Người dân chăng lưới nhằm điều tiết ánh nắng mặt trời xuống vườn địa lan.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, năm 2020, toàn thị xã có khoảng 96.000 chậu địa lan, tập trung chủ yếu ở các xã: Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn, Mường Hoa… trong đó có 15.000 chậu lan trần mộng được tiêu thụ trong dịp Tết Tân Sửu. Ông Vũ Xuân Quý, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, cho biết: Năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho địa lan phát triển. Địa lan là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, năm 2019, địa lan cho người dân địa phương nguồn thu 60 tỷ đồng.
Gia cố lại hàng rào sắt.
Sáng 2/12, anh Giàng A Kìa cùng nhóm 3 người họ hàng di chuyển những chậu địa lan trong vườn xuống khu vực xã Tòng Sành, huyện Bát Xát để tránh rét. Xã Tả Phìn nơi anh sống, nhiệt độ ngoài trời đã xuống thấp, theo dự báo có thể thời gian tới thường xuyên có sương muối, thậm chí là băng giá. Lo ảnh hưởng đến quá trình kết hoa của địa lan, anh tìm thuê một khu đất bằng có giá khoảng 12 triệu đồng từ nay đến Tết để làm nơi tránh rét cho hoa. Cả 3 cùng chung tiền chi phí vận chuyển, đầu tư lưới chăng, quây rào sắt, ăn uống và chi phí thuê đất. Anh Giàng A Kìa chia sẻ: Năm nay tôi chỉ hy vọng bán được 50 chậu điạ lan vì dịch bệnh Covid-19 sẽ có ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ.
Kiểm tra nụ hoa địa lan.
Cách khu vực tập kết địa lan của anh em Giàng A Kìa không xa là khu đất mà anh Lý Phù On, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cùng 2 người khác thuê. Khu đất rộng hơn 500m2, có giá thuê là 15 triệu đồng/đợt đặt hoa. Nhóm của anh On đang tập trung chăng lưới nhằm điều tiết ánh nắng mặt trời và quây rào sắt bảo vệ vườn địa lan. Lý do anh On chuyển địa lan xuống sớm vì khu vực Tả Phìn vài ngày qua nhiệt độ ban đêm xuống thấp, rét buốt như cứa da thịt. Gia đình anh On có 600 chậu địa lan, mọi năm thời điểm này đã có tư thương về tận vườn đặt mua với giá từ 2 đến 4 triệu đồng/chậu, nhưng năm nay chưa thấy người mua, anh On phải chuyển lan xuống vùng thấp tránh rét. Cũng theo chia sẻ từ anh Lý Phù On, vụ lan tết năm 2019, gia đình anh lãi 150 triệu đồng.
Nhọc nhằn chuẩn bị vườn để đưa địa lan đi tránh rét.
Lan trần mộng là giống địa lan được người dân Tả Phìn đi rừng lấy về, sau khi thuần chủng, nhân giống bằng kỹ thuật chăm sóc riêng đã tạo ra giống cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao. Địa lan có hàng trăm giống nhưng người dân Sa Pa thường trồng giống “Dung” và giống “Chẳn” tức là giống lan do ông Lý Phù Dung và Lý Quẩy Chẳn đưa về thuần chủng. Hai giống này dễ chăm sóc và cho hoa nở đẹp đúng dịp Tết. Trung bình một chậu địa lan phải mất hai năm chăm sóc sau đó mới có thể bán, chi phí chăm sóc địa lan khá cao. Người trồng địa lan trần mộng tự đúc rút được kinh nghiệm chăm sóc, theo họ, địa lan ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hơn các loại phong lan hay lan Trung Quốc.
Anh Lý Phù On kiểm tra những chậu địa lan đặt ở địa điểm mới.
Năm nào cũng vậy, khoảng 2 tháng trước Tết, người trồng địa lan lại thấp thỏm xem dự báo thời tiết để đưa ra quyết định di chuyển vườn lan vào thời gian thích hợp. Với họ, hành trình di chuyển vườn lan gian nan, vất vả, tốn nhiều chi phí. Người trồng địa lan phải tìm mặt bằng, mua lưới, rào thép, thuê phương tiện vận chuyển địa lan… Họ trải qua 2 tháng xa gia đình, vợ con đến ở căn lán tạm rét mướt, muỗi, gián. Cả 2 tháng đó là những đêm thấp thỏm canh chừng vườn lan với nỗi lo người xấu đột nhập lấy cắp những chậu lan đẹp. Mong ước của họ vô cùng giản dị, chỉ là bán hết số lan kia với giá tốt, sớm trở về đoàn tụ gia đình, sắm Tết đủ đầy cho vợ con bù đắp lại một năm lao động vất vả.
Nhưng năm nay dự báo khó khăn với người trồng lan trần mộng bởi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sức mua từ thị trường nhiều khả năng sẽ giảm. Lường trước được những khó khăn đó, những người trồng địa lan đang quảng bá trên các mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng đến thăm vườn lan và mua địa lan chơi Tết.
Năm 2020, gia đình anh Lý Quẩy Páo có 400 chậu lan trần mộng, Tết năm 2019 anh thu lãi 200 triệu đồng từ địa lan. Theo anh Páo, trung bình mỗi chậu địa lan chi phí từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng mới thành sản phẩm để bán, chưa kể công chăm sóc. Anh Páo đang dùng một số mạng xã hội để quảng cáo cho vườn lan với hy vọng bán được giá và tiêu thụ trong thời gian ngắn nhất. Hy vọng của anh Páo cũng chính là mong muốn của tất cả các hộ trồng địa lan trên địa bàn thị xã Sa Pa trước năm dịch bệnh Covid - 19 đầy khó khăn.
Theo baolaocai
Tin tức khác