Nhân kỷ niệm Tạp chí Việt Nam Hương sắc ra số đầu tiên, Ô. Lê Đình- Nguyên UV Thường vụ Hội SVC Việt Nam, nguyên Phó TBT thường trực Tạp chí Việt Nam Hương sắc gửi tới Tòa soạn bài viết tâm huyết, ôn lại thời kỳ đầu đầy gian khó, cùng nỗi trăn trở và kỳ vọng vào sự tiếp nối của các thế hệ những người làm báo Hội SVC Việt Nam.
Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc
******
Năm tháng trôi nhanh, thấm thoắt đã sắp 30 năm, Tạp chí Việt Nam Hương sắc cũng sắp tròn 30 tuổi (10/1993 – 10/2020)!
Ba mươi năm ấy trải qua biết bao khó khăn thử thách và cũng có biết bao nhiêu tình...
Nay hồi tưởng lại những ngày đầu Hội Sinh vật cảnh (SVC) ra đời với mục tiêu vô cùng cao đẹp nhưng đầy khó khăn, chỉ mong muốn có một tờ báo để tuyên truyền, vận động phát triển Sinh vật cảnh, nhằm góp phần nhỏ bé của mình cùng Đảng và Nhà nước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và kinh tế trong nhân dân, nhưng mãi 4 năm sau tờ báo Hội mới ra đời với danh xưng: Tạp chí Việt Nam Hương sắc.
Trang Bìa Tạp chí Việt Nam Hương sắc số đầu tiên (10/1993)
Hồi đó đồng chí Trần Lâm là ủy viên thường vụ TW Hội SVC Việt Nam - nguyên là Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam – đã đề xuất và tự nguyện tiến hành xây dựng tờ báo của Hội với điều kiện tự lo kinh phí, lãi thì đóng góp tài chính cho Hội, lỗ thì tự trang trải. Đ/c Trần Lâm đôn đáo gõ cửa nhiều nơi, cuối cùng với uy tín và tình thân với giám đốc Nhà in Tiến Bộ Phạm văn Thiết đã cho vay 1 trăm triệu (nhưng không phải bằng tiền mặt, mà để trừ dần vào việc in ấn); không những cho vay tiền mà còn cho mượn 2 phòng tại số 10 phố Đường Thành (Hà Nội) để làm trụ sở tòa soạn, đồng thời vị nể tình thân, ông Thiết đã đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng trị sự của Việt Nam Hương sắc.
Hồi ấy do tổ chức Hội mới chỉ có ở một số tỉnh thành lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Nam Ninh, Bến Tre v.v… nên hội viên mới có vài ba ngàn người. Một tờ tạp chí chỉ có khoảng gần 2 ngàn bạn đọc, lại bán dưới giá thành thì lỗ vốn là cầm chắc, do đó Việt Nam Hương sắc xuất bản được hơn 10 số đã mang nợ 100 triệu đồng. Hồi đó, đây là số tiền vô cùng lớn, có thể mua được 1 ngôi biệt thự 400 mét vuông, xung quanh có vườn ở giữa thủ đô Hà Nội!
Trước tình hình đó,Tổng biên tập Trần Lâm cùng Tổng thư ký TW Hội Ngô Luân rất lo lắng và triệu tập nhiều cuộc họp bàn cách tháo gỡ và đi đến quyết định là phải cải tổ, cụ thể là tạp chí phải giảm trang, giảm mầu, giảm chi tối đa, tất cả đều làm việc không lương, riêng cô Kiều Oanh là nhân viên văn phòng mới tốt nghiệp trung học phổ thông nên không có nguồn thu nhập nào khác thì giữ nguyên lương 200 ngàn đồng/tháng.
Sau cải tổ ít ngày, bỗng Phó Tổng biên tập thường trực cùng 8 trong số 12 thành viên của tòa soạn rời bỏ nhiệm sở, chỉ còn lại Tổng biên tập Trần Lâm cùng tôi và cô Kiều Oanh. Riêng tôi phải nhận thêm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự và kiêm cả Thường trực ban biên tập. Tổng biên tập Trần Lâm và Tổng thư ký TW Hội Ngô Luân vô cùng lo lắng căng thẳng vì thiếu quá nhiều nhân sự, lo không ra được báo. Lúc đó tôi “liều” hứa với 2 vị là sẽ ra báo đúng hạn, không chậm 1 ngày. Tôi xuất thân là nhà giáo, sau đó làm đạo diễn điện ảnh và truyền hình, tuy truyền hình cũng là nghề báo nhưng là báo hình nên chưa thạo nghề báo viết, quả là “liều” nhưng may mắn được đồng nghiệp và bạn bè giúp đỡ nên đã thực hiện đúng lời hứa!
