Thời gian 24/11/2024 1:29 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Nhân rộng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại Hà Nội

Chương trình xây dựng dựng nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi diện mạo của nông thôn TP Hà Nội, trở thành những vùng quê đáng sống. Trong giai đoạn 2018-2020, thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, từ đó nhân rộng mô hình NTM kiểu mẫu trên toàn thành phố.

Nhân rộng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại Hà Nội - ảnh 1

Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao ở xã Song Phượng, huyện Ðan Phượng.

Ðẩy nhanh tiến độ

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, TP Hà Nội đã có sáu huyện (Ðan Phượng, Ðông Anh, Thanh Trì, Hoài Ðức, Gia Lâm, Quốc Oai) và 355 trong số 386 xã (tỷ lệ 91,9%) đạt chuẩn NTM, đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ ba cả nước về số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn (sau Nam Ðịnh và Ðồng Nai).

Chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi sau 10 năm xây dựng NTM, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Ðiều phối NTM TP Hà Nội cho biết, trong quá trình xây dựng NTM, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, giúp nền sản xuất nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, thiếu ổn định, một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn tương đối cao như: Ba Vì (3,18%); Mỹ Ðức (2,84%); Chương Mỹ (2,48%), các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Phúc Thọ (2,4%); Thanh Oai (2,3%); Thường Tín (2,15%) trong khi bình quân khu vực nông thôn của thành phố chỉ còn 1,81%. Ðây là những thách thức không nhỏ trên con đường hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của thành phố.

Tại huyện Thanh Oai, sau 10 năm, vẫn còn ba xã là Thanh Mai, Bích Hòa và Cao Viên chưa đạt chuẩn NTM do còn tiêu chí chưa đạt như: trường học, giao thông, nhà văn hóa và môi trường. Ðể các xã cán đích NTM vào cuối năm 2019 theo đúng kế hoạch, UBND huyện Thanh Oai và TP Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực để các xã hoàn thành tiêu chí chưa đạt, đồng thời củng cố và nâng cao những tiêu chí đã đạt trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Hà cho biết: Cái khó thứ nhất là giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện còn thấp, cho nên nhiều hộ dân không thiết tha với đồng ruộng để ruộng hoang gây lãng phí tài nguyên đất đai. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng nhưng chưa tương xứng tiềm năng.

Thứ hai, công tác xây dựng NTM ở một số xã còn thiếu quyết liệt và chậm tiến độ, còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, thiếu giải pháp và biện pháp thực hiện. Thứ ba, hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế chưa sâu rộng, công tác xã hội hóa chưa cao. Cơ sở vật chất một số trường học chưa bảo đảm yêu cầu... Thời gian tới, huyện sẽ từng bước khắc phục những hạn chế, đồng thời tập trung mọi nguồn lực, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, đánh giá rút kinh nghiệm, học tập mô hình điểm, điển hình, để NTM thật sự lan tỏa trong toàn dân.

Nhân rộng NTM kiểu mẫu

Hiện nay, TP Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó, chú trọng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Ðể thực hiện bộ tiêu chí này, Hà Nội chủ trương đẩy mạnh đầu tư có trọng điểm cho các địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao. Giai đoạn 2010 đến 2020, nguồn vốn dành cho xây dựng NTM đã đạt hơn 76,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố gần 26 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp huyện hơn 32.200 tỷ đồng; ngân sách cấp xã hơn 3.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, nguồn vốn huy động từ các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình lên tới 14.700 tỷ đồng, chiếm 19,3%. Chưa kể, 12 quận nội thành cũng đã tích cực hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 633 tỷ đồng. Ðây đều là những nguồn lực giúp Hà Nội sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và NTM nâng cao.

Ði đầu trong phong trào xây dựng NTM nâng cao, huyện Ðan Phượng đã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu ở các xã: Song Phượng, Ðan Phượng, Liên Trung với những điểm nhấn: Ðường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, huyện chủ trương bám sát Nghị quyết số 10 (năm 2019) của HÐND thành phố Hà Nội về khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, vùng nông nghiệp công nghệ cao, huyện khuyến khích nhân dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại chính mảnh ruộng của gia đình.

Ðến nay, tại Ðan Phượng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả tại các xã Ðồng Tháp và Tân Lập, rau an toàn xã Tân Hội và Liên Hà… Ðồng thời, huyện cũng đã xây dựng thành công các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các siêu thị với cơ sở sản xuất hiện có như: Hợp tác xã rau Cuối Quý; hộ ông Trần Văn Bảy, xã Thọ Xuân, ông Phạm Hải Ðăng, xã Liên Trung; hợp tác xã bưởi tôm vàng Thượng Mỗ. Xây dựng nhãn hiệu hoa đồng tiền Ðan Phượng, hoa Lily Ðan Phượng. Phát huy ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản và xây dựng website về nông nghiệp huyện Ðan Phượng…

Những vùng quê của TP Hà Nội đã thay đổi từng ngày, đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Theo bà Nguyễn Thị Thám, ở thôn Ðoài Khê, xã Ðan Phượng, huyện Ðan Phượng cho biết, nông thôn hiện nay khác với ngày trước rất nhiều, hạ tầng kiên cố, khang trang, đời sống người dân ổn định, chế độ chính sách cho người dân cũng được quan tâm hơn...

Ghi nhận về những thành công bước đầu của Ðan Phượng, ông Chu Phú Mỹ cho biết, tới đây Hà Nội sẽ tổng kết và triển khai rộng những mô hình điểm ở các địa phương khác với mục tiêu xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, bền vững, biến nông thôn thật sự trở thành những vùng quê đáng sống.

Theo HÀ SƠN/Báo Nhân Dân

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng