Thái độ sống xanh mang ý nghĩa thời đại
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh Trần Lực) có bài báo Tết trồng cây, đăng báo Nhân Dân, để phát động một phong trào. Người viết: “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Ngày 11/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến trồng cây đa tại công viên Thống Nhất, mở đầu phong trào Tết trồng cây. Cũng kể từ ngày đó, phong trào Tết trồng cây đã dần trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. (ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn yêu quý trân trọng thiên nhiên, mong muốn sống hoà đồng với thiên nhiên. Trong phong thái ung dung tự tại của Người, có thể thấy phảng phất hình ảnh của một bậc tiên phong đạo cốt, một người mang triết lý thuận theo tự nhiên. Khi trả lời các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946, Người đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” .
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm cảnh báo hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi, gây tác hại đến tài nguyên, môi trường sinh thái của con người. Người xem tệ phá rừng là hành vi “đem vàng đổ xuống biển”. Tại Hội nghị tuyên giáo miền núi năm 1963, Người nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”.
Khi thế giới còn chưa có những lời khuyến cáo khẩn thiết về bảo vệ rừng và trồng rừng như hiện nay, phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường. Hôm nay, môi trường sinh thái của toàn cầu đang suy thoái ngày càng trầm trọng, đặt ra những vấn đề nóng bỏng: Tài nguyên cạn kiệt, đất đai bị hoang mạc hóa, rừng bị hủy hoại, thiên tai liên tiếp xảy ra do những tác động tiêu cực của con người với môi trường, môi trường sống bị ô nhiễm trên nhiều phương diện... Đó là những thách thức, đang đặt ra những bài toán phải có lời giải vừa chính xác vừa kịp thời như một bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong tương lai không chỉ của Việt Nam. Ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng càng mang đậm ý nghĩa thời đại.
Học tập một tấm gương Nói đi đôi với làm
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao yêu cầu hàng đầu với mỗi người cán bộ khi vận động nhân dân là Nói phải đi đôi với làm. Chỉ có nêu gương, thực hiện tốt điều đó việc vận động quần chúng của cán bộ mới có hiệu quả. Từ những ngày chính quyền nhân dân non trẻ phải đối mặt với “giặc đói”, Người kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo”, mười ngày nhịn ăn một bữa để dành gạo giúp đồng bào đói khổ. Và vị Chủ tịch nước là người gương mẫu thực hiện đầu tiên.
Khi kêu gọi một thái độ sống thuận hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, Người cũng để lại tấm gương sáng Nói đi đôi với làm. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dù còn phải khắc phục nhiều khó khăn gian khổ, Người vẫn tìm những nơi làm việc và sinh hoạt sao cho trên có núi, dưới có sông, có đất để trồng trọt, có bãi để vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, thuận tiện cho các công tác cách mạng và sinh hoạt tập thể. Ngôi nhà sàn nơi Người sống và làm việc luôn chan hòa với tự nhiên. Người trồng cây trong vườn, thả cá và không cho phép ai xua đuổi và săn bắn chim trong vườn.
Người luôn khuyến khích động viên nhân dân trồng thật nhiều cây xanh vì cây cối không những đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn “ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân”. Tới các địa phương, Người tự tay trồng nhiều cây đa, lấy bóng mát, sau này thành tên “Cây đa Bác Hồ”.
Không chỉ phát động trên báo, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu đi đầu thực hiện phong trào Tết trồng cây. Trong dịp đầu xuân kỷ niệm Tết trồng cây thứ 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị các cán bộ chọn cho mình một nơi có phong trào trồng cây tốt để thực hiện việc trồng cây cùng với nhân dân. Dù sức khỏe đã không còn như trước, Người vẫn yêu cầu cho mình được tự tay trồng cây để cổ vũ phong trào. Trưa ngày 16/2/1969, tức mùng 1 Tết Kỷ Dậu, Người cùng cán bộ, nhân dân trồng một cây đa trên đồi Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội). Đã 60 năm trôi qua, cây đa Người trồng trong mùa xuân cuối cùng trước lúc đi xa đã tỏa bóng mát và câu chuyện về Người trồng cây vẫn gây nhiều xúc động.
Theo Dân Việt
Tin tức khác