Khó khăn chồng chất khó khăn, đột nhiên TBT Trần Lâm bị tai nạn giao thông gẫy chân khi đi tìm nguồn tài trợ cho tạp chí. Với ý chí không chịu “đầu hàng”, lại được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo các Hội địa phương tích cực tuyên truyền, động viên hội viên và cả những người ngoài Hội đọc mua tạp chí. Đồng thời tòa soạn cũng tích cực mở rộng mạng lưới cộng tác viên phát hành và xin tài trợ từ các doanh nghiệp TW đến địa phương, thông qua hợp đồng quảng cáo. Đặc biệt sau lần đến thăm Tạp chí, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định tài trợ cho Việt Nam Hương sắc 50 triệu đồng và 1xe ô tô đã qua sử dụng (với danh nghĩa là tài trợ cho Hội, nhưng lúc đó Hội không dám nhận vì chưa đủ điều kiện nuôi xe). Nhờ thu nhập từ quảng cáo và tài trợ của Thủ tướng, tạp chí mới tồn tại và phát triển, nhưng mãi 3 năm sau mới trả hết nợ.
Một độc giả nước ngoài thể hiện tình cảm đối với Việt Nam Hương sắc
Tuy vậy, Tạp chí vẫn còn nhiều khó khăn về tài chính, vì vậy tháng 3/1997 tòa soạn đã phải chuyển đến nhà tôi ở 76 phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) để không tốn tiền thuê trụ sở. Nhưng lúc này rất vui vì số lượng độc giả ngày càng tăng, tạp chí không những phát hành trong nước mà còn gửi bán tại Mátcơva (Nga), Pari (Pháp) và trở thành tư liệu giảng dạy tại khoa Đông Phương - trường Đại học Pari VII; đồng thời được nhiều Hội viên yêu mến, tin cậy, coi Việt Nam Hương sắc là bạn, thậm chí là người thầy thân thiết của mình...
Thủ tướng Võ văn Kiệt với Hội SVCVN
Đến khi đồng chí Đỗ Phượng về làm Phó Chủ tịch thường trực TW Hội kiêm Tổng biên tập Việt Nam Hương sắc thì tổ chức Hội đã phát triển ở nhiều tỉnh thành và nhiều huyện xã nên số hội viên đã tăng lên vài vạn, đó là thời kì Việt Nam Hương sắc có thể tập trung vào nội dung chuyên ngành; về hình thức, Tạp chí bắt đầu in khá đẹp, khá sang, in 4 mầu trên giấy cao cấp, không thua kém những tờ tạp chí lớn lúc bấy giờ.
Từ đây Việt Nam Hương sắc cùng với phong trào Sinh vật cảnh phát triển ngày càng rực rỡ, Hội viên từ vài ba vạn đã tăng lên vài chục vạn, nên có thể coi thời kì 1998 đến 2013 là thời kì “hoàng kim” bởi số lượng phát hành của Việt Nam Hương sắc đã tăng lên sấp xỉ 1 vạn cuốn mỗi kì xuất bản, do đó đã có “của ăn của để” và có thể đóng góp ngày càng nhiều cho chi phí hoạt động khá lớn của TW Hội.
Tiếc thay, đầu năm 2015, sau khi đồng chí Đỗ Phượng và tôi xin thôi mọi chức vụ ở Tạp chí thì nội dung tạp chí lại chuyển hướng, nặng về tin tức, nhẹ về nội dung chuyên ngành, có phần thương mại hóa tờ Tạp chí nên không còn đáp ứng nhu cầu thiết thực của bạn đọc nên đa số bạn đọc xa lánh, hậu quả là 2 năm sau số lượng phát hành chỉ còn khoảng 2 ngàn cuốn mỗi kì xuất bản! Công bằng mà xét, cũng do sau cơn khủng hoảng tài chính thế giới chưa hồi phục và ở trong nước, thị trường cây cảnh “vỡ bong bóng” vì giá “ảo” trở nên đình đốn, cùng lúc mạng xã hội phát triển như vũ bão lấn át báo in, trong đó có Việt Nam hương sắc.
Đến Đại hội VI – Đại hội mang tính chuyển giao thế hệ vào năm 2018, tiến sĩ Nguyễn Hữu Vạn – nguyên UVTW Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước - làm Chủ tịch Hội và đồng chí Nguyễn Thắng - nguyên Tổng biên tập Báo Kiểm toán về làm Tổng biên tập Việt Nam Hương sắc, cả 2 đồng chí nhậm chức đúng vào lúc Tạp chí đã bị “rơi về điểm xuất phát” như cách đây gần 30 năm. Khó khăn lại chồng chất khó khăn, mặc dù vẫn “cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng Tạp chí đã dũng cảm vươn lên ngày một hữu ích với Hội viên và những người yêu thích Sinh vật cảnh.
Điểm qua vài nét trên đây để chúng ta cùng nhau ôn lại những bước thăng trầm của tờ Tạp chí trong quá trình 30 năm xây dựng và phát triển. Tự hào về những bước đường đã qua và chúng ta kỳ vọng vào tương lai, tờ Tạp chí sẽ tiếp tục được các cấp Hội và đông đảo Hội viên chung tay, góp sức để Việt Nam Hương sắc tồn tại và phát triển ngày càng rực rỡ, không những hữu ích cho hôm nay mà còn là dấu ấn để lại cho các thế hệ mai sau, để biết rằng chúng ta đã phấn đấu vì sự nghiệp Sinh vật cảnh như thế nào?! Bởi nếu trông chờ vào mạng xã hội (như nhiều người suy nghĩ) thì chỉ là nhất thời, khó lưu giữ được gì cho các thế hệ mai sau, quả là tiếc lắm thay!
10/2020
Lê Đình
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác