Thời gian 23/11/2024 6:44 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Những bước đi đầu tiên nhân giống lan rừng tại Thái Nguyên

Khi thú chơi hoa lan rừng không chỉ còn dành riêng cho những tao nhân, mặc khách hay người có địa vị trong xã hội mà trở nên phổ thông, đại trà thì cũng là lúc xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân tham gia với khía cạnh thương mại.

Nhiều cuộc đổ bộ, những đoàn người rầm rập kéo vào rừng xanh núi thẳm săn tìm hoa lan. Áp lực lớn gây ảnh hưởng môi trường rừng, hủy diệt đa dạng sinh học, một số loài lan quý hiếm đang mất dần hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.  

Sản xuất lan rừng

Sau những bộn bề công việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng lại dành cho mình một khoảng không gian nhỏ, một chút thời gian ngắn tại nhà để chăm sóc mấy giò lan. Vừa giảm bớt căng thẳng, lấy lại năng lượng nhưng cũng là cách để ông mài rũa trình độ kỹ thuật nông nghiệp vốn được đào tạo tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

 

Dự án sản xuất lan rừng kỳ vọng cùng lúc đạt được mục tiêu về môi trường sinh thái cũng như kinh tế xã hội

Ông Hùng cho biết, theo nhà thực vật học Nga Leonid Averyanov với gần 30 năm lăn lộn trên khắp các cánh rừng nhiệt đới của Việt Nam, đã trở thành chuyên gia hàng đầu thế giới về lan Việt thì Thái Nguyên là một trong những địa danh tồn tại nhiều giống lan rừng quý hiếm.

Chính vì vậy mà ngay tại trung tâm thành phố có hẳn một chợ chuyên bán các loại hoa lan. Có điều, sản phẩm lan rừng thường được người dân khai thác trực tiếp từ rừng hoặc có một số nhà vườn đã thu thập và phát triển một số loại lan để bán.

Mặt khác, việc thu thập, trồng vẫn còn trong điều kiện hết sức đơn giản, chưa có tác động của khoa học kỹ thuật, vì thế sản phẩm hoa lan chất lượng thấp, giá trị kinh tế chưa cao. Việc làm này không những không bảo tồn được nguồn gen mà còn có nguy cơ mất dần nguồn gen bản địa quý hiếm.

Vị Phó Chủ tịch tỉnh đã theo đuổi suy nghĩ về việc hình thành một mô hình nghiên cứu, thu thập, bảo tồn một số loài lan rừng nhằm lưu giữ nguồn nguyên liệu gốc để nhân giống và phát triển các loài lan quý, hiếm, có giá trị kinh tế, tạo thành hàng hóa quy mô lớn. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Ý tưởng đó được thày giáo cũ của ông Hùng là ThS Mai Quang Trường (nguyên giảng viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) tán đồng.

Tháng 3/2017, Dự án “Thu thập, lưu giữ, định danh một số loại lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gien; xây dựng Bảo tàng về các loại lan rừng trên địa bản tỉnh Thái Nguyên” được triển khai. Dự án do Sở Khoa học - Công nghệ Thái Nguyên đầu tư với phần đối ứng lớn của Cty TNHH Phát triển Nông nghiệp Vy Anh. ThS Mai Quang Trường làm chủ nhiệm Dự án.  

Những bước đi đầu tiên

Đó chính là những bước chân vào rừng để tìm và định dạng hoa lan. ThS Mai Quang Trường cho biết, nhiệm vụ đầu tiên phải thực hiện là tiến hành khảo sát, thu thập các giống lan rừng trên địa bàn. Tổ công tác gồm 15 thành viên chia làm 5 nhóm với tròn một năm lăn lộn khắp các hang cũng ngõ hẻm của Thái Nguyên để tìm và định dạng lan rừng. Cùng với việc thu thập thì các nhóm phải đánh giá được khả năng sinh trưởng, phát triển của các loại lan thu thập được, mô tả được đặc điểm thực vật học của các loại lan thu thập để đưa vào vườn lưu giữ, bảo tồn. Phía Cty Vy Anh đã xây dựng khu bảo tồn, khu nhân giống các loại Lan thu thập được ngay trong quần thể khu du lịch hồ Núi Cốc.

Giám đốc Dự án - ThS La Quang Độ (nguyên giảng viên Đại học Nông lâm Thái Nguyên) cho biết, kế hoạch ban đầu của dự án là thu thập được 80 giống lan rừng nhưng các nhóm đã tìm được tới 106 loài. Có giống khiến tổ công tác phải nếm mật nằm gai hàng tháng trời mới tìm được. Đó là còn may mắn. Với nỗ lực tìm loài lan Hài bóng tại vùng núi đá Quang Sơn (Đồng Hỷ), mất hơn chục ngày leo trèo từng quả núi, từng mét vuông diện tích nhưng có lẽ loài này đã không còn trong tự nhiên. Bù lại, các nhóm đã tìm được không ít loài quý hiếm, có tác dụng đặc hữu như lan Hài, Hạc vĩ, Trầm tím, Hoàng lạp, Quế lan hương, Vảy rồng, Thạch hộc tía...

 

 

Với mỗi loài đều phải tạo ra các điều kiện sinh thái tương thích, mô phỏng tự nhiên về nhiệt độ, độ ẩm, thổ nhưỡng hoàn toàn giống với vị trí, khu vực khi phát hiện và thu thập giống. Nhiều tổ công tác phải vất vả mang về cả đất, đá, giá thể là gỗ, cành cây từ rừng núi, suối khe để khi ươm tại khu thực nghiệm, giống mới dần thích nghi được.  

Thành công bước đầu

Giảng viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, TS Vũ Văn Thông là Thư ký của dự án cho biết, ngoài thu thập, bảo tồn vượt kế hoạch về số lượng giống lan rừng, hiện dự án đã nhân giống thành công với hàng ngàn giò lan rừng. Các giống được nhân như Phi điệp, Trầm, Hạc vỹ, Kèn... Đồng thời, các kỹ thuật viên của Công ty cũng hoàn thiện được quy trình trồng, chăm sóc cây lan phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương.

Ông Phạm Quốc Chính (Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Thái Nguyên) cho rằng, dự án sẽ góp phần đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất hoa lan tại địa phương, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường; là cơ sở để phát triển sản xuất mở rộng một số loài lan có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và tham gia vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nói chung và ngành sản xuất hoa nói riêng.

Nguồn: nongnghiep.vn

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng