Robert Steven là người Inđônêxia gốc Hoa, chơi Bonsai từ năm 1979. Trong bộ sưu tập riêng, Robert Steven có khoảng 300 tác phẩm Bonsai, trong đó hơn 100 tác phẩm đã đoạt giải quốc tế. Hiện ông là Giám đốc Câu lạc bộ Bonsai quốc tế có trụ sở đóng tại Mỹ, tổng thư ký Hội Bonsai châu á – Thái Bình Dương từ năm 2002. Nghiên cứu nghệ thuật Bonsai, R.Steven còn giảng dạy, viết báo, viết sách, dạy về cây cảnh trên truyền hình Inđônêxia.
Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo Hà Nội Mới, Ông Robert Steven đã chia sẻ những cảm nghĩ của mình về Bonsai Việt Nam. Chúng ta đọc để hiểu thêm từ góc nhìn cá nhân của một nghệ nhân Bonsai người Indonêxia.
Cuộc Phỏng vấn:
– Từ năm 2002, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội Bonsai châu Á – Thái Bình Dương, xin ông cho biết ấn tượng của mình về thú chơi Bonsai ở Việt Nam ?
– Ấn tượng lớn nhất là nguyên liệu tạo cây Bonsai của Việt Nam rất phong phú. Phong cách Bonsai Việt Nam có tính triết lý, triết học riêng, dựa nhiều vào yếu tố thiên nhiên để thể hiện tình cảm gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Tuy nhiên, Bonsai Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những “bước đi đầu tiên”, tính mỹ học, tầm nhận thức cần phải cải thiện hơn, đẹp hơn, sao cho đúng là tác phẩm của nghệ thuật qua đôi bàn tay và trí óc con người.
– Người yêu sinh vật cảnh Việt Nam hiện rất quan tâm xem nghệ thuật Bonsai Nhật Bản và Penjing – bồn cảnh Trung Quốc có điểm gì giống và khác nhau. Ông thấy thế nào ?
– Trên thế giới, điều này đang gây tranh cãi. Tôi đã nghiên cứu vấn đề này khá lâu qua những chuyến đi Trung Quốc. Tôi đã tìm thấy một số điểm khác biệt căn bản trong từng triết lý, bắt đầu từ việc nhận biết cơ bản từ “Bonsai” có nghĩa là “cây trong bồn”, còn Penjing (tiếng Quan Thoại) thì “Pen” có nghĩa là “bồn”, “Jing” là “phong cảnh” hay “cảnh quan”; “Penjing” đầy đủ nghĩa là: “Cảnh quan trong bồn”. Như vậy, ngay từ khái niệm Bonsai và Penjing đã không đồng nghĩa mà có đôi chút khác biệt. Penjing có sự bao trùm rộng hơn Bonsai.
– Thuyết trình về nghệ thuật Bonsai, ông muốn gửi gắm điều gì ?
– Điều tôi muốn nói với người Việt Nam chơi cây cảnh Bonsai là đừng copy, sao chép. Phải có tính sáng tạo trên cái bản thể của riêng mình với nền tảng về khoa học, mỹ học… cho đến khi nào thế giới công nhận rằng: đây đích thực là một tác phẩm nghệ thuật Bonsai Việt Nam. Bởi đối với nghệ thuật, phải tìm thấy cái riêng gắn với bản sắc văn hóa mỗi dân tộc. Nghệ thuật chơi Bonsai cũng không nằm ngoài quy luật đó.
– Hạn chế của người chơi Bonsai ở Việt Nam hiện nay là gì, theo ông ?
– Là chưa đến được cái đích cuối cùng, chưa có đầy đủ những khái niệm cơ bản về khoa học, nghệ thuật. Tôi cho rằng, Việt Nam cần phải đưa quan điểm về nghệ thuật Bonsai vào bộ môn mỹ học. Điều đó sẽ giúp những người Việt Nam yêu nghệ thuật Bonsai nâng cao hơn tính thẩm mỹ, tác phẩm sẽ đẹp hơn.
– Đã đi nhiều nước, ông đánh giá thế nào về Bonsai Việt Nam trong xu thế hội nhập ?
– Tôi thấy các tác phẩm cây cảnh Bonsai ở nhiều nơi rất giống nhau, đều bị ảnh hưởng nặng bởi thiên nhiên. Việt Nam cũng vậy… Thiên nhiên không bao giờ hoàn mỹ, khi mà ta đặt cái cây vào trong bồn tạo thành bồn cảnh (bước mở đầu của nghệ thuật Bonsai) thì cần thiết phải có sự tác động, cải thiện mang tính nghệ thuật của con người vào trong đó. Bây giờ là thiên niên kỷ của sự toàn cầu hóa, tôi hy vọng rằng trong tương lai gần Bonsai Việt Nam sẽ có tầm cỡ trên trường quốc tế và tất nhiên, phải gắn liền với bản sắc của mình.
– Xin cảm ơn ông !
MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA ROBERT STEVEN
Khánh Huyền (Hà nội mới)
Tin tức khác