Vấn nạn “lan đột biến”
Ngày 12/4 vừa qua, các diễn đàn lan đột biến đã thông tin về một chủ vườn lan ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) gần đến ngày giao cây, các cá nhân này không liên lạc được với chủ vườn lan, khi đến nhà không biết chủ vườn lan đi đâu. Tổng số tiền theo đơn trình báo là khoảng 11 tỷ đồng. Vụ việc đang được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
Tiếp đó, ngày 14/4, ông Nguyễn Văn Sự (vốn là một thợ mỹ nghệ) chủ vườn lan Triệu Phong Lan thôn Ngược Phù Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã gửi đơn đến cơ quan chức năng, tố giác ông bị vườn lan Bích Du (Đồng Nai) chiếm dụng số tiền 3,169 tỉ đồng và một số vườn lan khác tại Hà Nội chiếm dụng số tiền 8,4 tỉ đồng. Những người này bán giống lan đột biến cho ông, nhưng ông chưa nhận được hàng, hay đã nhận nhưng hàng không đúng chủng loại. Sau đó họ đã cắt liên lạc với ông...
Công an nhiều địa phương vừa lên tiếng cảnh báo người dân bởi hầu hết các phi vụ mua bán đều rất mập mờ thông tin về người bán, người mua và giá trị thực của lan đột biến. (Theo congan.com.vn ) |
Chia sẻ với báo chí, thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Trưởng công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, đơn vị cũng tiếp nhận rất nhiều đơn trình báo của người dân trên địa bàn về việc bị lừa khi mua bán lan đột biến. Tính đến chiều 13.4, Công an huyện Hoài Đức đã tiếp nhận khoảng 8 đơn trình báo và đã giao các đội nghiệp vụ phân loại để điều tra. “Họ tố cáo vườn lan ở rất nhiều nơi, từ Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình đều liên quan đến lan đột biến, giá trị phải lên tới hàng trăm triệu đồng trở lên”, thượng tá Mẽ cho hay.
Trước thực trạng trên, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến đến các cơ quan báo chí, phản ánh bức xúc và nêu câu hỏi: Vậy sự thật đằng sau câu chuyện này là gì và đâu là hướng xử lý?
Theo các nhà chuyên môn, lan là những thực vật trong họ Orchidaceae. Trên thế giới hiện có đến khoảng 20 nghìn loài lan, 850 chi, 29 tông và bảy phân họ. Nước ta có môi trường tự nhiên thích hợp cho lan phát triển. Người dân Việt Nam từ lâu đã chơi và yêu thích hoa lan, nhưng giá cả của loại hoa này cũng chỉ rất bình dân, không quá đắt so với các loài hoa khác... Còn hiện tượng cơn sốt lan đột biến hiện nay, lúc đầu chỉ ở vài địa phương, sau lan nhiều tỉnh thành trong cả nước và được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng. Theo giới thạo tin, cách mua bán lan đột biến có thể tính theo giò treo, hoặc theo kie (mầm cây con được tách ra từ cây mẹ) được đo bằng từng centimet một, với giá trị giao dịch cao cũng rất “đột biện”, tới hàng tỷ, chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng…
Nếu phân tích kỹ, ở đây ta thấy xuất hiện nhiều điều rất bất thường. Nói về nguyên tắc kinh tế, giá của hàng hóa nói chung tùy thuộc vào giá trị nội tại và giá trị sử dụng của hàng hóa; vào phương thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng và vào sự cung, cầu; cũng có thể tính tới cả yếu tố quan tâm của đông đảo người dân và năng lực, hiệu lực quản lý của nhà nước. Nhưng trên thực tế, hiện nay giá trị nội tại và giá trị sử dụng của lan đột biến không phải là mặt hàng thiết yếu hoặc thiết thực cho đời sống xã hội. Và hiện cũng không có sự quan tâm của đông đảo người dân đối với lan đột biến. Điều khó hiểu là tại sao lan đột biến lại được mua bán với giá cao như vậy? ở đây có thể hiện yếu tố yếu kém về năng lực, hiệu lực của các cơ quan quản lý của nhà nước hay không?
Để so sánh, ta có thể thấy, thực tế trong xã hội cũng có những sản phẩm quý có giá trị rất cao, lên tới hàng triệu đô. Như đó là những cổ vật, những bức tranh quý... nhưng tựu trung, đó đều là những sản phẩm hiếm có, thậm chí là duy nhất, có một không hai, khó có thể nhân ra các phiên bản khác cùng giá trị. Còn nói về lan đột biến, tuy rất hiếm xảy ra trong tự nhiên, bởi có sự thay đổi di truyền, tạo ra sự khác biệt giữa các thế hệ con với cha mẹ, hoặc khác biệt giữa các cá thể trong cùng một quần thể. Và với điều kiện khoa học, giờ đây các giống lan đột biến hoàn toàn có thể được tạo ra và nhân lên nhiều lần một cách nhanh chóng và sẽ trở lên phổ biến sau một thời gian ngắn. Do vậy việc lan đột biến có giá trị quá cao như hiện nay là điều khó có thể xảy ra nếu không có những nguyên nhân đặc biệt nào đó...
Cũng theo các nhà chuyên môn, với trình độ công nghệ sinh học hiện nay, các phòng thí nghiệm chuyên về nuôi cấy mô cây có thể nhân giống dễ dàng hàng loạt những thế hệ cây lan như loại lan đột biến đang có giá cao nhất trên thị trường. Đồng thời giá thành của việc nhân giống này cũng không hề đắt chút nào.
Như vậy, hiện tượng giá lan đột biến cao bất thường trên thị trường thực chất chỉ là do một nhóm người tạo ra các giao dịch ảo để đẩy giá lan đột biến lên cao nhằm trục lợi. Đây thực chất chỉ là một “chiêu trò” cũ trong kinh doanh. Chính do sự phát triển của các trang mạng xã hội và sự khiếm khuyết cơ chế quản lý trong thông tin là môi trường thuận lợi để những người trục lợi nghĩ ra và phát tán các chiêu trò mua bán, giao dịch lan đột biến, từ đó tạo gây các cơn sốt ảo trên thị trường.
Trên thực tế, tại nhiều nước trên thế giới và cả trong nước đã ghi nhận nhiều loại hoa, cây cảnh được đẩy giá quá cao, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Điển hình như vụ khủng hoảng “vỡ bong bóng” hoa tuy-líp ở Hà Lan trong thế kỷ 20, khiến hoa giá tuy-líp tụt dốc từ hàng triệu USD xuống chỉ còn 1 USD/cây; còn tại Việt Nam, ngay trong những năm 2018 - 2019 cũng từng có trào lưu giá cây cảnh được đẩy lên rất cao, tạo phong trào trồng cây cảnh làm giàu, nhà nhà người người trồng cây cảnh, tuy nhiên sau đó cây cảnh tụt giá thê thảm khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay…
Xử lý ra sao?
Theo các nhà chuyên môn, thị trường lan đột biến ở ta hiện nay còn đang trong tình trạng thả nổi, không được quản lý đúng cách cần có. Nếu lan đột biến quan tâm đúng mức, được tổ chức sản xuất, kinh doanh một cách bài bản, khoa học và đồng bộ, xây dựng và phát triển thành sản phẩm có thương hiệu và có tính ổn định, thì rất có thể loại hoa này sẽ góp phần vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và bổ xung vào danh mục xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Trao đổi về chuyên môn, GS.VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, hiện tại cây lan đột biến chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một giống lan chính thức, chưa được cấp phép lưu hành trên thị trường. Cạnh đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền đến người dân về các hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây, nêu rõ đây thực chất chỉ là các giao dịch ảo, nhằm đẩy giá lan đột biến lên cao để thu lợi bất chính. Còn Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cũng đã có công văn gửi tới hội sinh vật cảnh các địa phương, khuyến cáo hạn chế về tình trạng mua bán lan đột biến, cảnh báo những người chơi và kinh doanh lan cần tỉnh táo, học hỏi, thu thập thêm kiến thức, thông tin về lan đột biến, tránh bị “sập bẫy” những kẻ trục lợi trong “cuộc chơi” này...
TS Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội cũng cho ý kiến: Để xử lý rốt ráo vấn đề lan đột biến và những hệ lụy hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc một cách chủ động hơn nữa. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng trong việc nghiên cứu, xem xét lan đột biến có đủ điều kiện được công nhận và cho phép lưu hành trên thị trường không? Nếu được thì cần thực hiện các thủ tục cần thiết để loại sản phẩm này chính thức được đi vào hoạt động trên thị trường. Cạnh đó cần tăng cường rà soát các quy định và phối hợp quản lý thị trường để bảo đảm sự canh tranh lành mạnh và hoạt động minh bạch, công khai của thị trường lan đột biến. Có giải pháp hiệu quả về quản lý thông tin trên các trang mạng, ngăn chặn và xử lý triệt để các thông tin giả và sự trục lợi. Đồng thời tăng cường quản lý và bảo đảm nghĩa vụ thuế; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm ổn định về an ninh, trật tự xã hội./.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Tin tức khác