sầu riêng chuyên canh được canh tác theo chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao và có mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Năm 2024, doanh thu từ sầu riêng của ông vượt 16 tỷ đồng. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương. Là thành viên tiên phong của Câu lạc bộ “Những người nông dân tỷ phú”, ông Điệp là hình mẫu tiêu biểu cho nông dân hiện đại, biết tận dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị nông sản, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế vùng sơn cước Lâm Đồng.
Bích Bông
Tin tức khác