Nghệ nhân Đặng Hồng Điểm (64 tuổi, ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đã “biến” những trái dừa khô thành những tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ, đẹp mắt, nâng giá trị lên gấp hàng trăm lần.
Dùng vỏ dừa khô đựng bình trà để giữ ấm đã trở thành nét sinh hoạt quen thuộc suốt hàng trăm năm qua của người Nam bộ. Vỏ dừa bóng nhẵn, bình trà nóng hổi, thơm phức là “đặc sản” để người Nam bộ tiếp khách. Với mong muốn giữ gìn nét thơm thảo ấy nhưng vỏ bình bằng trái dừa phải nghệ thuật, công phu hơn, ông Điểm đã làm nên những tác phẩm điêu khắc đầy mê hoặc.
Trong căn phòng nhỏ với những tác phẩm vỏ bình trà giữ ấm bằng trái dừa được điêu khắc vô cùng cầu kỳ với những hình rồng, phượng ngoài uốn lượn, hoa sen đua nở vô cùng đặc sắc. Ngồi trên ghế, cặm cụi khắc từng đường nét trên vỏ dừa, ông Điểm kể, ông bén duyên với nghề điêu khắc từ năm 1983, nhờ chịu khó học hỏi nên chỉ sau 3 tháng ông ra nghề và tìm thầy để tiếp tục học thêm về hội họa.
Ông bắt đầu làm ra những sản phẩm từ trái dừa khô bán ra thị trường. “Ngày xưa ông cha ta thường sử dụng vỏ dừa để ủ ấm bình tích châm nước trà. Trà muốn ngon thì nhất định phải uống nóng. Thời đó, bình thuỷ còn hiếm và đắt vô cùng, người nghèo đã dùng vỏ dừa để giữ nhiệt nên thời điểm đó cũng là thời hoàng kim của vỏ bình từ dừa khô. Mỗi năm, tôi bán trên 200 sản phẩm, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu từ thị trường”.
Ông Điểm say mê điêu khắc vỏ dừa khô - (Ảnh: Ngọc Trinh).
Làm vỏ bình giữ ấm đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng công đoạn, từ việc phải tìm được nguồn dừa khô ưng ý để đặt mua, sau đó tuyển lựa lại để chọn trái dừa khô (da đã chuyển màu nâu) tròn trịa, gáo to (thường là dừa bị, hay dừa ta), 3 cạnh đáy phải đều nhau. Đặc biệt, phải đợi đến khi dừa ra mọng vì khi đó dừa đạt đến chuẩn về độ cứng để khi chế tác và hoàn thiện sản phẩm sử dụng được lâu, không bị móp méo và hư vỏ bình.
Dùng lưỡi cưa lộng một đường tròn, ba phần trên làm nắp, bảy phần dưới làm thân dùng để bình tích bằng sành, rồi dùng cưa cắt phần nhỏ làm nắp và phần lớn làm đáy cho thẳng đều để khi đặt vỏ bình không bị nghiêng. Đây là khâu quan trọng nhất, nếu cắt sai coi như hỏng cả trái dừa. Kế đến, dùng dao nhọn lấy cơm dừa ra bỏ, đục bỏ phần gáo dừa bên trong sao cho cho vừa vặn với bề hoành bình trà có sẵn, loại bình tích cỡ nhỏ thì 0,3 - 1 lít. Giữ lại một phần gáo trong vỏ để vỏ bình khô không nứt. Riêng phần tay cầm trên nắp, chọn những trái dừa non cắt lấy núm, đục lỗ phần giữa nắp dán keo vào.
Công đoạn phác họa hình ảnh trên vỏ bình bằng màu nước tỉ mĩ. Tùy theo mỗi sản phẩm sẽ có những hình ảnh khác nhau, nhưng thông thường hình ảnh được ưa chuộng nhất là rồng phụng, song long tranh châu, hoa sen… Dụng cụ khắc là một con dao nhỏ, được ông Điểm sáng chế riêng để điêu khắc. Sau khi phác họa xong phần hình ảnh, ông tiến hành khắc từng đường nét mồi và nhấn những nét cạn hoặc sâu để nổi bật từng đường nét của chi tiết. Điểm khó ở đây là người khắc phải đi lưỡi dao thật nhẹ nhàng để không làm vỏ dừa bị sụp, phải tính toán để canh sao cho lưỡi dao vừa đủ chạm dưới lớp vỏ. Cuối cùng, dầu vẹc ni phủ, sơn màu và phủ PU lên bề mặt vỏ để làm bóng và giữ cứng nên bên trong vỏ không cần phủ vải để giữ ấm cho trà, giống như những sản phẩm vỏ bình trà ở Bến Tre.
“Giống như bình rồng phụng phải khắc ra sao để hình ảnh trên vỏ bình phải thật sự có hồn, người mua khi nhìn vào sẽ cảm nhận được từng đường nét thể hiện sự uy nghiêm của rồng, mây trên bình cũng được khắc nhiều lớp để tạo độ chân thực cho sản phẩm. Còn đối với vỏ bình khắc hình hoa sen, công phu là mình phải khắc nhiều lớp theo dạng phù điêu để tạo chiều sâu của lá sen, gương sen”, ông Điểm cho biết.
Những trái dừa khô được nâng giá trị lên gấp hàng trăm lần khi qua bàn tay điêu khắc của ông Điểm - (Ảnh: Ngọc Trinh).
Thông thường, để làm ra một sản phẩm hoàn thiện phải mất từ là 4 – 7 ngày. Hiện, mỗi năm ông Điểm xuất bán khoảng 100 sản phẩm cho thị trường ngoài nước với mức giá bán dao động từ 600.000 – 1,2 triệu đồng (tùy thuộc độ cầu kỳ được khắc trên vỏ).
Mẫu dừa khô được khắc hình rồng, phụng đẹp mắt - (Ảnh: Ngọc Trinh).
Bình nước để trong vỏ dừa giữ được độ ấm cả nửa ngày trời. Tuy đơn giản, nhưng thật có giá trị cả về mặt ẩm thực lẫn nét đẹp văn hoá đối của người dân miền Tây. Hiện ông Điểm còn sáng tạo ra những sản phẩm đèn bằng tre, phù điêu trên dừa khô… được nhiều người vô cùng ưa thích.
Ngọc Trinh
Tin tức khác