Từ trung tâm TP Bến Tre đi theo hướng về huyện Giồng Trôm hơn 3 km, chúng tôi đến đình thần Phú Tự. Ngay cổng đình thần, một bạch mai cổ thụ đang trổ hoa chi chít từ thân đến cành, tỏa hương ngào ngạt.
Người dân dùng bạch mai để pha nước uống như trà |
Cây bạch mai khoảng 300 tuổi trong đình thần ở Bến Tre |
Cây bạch mai tại đình thần Phú Tự có tán rộng vài chục mét, vươn cao 14 m. Cây xanh tốt, mọc thành cụm dày với khoảng 50 thân lớn nhỏ, trong đó 16 thân lớn có đường kính từ 20-30 cm.
Bên cạnh gốc bạch mai còn có bài thơ đề trên tấm bia có tên "Bạch mai bi ký" của tác giả Trần Hoàng Huấn. Dưới cội mai này, cụ Phan Thanh Giản cũng từng ngồi đọc sách.
Từ xưa đến nay, Tết phương Nam không thể thiếu hoa mai với sắc vàng tươi, trổ nhụy khoe màu giữa tiết Xuân để mong một năm may mắn, sung túc. Cổ thụ bạch mai ở đây không phải loại mai trắng có 5 hoặc 10 cánh thường thấy cùng họ với mai vàng.
Ông Đoàn Vĩnh An, người đang quản lý cây di sản này, lý giải sở dĩ có tên bạch mai vì mỗi năm, như họ nhà mai, hoa nở một lần đúng vào tiết Xuân. Hoa có 4 cánh trắng ngà, nhị vàng cam, không có nhụy nên tất cả đều là hoa đơn tính.
Còn một loài cây khác rất giống bạch mai là loại mai mù u, có ở một số nơi như: chùa Giác Viên (quận 11), chùa Giác Lâm (quận Tân Bình), chùa Phụng Sơn (quận 11, TP HCM), lăng Mạc Cửu (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang)... nên nhiều người nhầm lẫn giữa 2 loại cây này.
Theo ông An, bạch mai ở đình thần này là cây độc nhất vì không thể nhân giống chiết ghép được. Khi ta chiết ngang nhánh như bao loại cây khác thì không ra rễ, còn cây con thì dứt khoát không mọc ra.
Khi thấy những cây nhỏ mọc xung quanh cứ tưởng cây con nhưng đó là rễ cây. Vì vậy, cây bạch mai dù có bứng cả đất và rễ mang đi chỗ khác trồng cũng không sống được.
Lão bạch mai thọ nhất trên đất Nam Bộ này đã gắn liền với lịch sử khẩn hoang mở đất của tỉnh Bến Tre. Những năm cuối thế kỷ XVII, khi lưu dân đầu tiên đặt chân đến đây khai phá đã chọn vùng đất cao.
Ông Đoàn Văn Giàu (SN 1882) là người miền Trung, làm nghề hát bội, đến đây đã thấy loài cây lạ, dáng dấp cổ thụ, tiết Xuân hoa nở trắng xóa.
Cho rằng đây là phước địa nên tiền nhân trân trọng giữ gìn, nhiều người tỏ lòng mến mộ muốn nhân giống để mang về trồng nhưng đều bất thành. Hơn nữa, nhiều câu chuyện linh thiêng xung quanh cây được lan truyền khắp nơi nên người đời kính cẩn gọi là "thần mai".
Sau khi hoàn tất công cuộc khai phá, năm 1808, thôn Phú Tự chính thức được triều đình nhà Nguyễn công nhận. Dân làng bắt đầu dựng một ngôi đình bên cạnh cổ thụ để thờ phụng. Giai đoạn 1808-1904, bạch mai nằm ở bên hông đình thần.
Đến năm 1904, sau khi trùng tu, cửa đình quay về hướng Nam. Từ đó, cây trở thành "bức bình phong" án ngữ trước chính môn, ngăn chặn những điều không tốt xâm nhập nơi thờ tự.
Một nhân chứng lịch sử khẳng định ngày 22 rạng 23 tháng giêng năm Mậu Thân (1968), tại đây xảy ra trận đánh lớn. Khu vực đình bị máy bay ném bom.
Hai quả bom rơi cạnh gốc bạch mai làm cây gãy đổ 12 thân lớn, dấu tích còn lại đến ngày nay. Ba quả bom còn lại rơi lên mái ngói đình, trượt dài lăn ra xa mới phát nổ. Vì vậy, ngôi đình chỉ bị hư hỏng nhẹ phần ngói lợp.
Toàn bộ nhà cửa trong làng bị cháy sáng cả một vùng. Bà con xung quanh đình lúc bấy giờ đều di tản qua đây nên được an toàn. Từ đó, đức tin về sự linh thiêng của ngôi đình và vị "thần mai" bảo hộ thôn xóm ngày một lan xa, nhiều thế hệ con cháu sau này vẫn luôn được ông bà kể lại mỗi dịp Tết đến.
Hằng năm, mỗi khi hoa nở rộ, hương chức đình lại trải lưới để hứng hoa, phơi khô làm ra cả ngàn phần lộc tặng bà con về dự lễ cúng đình. Một nhúm hoa mai tươi hay khô cho vào bình, thêm nước sôi vào là có bình trà hoa bạch mai thơm giải nhiệt.
Cũng có nhà tranh thủ qua nhặt về ngâm rượu để khoảng một năm cho ra loại rượu màu nâu đỏ rất đẹp, mùi hương ngào ngạt, hương vị khác lạ khó quên.
Đến nay, người dân ở đây vẫn không biết số tuổi thật của bạch mai. Con số hơn 300 tuổi là lấy mốc ngày khai hoang lập địa. Nguồn gốc của bạch mai vẫn chưa rõ do người trồng hay tự mọc lên. Rất nhiều thế hệ đã dày công nghiên cứu nhân giống nhưng đều bất thành. Vì vậy, nhiều điều kỳ bí về bạch mai vẫn chưa được giải mã.
Theo MINH SƠN/NLĐO
Tin tức khác