Thời gian 24/11/2024 3:21 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Ngành ngân hàng đồng hành với nông nghiệp, nông thôn

Những năm qua, cùng với chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định số 55/2015 và Nghị định số 116/2018 của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 70/2016/NQ-HĐND về hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp đối với các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 96/2016/QĐ-UBND và Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp (Nghị quyết 12/2018/NQ-HĐND nay được thay thế bằng Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND). Qua đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã được tiếp cận, hỗ trợ lãi suất vốn vay, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất vốn vay thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy (Dự án Đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc huyện Si Ma Cai giai đoạn 2015 - 2020).

Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nông sản mở rộng qui mô nhờ nguồn vốn vay tín dụng.

Để cụ thể hóa, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay theo quy định tại Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 82 ngày 7/1/2019, trong đó hướng dẫn trình tự và tổ chức thực hiện hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai tổ chức hội thảo, ban hành hướng dẫn liên ngành hỗ trợ lãi suất vốn vay và phối hợp cùng với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai, các chính sách về tín dụng đã ưu tiên đầu tư cho phát triển sản xuât nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; xây dựng nông thôn mới, cho vay theo Nghị quyết 30a, hợp tác xã; cho vay theo Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy... Đặc biệt, với sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và ngành ngân hàng tỉnh Lào Cai, công tác tuyên truyền và triển khai các chính sách tín dụng của Trung ương, của tỉnh đã đạt nhiều hiệu quả, có nhiều tổ chức, cá nhân được vay vốn, hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất. Từ năm 2017, trung bình mỗi năm khoảng 25.000 tỷ đồng cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch... riêng năm 2020, nguồn vốn cho vay đạt hơn 43.000 tỷ đồng.

Các chính sách về tín dụng đã tạo động lực mới trong việc khơi thông nguồn vốn tín dụng về với nông thôn, tạo niềm tin đối với nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn. Thành tựu nổi bật về tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ở Lào Cai đã góp phần vào sự tăng trưởng nhanh và ổn định, tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, các mô hình sản xuất tạo được sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân. Từ đó, dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 đạt 7.344 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 6,05%. Giá trị sản phẩm/ha canh tác năm 2020 đạt 80,1 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015; thu nhập của người dân nông thôn được cải thiện, năm 2020 bình quân đạt 30 triệu đồng/người. Hết năm 2020, có 57/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,15 tiêu chí/xã.

Sản xuất nông nghiệp được quan tâm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất công nghệ cao với 2.774 ha, tập trung vào rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả ôn đới, chè; giá trị sản phẩm bình quân 260 triệu đồng/ha. Tỉnh hiện có 42 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 1.625 ha; diện tích nhà màng, nhà lưới 56 ha. Việc phát triển các sản phẩm hàng hóa tập trung và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã nâng giá trị trên 1 ha canh tác đạt bình quân từ 48,72 triệu đồng năm 2015 lên 80,1 triệu đồng năm 2020.

Các hình thức sản xuất kinh tế tập thể ngày càng phát triển, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường; các trang trại ngày càng mở rộng về quy mô và tổ chức sản xuất theo chuỗi. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được mở rộng với 60 doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi liên kết với gần 20.000 hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm dược liệu, rau, hoa, chè, cây ăn quả... quy mô gần 15.000 ha. Một số vùng sản xuất tập trung thực hiện tốt việc liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ bền vững (chuỗi chè, dứa, quế, actiso…).

Cùng với thúc đẩy các hoạt động liên kết nội tiêu trong tỉnh, đã kết nối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ninh... và xuất khẩu sang Đài Loan.

Có được kết quả trên, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền các cấp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chính sách đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện được hỗ trợ; định hướng, ưu tiên vào phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và đồng hành với doanh nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sản xuất nông nghiệp chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống an sinh sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách về tín dụng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; chủ động tham mưu, triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thúc đẩy chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn đối với đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các chủ trang trại; tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua cho vay theo chuỗi ngành hàng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó, có quy định, hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản trên đất để chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, làm cơ sở cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cá nhân tiếp cận, vay vốn phát triển sản xuất; nâng cao vai trò của các địa phương trong các hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông  thôn như sử dụng đất, thực hiện chính sách giao đất và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến đầu tư và cho vay, thế chấp…

Bằng các giải pháp cụ thể, cùng với sự phối hợp của các cấp, các ngành, nhất là nguồn tín dụng sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Đề án số 01 ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025”.

                                                                                                          Đỗ Văn Duy

                                                        (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Theo Báo Lào Cai

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng